Hà Nội: Đổi mới công tác giáo dục đạo đức cho học sinh

(Dân trí) - Ngày 23/12, đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội về việc khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc này, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, giáo dục đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác giáo dục học sinh (HS). Hiện nay việc dạy học môn Đạo đức với HS tiểu học và Giáo dục công dân với bậc THCS và THPT được thực hiện 1 tiết/tuần theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường học ở Hà Nội đã tăng cường chất lượng dạy học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, các nội dung tích hợp trong các môn học của HS các cấp theo hướng đưa những câu chuyện giáo dục đạo đức, lối sống gần với thực tế cuộc sống, gần gũi với giới trẻ. Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo đổi mới cách thức giáo dục đạo đức lối sống, thay cách dạy áp đặt bằng việc gợi mở, tư vấn, trao đổi để HS hứng thú, suy nghĩ và tự điều chỉnh hành vi.

Mặc dù đã có những động thái tích cực trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học HS song trên thực tế vẫn còn một bộ phận HS, SV có lối sống buông thả, có hành vi thiếu văn hóa…

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, so với các môn học khác, số lượng tiết học giáo dục Đạo đức, Giáo dục công dân còn thấp nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Để thay đổi được một cách tích cực hơn, Sở GD-ĐT cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân; đổi mới hình thức và nội dung tập huấn giáo viên; bổ sung bộ phận tư vấn tâm lý học đường; xây dựng tài liệu chuẩn cho công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục an toàn giao thông trong trường học...

Đại diện của đoàn khảo sát cho biết, đoàn sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát thực tế tại một số trường học trên địa bàn thành phố. Kết quả khảo sát tại Hà Nội và một số địa phương khác sẽ là cơ sở để Bộ GD-ĐT và các đơn vị liên quan điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình Giáo dục công dân theo hướng phù hợp và thiết thực hơn.

S.H