Hà Nội: 4 khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh

(Dân trí) - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn hướng dẫn tạm thời thực hiện các khoản thu ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2012-2013. Theo đó, các khoản thu được chia làm 3 loại gồm thu hộ; thu thỏa thuận và thu tự nguyện.

Sở GD-ĐT Hà Nội xác định rõ khoản thu hộ ở đây chính là Bảo hiểm y tế. Khoản thu thỏa thuận là những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS. Về khoản này Sở GD-ĐT quy định có 4 khoản thu được phép thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh (HS). Một khoản thu phục vụ bán trú, trong đó bao gồm: tiền ăn (thu theo thỏa thuận với cha mẹ HS); tiền chăm sóc bán trú (không quá 150.000 đồng/HS/tháng); tiền trang thiết bị phục vụ bán trú (không quá 150.000 đồng/HS/năm với mầm non và không quá 100.000 đồng/HS/năm với HS tiểu học và THCS.

Hai khoản thu học 2 buổi/ngày (không quá 100.000 đồng/HS/tháng với tiểu học và không quá 150.000 đồng/HS/tháng với HS THCS). Batiền học phẩm, khoản thu này chỉ áp dụng với HS mầm non với mức thu không quá 150.000 đồng/HS/năm học. Bốn  khoản thu nước uống tinh khiết cho HS, áp dụng cho tất cả các cấp học từ mầm non tới THPT với mức thu không quá 12.000 đồng/HS/tháng.

Trên cơ sở mức trần quy định, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị xây dựng dự toán chi làm căn cứ tính toán mức thu. Có văn bản thỏa thuận đến từng cha mẹ HS về nội dung chi, mức thu với nguyên tắc thu đủ chi trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong Ban giám hiệu nhà trường.

Trong văn bản hướng dẫn tạm thời, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã giải thích rõ về việc đưa ra khoản thu tiền nước uống. Theo đó, mặc dù định mức phân bổ ngân sách của UBND TP đã có kinh phí cho khoản chi này, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: khoản ngân sách đó chi cho tiền nước uống đun sôi cho HS, trong trường hợp cha mẹ HS có nhu cầu cho con em mình uống nước tinh khiết thì sẽ đóng thêm khoản chênh lệch để mua nước uống tinh khiết. Căn cứ mức thu thực tế từng thời kỳ, từng cấp học để nhà trường thống nhất với cha mẹ HS quyết định mức thu cho phù hợp, nhưng không quá mức quy định tại hướng dẫn này và chỉ thực hiện khi có yêu cầu của ban đại diện cha mẹ HS trường cần có nước uống tinh khiết cho HS.

Văn bản này cũng nêu rõ về khoản thu đóng góp tự nguyện. Theo đó, với những khoản đóng góp tự nguyện khác để hỗ trợ xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của HS, chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh HS là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, với khoản thu này, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định: Thống nhất chủ trường và kế hoạch triển khai trong Ban giám hiệu, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS; Lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết; Chỉ được triển khai khi được đơn vị quản lý đồng ý cho phép thực hiện; Sauk hi hoàn thành công việc phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động… Quá trình quản lý và sử dụng phải phải quán triệt các nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích; Dân chủ công khai minh bạch.

Sở GD-ĐT cho biết, các cơ sở giáo dục công khai các khoản thu để nhân dân, cha mẹ HS biết thực hiện. Các cấp quản lý sẽ định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra thực hiện thu, chi các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố. Sở GD-ĐT, UBND và phòng GD-ĐT các quận huyện, lãnh đạo các nhà trường, sẽ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về việc thực hiện các khoản thu ngoài học phí của các cơ sở nói trên.

Văn bản hướng dẫn cũng lưu ý các trường có chế độ miễn giảm phù hợp đối với HS mà gia đình khó khăn về kinh tế. Tuyệt đối không để HS vì không có điều kiện đóng góp phải bỏ học.

S.H