Thanh Hóa:

GV mầm non ngoài biên chế mong chờ “phán quyết” của HĐND

(Dân trí) - Hiện ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng như hơn chục ngàn giáo viên mầm non ngoài biên chế đang trông chờ vào “phán quyết” tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa tháng 12 tới đây.

Những tâm tư, nguyện vọng và cả những khó khăn của giáo viên (GV) mầm non ở huyện Như Thanh cũng là nguyện vọng của hàng chục ngàn GV mầm non ngoài biên chế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. "Thức khuya mới biết đêm dài", có đi sâu vào đời sống của những GV mầm non ngoài biên chế mới hiểu hết những khó khăn vất vả của họ. Đi cùng với những khó khăn đó là tình yêu nghề, mến trẻ và cả những nỗ lực của các GV để bám trụ với nghề.

GV mầm non ngoài biên chế mong chờ “phán quyết” của HĐND    - 1
Để GV mầm non yên tâm tiếp tục công tác tốt, ngành giáo dục rất cần sự chung tay của xã hội

Huyện Như Thanh hiện có 577 GV mầm non, trong đó có 445 GV ngoài biên chế. Ngay từ đầu năm học, UBND huyện chỉ đạo ngành giáo dục triển khai các chương trình chuẩn bị cho năm học mới, trong đó cả về cơ sở vật chất và đời sống cho GV mầm non ngoài biên chế.

Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tiết kiệm chi tiêu nội bộ và hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn thu hợp pháp cho GV. Mức hỗ trợ cố gắng bằng 50% mức lương tối thiểu cho GV mầm non ngoài biên chế. Những động thái trên đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với GV mầm non. Tuy nhiên để nó đi vào thực tế và phát huy hiệu quả mới là vấn đề mà các GV mầm non mong muốn.

Ông Nguyễn Văn Len, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Như Thanh, cho biết: "Về phía ngành giáo dục huyện Như Thanh, cũng đã tiếp thu tinh thần chỉ đạo của huyện và tiến hành giao ban hiệu trưởng các trường mầm non để triển khai nhiệm vụ năm học mới. Đồng thời quán triệt tinh thần công văn liên ngành và của huyện để hiệu trưởng các trường mầm non về tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt hội nghị cha mẹ học sinh, qua đó tuyên truyền vận động cha mẹ học sinh có phần đóng góp tự nguyện nhằm giảm thiệu khó khăn đối với GV mầm non".

"Sau khi nắm bắt về đời sống GV, huyện Như Thanh cũng đã có chủ trương hỗ trợ đột xuất trong quý 4 từ tháng 10 - 12/2011 mỗi GV ngoài biên chế 300.000đ. Ngành cũng đã động viên, chia sẻ với những khó khăn và tiếp tục khẳng định Đề án của Sở đã triển khai từ tháng 2 và theo lộ trình sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh tháng 12/2011 để GV yên tâm công tác", ông Len cho biết thêm.

Về chuyên môn, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Như Thanh tiếp tục chỉ đạo các trường có những tính toán cho hợp lý để giảm tải tối thiệu ngày công lao động của GV mầm non ngoài biên chế, cắt bỏ những phần hội thi chưa cần thiết. Ngành đã phối hợp với công đoàn ngành kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đóng góp hảo tâm hỗ trợ. Trước mắt hêu gọi ủng hộ của cán bộ công chức trên địa bàn huyện từ 1/2 đến một ngày lương cho GV mầm non ngoài biên chế, góp phần động viên, chia sẻ với khó khăn của GV.

Phòng cũng mong muốn các cấp, các ngành chung tay góp sức tháo gỡ từng bước khó khăn cho GV mầm non ngoài biên chế. Trước mắt ngoài nỗ lực của cán bộ công chức trong huyện, cũng rất cần hỗ trợ một phần của hội cha mẹ học sinh, đối với huyện tiếp tục có những phần hỗ trợ, đối với tỉnh mong muốn triển khai Đề án của giáo dục mầm non khi được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.

GV mầm non ngoài biên chế mong chờ “phán quyết” của HĐND    - 2
Những GV mầm non mong chờ đến ngày đề án được thông qua để đời sống của họ bớt khó khăn.

Trao đổi với Dân trí, bà Phạm Thị Hằng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Hiện Đề án về giáo dục mầm non đang được xây dựng và sẽ thông qua vào tháng 12/2011. Trong đó Sở đã tính hết các phương án đối với các trường ở khu vực 135, bãi ngang ven biển, 30a, vùng khó khăn, xã cơ sở cách mạng các trường mầm non sẽ được chuyển sang công lập hoàn toàn. Còn lại các khu vực khác sẽ chuyển sang tự chủ một phần.

Đối với các trường tự chủ một phần kinh phí, tùy vào vùng miền khác nhau, kinh phí hỗ trợ cùng với nhà nước là phát triển từ nguồn học phí và nguồn xã hội hóa. Tỉnh đang quyết tâm hỗ trợ cho GV mầm non ngoài biên chế, ít nhất là nhân với 1,86 hệ số lương. Từ lâu nay trong quan điểm chỉ đạo ngoài ngân sách, thu học phí, các địa phương cân đối thêm để hỗ trợ cho mỗi GV từ 100 đến 400.000đ.

Tuy nhiên, nhiều địa phương khó khăn không hỗ trợ được nên đời sống GV còn nhiều khó khăn. Ngành cũng kêu gọi sự đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau để cùng chung tay giúp đỡ GV mầm non có đời sống đảm bảo hơn”.

Theo khặng định của bà Phạm Thị Hằng thì toàn bộ số GV ngoài biên chế nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa vào biên chế, kể cả số GV mầm non còn thiếu trong năm học mới sẽ cho bổ sung vào biên chế luôn. Riêng việc giảm tải đối với GV ngoài biên chế chỉ là giải pháp trước mắt vì phụ thuộc vào nhu cầu của phụ huynh.

Ông Nguyễn Đình Bưu, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Hàng năm, Hội vẫn dành một phần kinh phí để trao qùa cho các GV mầm non đạt danh hiệu lao động xuất sắc, GV giỏi và làm công tác khuyến học tốt, mỗi suất quà là 2 triệu đồng. Về phía Hội có thể giúp đỡ chỉ một phần nào đó, vì nếu giúp ở chỗ này mà chỗ khác không giúp được thì không ổn. Về lâu dài cần tính toán cụ thể của các cấp các ngành chứ nếu riêng Hội Khuyến học hay một đơn vị nào đó thì cũng không được. Việc kêu gọi các doanh nghiệp giúp học sinh nghèo thì họ sẵn sàng, nhưng giúp đỡ GV thì họ cho rằng đấy là việc mà nhà nước phải lo".

Duy Tuyên