Giải thưởng NTĐV lĩnh vực Sinh học:

GS.TS Bùi Chí Bửu: “Giải thưởng danh giá nhất đời tôi”

(Dân trí) - “Tôi rất bất ngờ khi được vinh danh trong đêm trao giải Nhân tài Đất Việt. Ban đầu tôi đăng ký chỉ để thử sức, không hi vọng đạt được kết quả như vậy. Đây là giải thưởng danh giá nhất sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi”.

Với đề tài Chọn tạo giống lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, người bền bỉ cống hiến cho “vựa lúa” này là một trong hai nhà khoa học được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2010, dành cho lĩnh vực Khoa học tự nhiên.
 
 
GS.TS Bùi Chí Bửu: “Giải thưởng danh giá nhất đời tôi” - 1
Ông Phạm Thế Duyệt trao giải thưởng cho GS Bùi Chí Bửu. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Ngay sau khi nhận giải, GS. TS Bùi Chí Bửu, chia sẻ cảm xúc của mình với Dân trí: “Nhiều nhà khoa học đã coi đây là giải thưởng “Nobel” của Việt Nam. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là nguồn động viên cho những người cả đời nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là “sân chơi” khoa học thực thụ cho thế hệ trẻ Việt Nam sau này”.

 

Đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt, là sự ghi nhận của xã hội đối với cả một quá trình chúng tôi miệt mài cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà. Điều đó, còn cho thấy xã hội đã đặt niềm tin và là sự ghi nhận của cộng đồng các nhà khoa học đối với công trình của mình. Đạt được sự thành công trong đề tài mang ý nghĩa xã hội cao này còn có sự góp sức của đồng nghiệp, bà con nông dân, cán bộ khuyến nông. Đây là niềm động viên lớn nhất đối với họ để họ tiếp tục đưa nền nông nghiệp Việt Nam đi lên”.

 

GS có thể cho biết, tính ứng dụng của đề tài?

 

Nếu như sản lượng ĐBSCL vào năm 1975 là 4 triệu tấn, thì ngày nay đã tăng gấp 5 lần, đạt 20 triệu tấn. Đạt được kết quả đó là nhờ tạo ra nhiêu loại giống lúa mới và hoàn thiện hệ thống thủy nông.

 

Đề tài của tôi có tính xã hội rất cao, xuất phát điểm của nó là thành công trong các đề tài bảo tồn quỹ gen cây lúa và chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL. Sau đó là nghiên cứu sâu về di truyền số lượng và di truyền phân tử làm nền tảng cho công tác chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL. Chính những thành công đó góp một phần nhỏ cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đứng thứ 7 thế giới như hiện nay.

 

Sau khi được vinh danh, GS có thể chia sẻ kế hoạch của mình để góp sức thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam?

 

Tôi sinh ra ở vùng lúa nổi An Giang, Đồng Tháp. Tôi đã thấy sự khổ cực của bà con nông dân khi phải sống chung với lũ. Tôi quyết tâm học cái gì đó để bà con mình bớt đi cơ cực và nghèo khổ. Tôi đã quyết định học nông nghiệp và đeo đuổi ngành Di truyền - Chọn giống từ khi ra trường cho đến bây giờ. Nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt tạo cho tôi động lực và tin tưởng con đường mình đã chọn và vì bà con nông dân.
 
GS.TS Bùi Chí Bửu: “Giải thưởng danh giá nhất đời tôi” - 2
GS.TS Bùi Chí Bửu: "Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là nguồn động viên cho những người cả đời nghiên cứu khoa học...". (Ảnh: Hữu Nghị)
 
GS có ý kiến gì khi giới trẻ dường như không mấy mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp?

 

Lĩnh vực nông nghiệp không được các bạn trẻ nhiệt tình theo đuổi như đàn anh trước đây.

 

Nông nghiệp đã làm vẻ vang đất nước Việt Nam, nhất là 20 năm gần đây. Điều đó cho thấy nguồn nhân lực của chúng ta không phải yếu kém. Họ cần cơ chế giúp họ tích cực hơn trong chuyên ngành của mình.

 

Trong tương lai, chắc chắn chúng ta thiếu nguồn nhân lực như thế này khi các nhà khoa học đầu ngành nghỉ hưu. Vì đầu vào Đại Học Nông nghiệp không phải là sinh viên học giỏi chiếm tỷ lệ cao như Y khoa, Kinh Tế, CN thông tin. Các em học giỏi không về làm ở Viện nghiên cứu vì lương thấp mà đầu quân ở các công ty trái ngành nghề, lương cao. Tôi lo lắng nhất điều này.

 

Để “kéo” những sinh viên xuất sắc dấn thân vào lĩnh vực này, cũng cần cho họ thấy đây không phải là con đường đầy màu hồng, nhưng cần phải trao cơ hội cho họ bằng việc tạo ra cơ chế chính sách phù hợp.

 

Quang Phong (thực hiện)