GS Nguyễn Văn Hiệu - Nhà vật lý tiên phong, sáng tạo

(Dân trí) - “Thời niên thiếu tôi sớm nếm trải nhiều nỗi lo toan, nhiều điều bất hạnh. Tôi không oán trách số phận đã dành cho mình những điều không may mắn ấy. Bởi chính nó đã giúp tôi sớm hiểu được thế nào là sức mạnh của ý chí sắt đá và nghị lực kiên cường...”

Khác với những người trung bình chủ nghĩa ưa chọn các đề tài dễ dãi hoặc "thường thường bậc trung" để nghiên cứu, viết luận án, Nguyễn Văn Hiệu luôn đi tiên phong, hăm hở lao vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng nhất, gai góc nhất nhưng cơ bản nhất của vật lý học hiện đại để khám phá, sáng tạo ra cái mới, cái chưa ai từng khám phá thành công. Chính vì vậy, năm 1981, cùng một số cộng sự ở Liên Xô (cũ), ông mới được cấp Bằng Phát minh số 228 và sau đó, năm 1986, được tặng Giải thưởng Lênin về khoa học - kỹ thuật. Năm 1996, ông được Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học Toán - Lý.

Kỳ I: Thuở thiếu thời đầy gian truân

Tôi còn nhớ vào một ngày cách đây đã 28 năm, trong một gian phòng nhỏ giữa phố Thợ Nhuộm, một phố xưa của Thăng Long, Hà Nội có hai hàng bằng lăng đón chào mùa hạ bằng những vòm hoa tím sáng, bác Nguyễn Văn Nguyện, mái tóc bạc phơ, khuôn mặt đôn hậu, phụ thân của anh Nguyễn Văn Hiệu, thân mật tiếp chuyện tôi. Bác đã nuôi dạy mười người con thành đạt trong đó anh Hiệu là con đầu lòng.

Qua hai cuộc kháng chiến, tản cư thời chống Pháp, sơ tán thời chống Mỹ, nhiều vật lưu niệm quý đã thất lạc tứ tung, giờ bác Nguyện chỉ còn giữ được một tấm ảnh chụp từ hồi đầu Cách mạng Tháng Tám.

Làng Cầu Đơ, quê hương bác Nguyện, nay thuộc tỉnh Hà Tây, ở quãng từ cầu xi-măng sông Nhuệ ngược Ba La - Bông Đỏ. "Chết còn hơn nô lệ!" một dòng biểu ngữ cắt ngang gian đình làng. Dưới dòng biểu ngữ ấy, là tấm ảnh các chiến sĩ tự vệ, kẻ đứng người ngồi thành hai hàng sau trước, vẻ mặt trang nghiêm, mũ ca-nô đính sao vuông đội lệch, quần soóc, áo sơ-mi cộc tay. Đó chính là những anh tự vệ đã đi đầu chiếm trại bảo an binh thị xã Hà Đông. Người ngồi chếch mé phải, đấy là bác Nguyện, lúc bấy giờ tuổi mới ngoài ba mươi, giữ chức Uỷ viên Uỷ ban Hành chính thị xã, phụ trách tự vệ.

Mấy chục năm đã trôi qua, tấm ảnh đã ngả màu.

“Gần một nửa số tự vệ trong tấm ảnh này” - bác Nguyện trầm ngâm nói - “đã hy sinh ngay trong những ngày đầu nổ súng chống Pháp. Anh em giữ trọn lời thề. Người dân làng tôi tự tay châm lửa đốt nhà mình để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Lúc bấy giờ tôi đã có sáu con.”

Tiếng súng cứu nước nổ rền giữa năm Nguyễn Văn Hiệu tám tuổi, đang học dở dang lớp dự bị (tương đương lớp 2 hiện nay). Bố thoát ly gia đình lên Việt Bắc công tác. Cậu bé Hiệu cùng năm em nhỏ dắt díu nhau lánh sang huyện Mỹ Đức, rồi huyện Ứng Hoà, vào mạn bến Đục, chùa Hương. Tháng 3 năm 1947, trong một trận càn, cậu bé khiếp hãi trông thấy bọn lính lê dương xả súng bắn chết mấy chục người dân thường bên con đê, máu đỏ loang vệ cỏ.

Hai lần phải bỏ học vì nhà quá nghèo

Sau này, khi đã trở thành một nhà vật lý nổi tiếng thế giới, được tặng Giải thưởng Lênin về Khoa học - Kỹ thuật vào năm 1986, Nguyễn Văn Hiệu cảm động kể về thuở thiếu thời đầy gian truân của mình:

Là viện sĩ nhiều Viện Hàn lâm Khoa học trên thế giới, tháng 12 năm 2005, kế tục các nhà vật lý lớp trước (như GS Dương Chấn Ninh, 83 tuổi, Giải thưởng Nobel về Vật lý), GS Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Chủ tịch Trung tâm Vật lý Lý thuyết châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Center for Theoretical Physics/ APCTP) đặt trụ sở tại thành phố công nghiệp Pohang, Hàn Quốc.

Sinh năm 1938, đã bước qua ngưỡng "cổ lai hy", GS Hiệu vẫn đam mê khoa học như thời còn trai trẻ, vẫn thấu hiểu những nội dung tươi mới nhất trong vật lý học. Đến thăm tôi tại nhà riêng ở phường Bồ Đề, quận Long Biên vào một ngày cuối đông lạnh cóng năm 2007, trước khi lên đường sang Hàn Quốc, ông sôi nổi nói: "Giờ đây không còn vướng bận các chức vụ như Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng, đại biểu Quốc hội, tôi lại say mê lao vào nghiên cứu!". Khi bài báo này được xuất bản, GS Hiệu đang làm việc tại Pohang, trên cương vị Chủ tịch APCTP.

"Những nỗi buồn vui, những kỷ niệm của thời niên thiều là điều ta thường hồi tưởng khi đã trưởng thành. Mỗi lần trong cuộc đời khoa học của tôi có một sự kiện gì đặc biệt, bao giờ tôi cũng nhớ lại hai lần tôi phải bỏ học khi mới hơn mười tuổi vì nhà quá nghèo!

Năm 1948, năm tôi tốt nghiệp tiểu học, cả tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây) lúc đó chỉ có một trường tiểu học là Trường Nguyễn Huệ ở huyện Mỹ Đức. Cha tôi đi công tác xa, ở một cơ quan thuộc Liên khu Ba. Mẹ tôi và bảy người con, mà tôi là con lớn nhất, tản cư đến làng Đào Xá ở phía nam huyện Ứng Hoà. Trường trung học Nguyễn Huệ ở quá xa. Không có tiền trọ lại, tôi đành bỏ học. Tuy mới lên mười, nhưng tôi đã phải kéo sợi, tết dải rút, kiếm tiền giúp mẹ chút ít.

Một năm sau, cơ quan cha tôi chuyển vào làng Lam Vĩ, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Bên kia con sông Chu là làng Ngò, nơi có Trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Cha tôi đón tôi và ba em lớn của tôi về làng Lam Vĩ. Tôi và ba em vừa kéo sợi, vừa qua sông theo học Trường Nguyễn Thượng Hiền. Một năm sau, khi tôi vừa học xong lớp 5 (lớp 7 hiện nay), cha tôi lại được điều động ra công tác tại một vùng thuộc Liên khu Ba. Mấy anh em tôi phải quay về sống với mẹ tại thị trấn Rừng Thông (Thanh Hoá). Thế là lần thứ hai tôi phải bỏ học, ở nhà kéo sợi, xe chỉ tơ, giúp mẹ nuôi em...".

"Một lần đi hái lá sim trên triền núi Mật mang về băm nhỏ, nấu lên lấy nước nhuộm tím chỉ tơ” - anh Hiệu kể tiếp - “tôi vô ý băm đứt một đốt ngón tay trỏ bên trái, mãi mới cầm được máu. Từ đấy tôi mang tật suốt đời, một ngón tay hơi ngắn! Lúc bấy giờ là vào năm 1951, tôi mới 13 tuổi...

Tôi vô cùng ao ước được tiếp tục học lên. Khi các bạn cũ hồi lớp 5, trọ ở làng Ngò theo học Trường Nguyễn Thượng Hiền, vào ngày chủ nhật trở về nhà, các bạn ấy đi ngang qua nhà tôi ở Rừng Thông, tôi liền khẩn khoản mượn vở của các bạn, vội vã chép lại bài về một số môn chính để mày mò tự học theo chương trinh lớp 6 (lớp 8 hiện nay).

Năm 1952, một số thầy giáo tản cư về Rừng Thông đứng ra mở Trường cấp II Dân lập Tống Duy Tân ở làng Sơn Viện. Do đã chịu khó tự học xong chương trình lớp 6, tôi mạnh dạn thi vào lớp 7 và trúng tuyển. Nhờ trường cách nhà không xa, tôi lại được tiếp tục cắp sách đến trường. Được tiếp tục học lên, tôi sung sướng vô cùng, say sưa "dùi mài" tất cả các môn, từ Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ đến Toán, Lý, Hoá, Sinh. Thấy giáo môn nào cũng yêu tôi...

Nhưng chẳng bao lâu sau, cha tôi lăn ra ốm. Thực hiện chính sách "giản chính", cơ quan cho cha tôi thôi việc! Mẹ tôi sinh đứa con thứ tám! Gia đình quá gieo neo... Đau đớn vô cùng, tôi đành gạt nước mắt viết đơn xin thôi học lần thứ ba!

May mắn thay, các thầy quá thương tôi! Nhà trường cử người đến an ủi cha mẹ tôi và cho biết: Từ ngày hôm ấy, tôi chẳng những không phải nộp học phí, mà còn được trao học bổng mặc dù Trường Tống Duy Tân là một trường tư.

Xúc động trước sự yêu thương đùm bọc của trường, tôi và các em lớn của tôi càng ra sức kéo sợi, xe chỉ tơ, kiếm thêm tiền để bù vào chỗ cha tôi mất việc, đủ cơm ngày hai bữa độn khoai, tiếp tục học hết cấp II.

Những tưởng đến đây là không còn hy vọng học lên. Nào ngờ, chẳng bao lâu sau, các nhà trí thức ở thị xã Thanh Hoá mở Trường cấp III dân lập Đào Đức Thông ở gần nhà tôi. Thế là tôi lại được học tiếp...".

Cũng như gia đình Nguyễn Văn Hiệu, biết bao gia đình rời thành phố bị địch tạm chiếm, tản cư ra vùng tự do, đã phải sống gian nan như thế, nhưng vẫn son sắt một lòng đi theo Cụ Hồ, theo kháng chiến. Cửa nhà nơi quê hương bản quán tự tay thiêu cháy ra tro. Chút vốn liếng ít ỏi khăn gói mang theo cạn dần theo năm tháng. Ăn bữa hôm, lo chạy bữa mai, nhưng vẫn không nản lòng thoái chí, không để mất niềm tin vào ngày Hà Nôi rợp cờ hoa, "Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về...".

"Thời niên thiếu - GS Nguyễn Văn Hiệu nói - “tôi đã sớm nếm trải nhiều nỗi lo toan, nhiều điều bất hạnh. Nhưng tôi không oán trách số phận đã dành cho mình những điều không may mắn ấy. Bởi vì chính nó đã giúp tôi sớm hiểu được thế nào là sức mạnh của ý chí sắt đá và nghị lực kiên cường. Sau này, đọc Nhật ký trong tù của Bác, tôi càng thấm thía:

“Gạo đem vào giã, bao đau đớn

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông.

Sống ở trên đời, người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công.”

Thật hiếm thấy những nhà bác học nào mà cuộc đời quá ư êm xuôi, suôn sẻ! Tôi chỉ muốn nhắn nhủ các bạn trẻ: Nếu các bạn gặp khó khăn, trắc trở trên đường đời thì đừng bao giờ vội nản lòng thoái chí".

Hàm Châu
(còn nữa)

Dòng sự kiện: GS Nguyễn Văn Hiệu