GS Harvard: Trường ĐH cần sự tự do để toàn cầu hóa

(Dân trí) - Giáo sư Jorge I. Dominguez, phó hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế của ĐH Harvard nhấn mạnh rằng các trường đại học cần đẩy mạnh các nghiên cứu của mình như là một trong các cách để trở thành một trường đại học toàn cầu.

Phát biểu tại một diễn đàn mới đây tại Hàn Quốc do báo Korea Times tổ chức với chủ đề “Giáo dục đại học toàn cầu dưới con mắt của ĐH Harvard”, GS Jorge I. Dominguez cho rằng các trường đại học nghiên cứu là những cơ sở giáo dục xác định nhiệm vụ cơ bản của mình là sản sinh ra, ứng dụng và phổ biến kiến thức.

GS Harvard: Trường ĐH cần sự tự do để toàn cầu hóa
Giáo sư Jorge I. Dominguez, phó hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế của ĐH Harvard. (Ảnh: Korea Times)

Để trở thành một trường đại học nghiên cứu, theo GS Dominguez, cần có một số sự tự do cần thiết nhất định, trong đó có tự do trước những nhà tài trợ, tự do trước sự kiêu căng, tự do trước quá khứ…

Theo đó, sự tự do so với những người quyên góp tức là chính trường đại học, chứ không phải người quyên góp tiền của, có quyền nhận những sinh viên đặc biệt và quyết định khi nào sẽ tài trợ cho những sinh viên này.

“Một trường đại học nên tích cực tìm kiếm các nghiên cứu được tài trợ nhưng nhà trường không nên tham gia vào những nghiên cứu mà nhà tài trợ ủng hộ. Nghiên cứu đó phải được tự do trong việc thông tin, thảo luận và phân tích và phải được tự do khỏi những quyết định được can thiệp từ nghiên cứu được tài trợ, GS Dominguez nói. 

Một sự tự do khác cũng cần thiết để các trường đại học toàn cầu hóa là sự tự do khỏi sự kiêu căng. Một trường đại học không được kiêu căng nghĩ rằng khoa của trường mình là tốt nhất.

“Sử dụng tốt nhân lực trong khoa của mình là một điều tốt, nhưng nếu chỉ như thế thôi thì không tốt. Các trường cũng cần thuê giảng viên từ những nơi khác trên thế giới về giảng dạy tại trường mình”, GSd Dominguez nói.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc một tác giả cuốn sách để các học giả khác đánh giá cuốn sách của mình trước khi xuất bản.

“Hệ thống đánh giá của đồng nghiệp là trung tâm sống còn và phát triển của các trường đại học. Các trường đại học phải thoát khỏi việc tin rằng tổ chức nội bộ của mình là tốt nhất. Các trường phải có sự xem xét, đánh giá từng chương trình theo một hệ thống”.

Các trường đại học cũng cần phải tự do trước những nhà quản lý của nhà trường.

“Tự do học thuật phải lấy các giáo sư làm trung tâm. Chỉ các giáo sư mới được chọn những chủ đề mà họ làm việc, họ là những người thiết kế nên các nghiên cứu và quyết định các cuộc tranh cãi”, GS Dominguez nói. “Sự độc lập trước những nhà lãnh đạo trường học là một nét cơ bản của các trường đại học nghiên cứu. Không ai nên bị ép làm nghiên cứu nếu họ không được tự do lựa chọn làm.”

Một tự do nữa cần thiết cho các trường đại học nghiên cứu là tự do khỏi quá khứ.

“Một trường đại học phải xác định những sai lầm mà nó đã từng mắc phải và thừa nhận những sai lầm này và phải đủ thông minh để sửa sai”, GS Dominguez cho hay. “Chính ĐH Harvard có một lịch sử đáng hổ thẹn. Trong quá khứ, Harvard đã sai lầm khi phân biệt người Mỹ gốc Phi, người Do Thái và phụ nữ. Nhưng tôi tự hào rằng những nét lịch sử này của Harvard đang được hoặc đã được vượt qua. Điều quan trọng đối với những người như tôi là thừa nhận điều này trước công chúng.”

Cuối bài phát biểu, GS Dominguez nói rõ rằng trường đại học nghiên cứu mà ông vừa nói chỉ là một khía cạnh trong những cách thức để trở thành một trường toàn cầu. Còn có những yếu tố khác như thuê giảng viên giỏi và tuyển sinh viên tài năng. Nhưng điều này không có nghĩa là những người này phải có yếu tố “quốc tế”.

“Tôi không thích từ quốc gia hay quốc tế. Tôi thích nói đến việc không để ý đến hộ chiếu. Điều này có nghĩa là, không tính đến quốc tịch, giảng viên và sinh viên phải được lựa chọn dựa trên khả năng của họ. Rốt cục thì, việc chính ở đây là lựa chọn những cá nhân tài năng”, GS Dominguez kết luận.

Xuân Vũ
Theo Korea Times