Giấy in sách trắng quá thì không tốt

Không phải giấy để in sách càng trắng càng tốt đối với thị giác. Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu khoa học của một nhóm các nhà khoa học của Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp với các bác sĩ ở Học viện Quân y.

Gần đây, số trẻ em bị cận thị ngày một gia tăng khiến nhiều người lo lắng. Theo một số liệu thống kê, cả nước có 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị, thậm chí có nơi tới 80%. Các em suốt ngày dán mắt vào những trang sách. Làm thế nào để những trang sách trở nên thân thiện hơn, phù hợp hơn với con mắt học sinh, điều đó liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề lựa chọn độ trắng của giấy.

Hồi bao cấp, chỉ có giấy đen, mà giấy đen để in sách giáo khoa (SGK) cũng là quý lắm rồi. Độ trắng lúc đó không tới 50 ISO.

Những năm gần đây, công nghiệp giấy ở Việt Nam khá phát triển, giấy có đủ loại với các độ trắng cao. Có xu hướng lựa chọn giấy có độ trắng cao, 80, 82, 84 ISO và nhiều người nghĩ rằng càng trắng càng tốt. Tuy nhiên, hình như không phải như vậy. Một số SGK nước ngoài như Nhật Bản lại không dùng giấy trắng tinh như vậy, bởi lẽ, về mặt y học, độ trắng quá cao có thể là không phù hợp với mắt người. Độ trắng cao dễ làm cho mắt học sinh bị lóa, đọc lâu dễ mỏi mắt, từ đó dễ sinh cận thị.

Vừa qua Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu một cách nghiêm túc vấn đề này để tìm ra độ trắng phù hợp với mắt của học sinh, nhằm góp phần bảo vệ đôi mắt của các em, góp phần làm giảm nguy cơ cận thị học đường. Đề tài nghiên cứu do TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, làm chủ nhiệm, với sự giúp sức của PGS. TS Nguyễn Văn Đàm, TS Cấn Văn Mão cùng các bác sĩ của Học viện Quân y vừa bảo vệ thành công ngày 30/11 vừa qua tại Viện Nghiên cứu sách và Học liệu giáo dục.

Giấy in sách trắng quá thì không tốt - 1
TS Nguyễn Đăng Quang trình bày kết quả nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm trực tiếp trên số đông học sinh, và dùng phương pháp thống kê đưa ra kết quả một cách khách quan.

Trong quá trình đọc, các yếu tố: kích thước đồng tử, khoảng cách khe mi… tần suất nháy mắt … sẽ thay đổi. Lượng thay đổi đó khác nhau tùy theo độ trắng của giấy, và thể hiện mức độ phù hợp của độ trắng của giấy đối với thị giác của học sinh.

Các bác sỹ đã sử dụng camera có độ phân giải cao, gắn với máy tính, ghi lại hình ảnh đồng tử trong suốt quá trình đọc, lưu lại trong máy tính dưới dạng file video.

Sau đó từ file video trích xuất thành file ảnh bằng sử dụng phần mềm phân tích video Kinovea.

Sau khi được trích xuất ra, các file ảnh sẽ được xử lí, phóng to, điều chỉnh các thông số về độ nét, độ tương phản, màu sắc… bằng sử dụng phần mềm phân tích hình ảnh ImageJ để tìm ra chính xác ranh giới giữa đồng tử và kết mạc.

Giấy in sách trắng quá thì không tốt - 2
Phần mềm ImageJ tìm ranh giới giữa đồng tử và kết mạc.

Hình ảnh sẽ được chuẩn Calibration để tính toán các khoảng cách bằng cách sử dụng kích thước thực của phần lòng đen của mắt. Các thông số trên sẽ được sử dụng để tính toán so sánh thống kê giữa các mẫu thử nghiệm bằng phương pháp thống kê t-Test ghép cặp, sử dụng phần mềm thống kê SPSS.

Đây là một phương pháp nghiên cứu rất hiện đại, mang tính khách quan cao, hiện đang được sử dụng trong các nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Nhật Bản. Chưa từng có một nghiên cứu nào tương tự ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy độ trắng phù hợp nhất với thị giác học sinh không phải là “trắng tinh” mà là “trắng vừa”, trong chuyên môn gọi là độ trắng 73-75 ISO. Độ trắng này cũng phù hợp với độ trắng của SGK Nhật Bản hiện nay.

Đây là một phát hiện mới, thực sự có ý nghĩa để bảo vệ đôi mắt của hàng chục triệu học sinh trên cả nước, đồng thời cũng góp phần giảm thiểu số lượng hóa chất dùng tẩy trắng giấy làm ô nhiễm môi trường. Thực sự đây là một nghiên cứu có ý nghĩa nhân văn rất cao. Kết quả sẽ được áp dụng vào thực tiễn.