Giáo sư Trịnh Xuân Thuận và giải thưởng Kalinga

(Dân trí) - Năm 2009, giáo sư Trịnh Xuân Thuận được UNESCO tặng Giải thưởng Lớn Kalinga về phổ biến khoa học. Giải thưởng này được lập ra từ năm 1952 và lần lượt được trao tặng cho nhiều nhà khoa học rất nổi tiếng từng đoạt giải thưởng Nobel.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận và giải thưởng Kalinga - 1
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
 
Giải thưởng Lớn Kalinga về phổ biến khoa học được lập ra từ năm 1952 và lần lượt được trao tặng cho nhiều nhà khoa học rất nổi tiếng như: Louis de Broglie (người Pháp, Giải thưởng Nobel), George Gamow (người Mỹ gốc Nga, được dư luận cho là ba lần để "tuột mất" Giải thưởng Nobel), Bertrand Russell (người Anh, Giải thưởng Nobel), Sergei Kapitsa (người Nga, Giải thưởng Nobel), v.v.  Ngoài ra, GS. Trịnh Xuân Thuận còn được tặng nhiều giải thưởng quốc tế khác nữa.  

Đầu tháng 8/2004, tình cờ tôi gặp lại GS. Trịnh Xuân Thuận giữa phố cổ Hà Nội, tại một cửa hàng chả cá! Tôi đã từng gặp anh tại Pháp năm 1998 và tại Việt Nam năm 2000. 

- Lần này anh về nước là để dự buổi lễ Gặp gỡ Việt Nam 2004 về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn? - Tôi hỏi.

- Đó cũng là một trong những công việc chính mà tôi phải làm trong gần một tháng ở Hà Nội - anh Thuận nói. Nhưng, ngoài ra, còn nhiều việc khác nữa: Trao đổi ý kiến với một số vị lãnh đạo các ngành khoa học và giáo dục trong nước nhằm mở rộng mối quan hệ hợp tác Mỹ - Việt, nói chuyện với các bạn trẻ Hà Nội về Đi tìm nguồn cội - Big Bang và sau đó, nói chuyện với các bạn trẻ TP. Hồ Chí Minh. Lần này, tôi về nước lâu hơn nên mới có thể nhẩn nha dạo qua phố cổ, thưởng thức món chả cá, bún thang! Sáng nay, tôi vừa ghé về quê, thắp  nén hương trên bàn thờ gia tiên, gặp bà con, lối xóm, đông vui lắm! Quê tôi ở Mai Lâm, bên kia sông Đuống, thuộc ngoại thành Hà Nội.

Tôi ngạc nhiên bởi vì, sau bao nhiêu biến cố, lưu lạc khắp bốn phương trời, thế mà giờ đây, anh Thuận vẫn nói sõi tiếng Việt, với giọng Hà Nội gốc! Sinh ngày 20/8/1948, sau Hiệp nghị Genevơ năm 1954, mới sáu tuổi, Trịnh Xuân Thuận đã phải theo cha rời Hà Nội vào Đà Lạt, rồi giạt về Sài Gòn, theo học "trường tây" Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn). Từ nhỏ cho đến khi thi tú tài tây, anh phải "bò" ra học tất cả các môn đều bằng tiếng Pháp! Nào ngờ, chính nhờ cái vốn tiếng Pháp học rả rích trong mười mấy năm trời từ dạo ấy, sau này, anh mới có thể viết nên những cuốn sách dày dặn, nổi tiếng thế giới, mang tính khoa học chuẩn xác mà lại đậm đà chất triết luận.

Cuốn Số phận vũ trụ: Big Bang và sau đó của Trịnh Xuân Thuận viết bằng tiếng Pháp, được Nhà xuất bản Gallimard in ở Paris năm 1992. Ngay năm sau, 1993, cuốn sách  đã được phát hành và bán chạy tại New York, qua bản dịch tiếng Anh mang sắc thái Mỹ của Harry N. Abrams. Cũng trong năm 1993 ấy, Oxford University Press in một bản dịch tiếng Anh "thuần khiết" hơn của Storm Dunlop, phát hành tại Anh và, sau đó, cả tại Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Ấn Độ...

Gần như cùng một lúc, vào năm 1993, cuốn sách cũng được bày bán rộng rãi tại Munich và nhiều thành phố khác ở Đức, qua bản dịch tiếng Đức của Ravensburger. Sau đó, cuốn sách của nhà vật lý thiên văn gốc Việt ấy được dồn dập dịch và in ở nhiều nước khác: Trung Quốc (1993), Thuỵ Điển (1994), Italy (1994), Nhật Bản (1995), Hàn Quốc (1995), v.v...

Tuy có chậm hơn, Việt Nam ta rồi cũng vào cuộc. Cuốn Giai điệu bí ẩn, do Phạm Văn Thiều dịch từ nguyên văn tiếng Pháp, được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật in xong tại Hà Nội đúng vào đầu tháng 8/2000, coi như một ấn phẩm chào mừng khai mạc Gặp gỡ Việt Nam 2000, với Lời nói đầu do tác giả viết riêng cho bản dịch tiếng Việt:

"Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam vẫn là một đất nước luôn đề cao những giá trị của giáo dục và tri thức. Tôi mong cuốn sách này sẽ là một đóng góp nhỏ bé vào công cuộc truyền bá tri thức.

Tôi sẽ rất sung sướng nếu tác phẩm này - tác phẩm đã được thế giới phương Tây nồng nhiệt đón nhận - có thể nuôi dưỡng suy tư và làm thay đổi ít nhiều nhãn quan về thế giới của một số người. Tôi ấp ủ hy vọng nó có thể làm nảy sinh những chí hướng khoa học ở một số bạn trẻ có trí tuệ, và cũng hy vọng những hạt giống được gieo trong các trang sách này, đến một ngày nào đó, sẽ đâm chồi nảy lộc, phát triển thành cây trái sum sê."

Cuốn sách lập tức tái bản vào ngay trong năm sau, 2001.

Đầu năm 2003, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật in cuốn Hỗn độn và hài hoà cũng của Trịnh Xuân Thuận, do Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch.

Về Hà Nội tháng 8/2004, Trịnh Xuân Thuận tìm gặp lại nhà vật lý giỏi văn chương Phạm Văn Thiều để xem qua bản dịch một cuốn sách khác của anh viết chung với Matthieu Ricard, cuốn Cái vô hạn trong lòng bàn tay - Từ Big Bang đến Giác ngộ, đã được Nhà xuất bản Fayard in ở Paris năm 2000. Cuốn sách đề cập đến hệ tư tưởng Phật giáo và những vấn đề mới nhất của khoa học hiện đại. Để dịch cuốn sách ấy, nghe nói hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ đã phải tham vấn một số vị hoà thượng.

Tính đến năm 2004, Trịnh Xuân Thuận đã công bố hơn 200 công trình chuyên sâu. Đặc biệt, 10 cuốn sách phổ biến khoa học do anh viết đã được dịch ra 16 thứ tiếng.

Như nhiều người đã biết, chỉ một số các nhà thiên văn học rất nổi tiếng mới được sử dụng kính thiên văn không gian Hubble. GS Trịnh Xuân Thuận nằm trong số đó. Năm 1992, anh đã được tặng Giải thưởng Henri Chretien của Hội Thiên văn học Mỹ.

Mấy năm qua, Trịnh Xuân Thuận tiếp tục in nhiều cuốn sách về vật lý thiên văn, trong đó có Nguồn gốc - Nỗi hoài niệm những thuở ban đầu, và Những con đường của ánh sáng.

Năm 2007, anh được tặng Giải thưởng Moron của Viện Hàn lâm Pháp.

Và, mới đây nhất, ngày 5/12/2009, UNESCO tặng anh Giải thưởng Lớn Kalinga về phổ biến khoa học.

Hàm Châu