Giáo dục trực tuyến: Cơ hội vàng của giáo dục Việt Nam

Internet đang mở ra cho hàng triệu người Việt Nam một cơ hội lớn, cơ hội được tiếp cận giáo dục chất lượng cao, vượt qua tất cả những cản trở về địa lý, vùng miền, giàu nghèo...

Từ trẻ em đến người lớn

"Yêu cầu ban quản trị diễn đàn xem xét lại. Tại sao tôi đã thi xong vòng thi thứ 1 mà không được ghi nhận kết quả...".

Đó là lời than phiền của một thành viên trên diễn đàn Mạng Việt Nam go.vn về thành tích thi tiếng Anh trực tuyến của mình. Trong thế giới mạng với vô số các loại diễn đàn, những lời than phiền về quyền lợi như vậy nhiều như sao trên trời.

Được biết, chủ nhân của lời than phiền là một cậu nhóc học lớp 3 và đang ở một huyện lị nghèo của tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ngay từ năm 2010, Công ty viễn thông Quân đội Viettel đã đưa Internet tới tất cả các trường học trên cả nước, giúp cho hơn 30 triệu thầy cô, học sinh, sinh viên các trường học có điều kiện kết nối với thế giới.

Hơn 70% số trường đãđược sử dụng các kết nối tốc độ cao như ADSL, FTTH, leaseline... Những trường còn lại, do điều kiện khó khăn, tạm thời được kết nối bằng công nghệ 3G.

Nhờ vào những tiến bộ vượt bậc của hạ tầng, Mạng Việt Nam go.vn đã đưa được các dịch vụ giáo dục trực tuyến tới từng thôn làng ở Việt Nam. Hai cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet và Giao thông thông minh do Mạng Việt Nam go.vn tổ chức đã thu hút được hơn 6 triệu học sinh tham gia. Cả hai cuộc thi đều nhận được sự bảo trợ của những cơ quan nhà nước như Bộ Giáo dục & Đào tạo hay Ủy ban An toàn Giao Thông quốc gia.
 
Giáo dục trực tuyến: Cơ hội vàng của giáo dục Việt Nam
Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) thu hút sự tham gia của gần 35.000 trường phổ thông trên cả nước.

Nếu tại các nước phát triển, giáo dục trực tuyến giống như mặt trời mọc đang phát triển hết sức rực rỡ , thì ở Việt Nam giáo dục trực tuyến mới là... một ngôi sao nhỏ, nhưng sáng lấp lánh.

"Tất cả chúng ta đang đứng trước một cơ hội cực lớn. Cơ hội được tiếp cận kho kiến thức của cả nhân loại" - Nguyễn Quốc Anh, giảng viên khoa Đông phương học của Đại học KHXH&NV Hà Nội thường nói với các sinh viên của anh như vậy.

Dù đã về Việt Nam được vài năm, nhưng anh vẫn duy trì thói quen nghe các giáo sư hàng đầu thế giới giảng bài bằng cách mua các bài giảng trên mạng. Với mức thu nhập của người Việt, anh vẫn có thể mua được những video bài giảng đó dễ dàng.

Hiện tại để phục vụ cho việc làm thêm, anh đang học một khóa về tài chính. Bài giảng là những video ghi lại buổi dạy của một giáo sư tại đại học Michigan, Mỹ. Chương trình có bài tập về nhà, có chấm điểm và có chứng chỉ hoàn thành khóa học.

"Hóa ra là có nhiều người Việt cũng tham gia học khóa học này" - Quốc Anh nói.

Tùng Cương là một học viên tham gia khóa học cùng Quốc Anh. Là nhân viên IT một tập đoàn lớn, Cương đang suy nghĩ về việc đi du học. Tuy nhiên cậu vẫn chưa săn được một học bổng nào ưng ý, mặt khác bạn bè cậu nói rằng, sau khi đi du học về thì có nguy cơ bị ế vợ.

Trong lúc còn đắn đo, Cương quyết định tham gia các khóa học trên mạng. "Hết sức bổ ích, cách truyền đạt của ông giáo sư rất dễ hiểu và hóm hỉnh.Tớ có mấy ông bạn cũng rất hứng thú với việc du học tại chỗ kiểu này", Cương nói.

Quốc Anh, Tùng Cương và cậu bé lớp 3 ở Tây Ninh là những ví dụ đại diện cho hàng triệu người Việt đang khao khát được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.
 
Giáo dục trực tuyến: Cơ hội vàng của giáo dục Việt Nam
Tình nguyện viên hướng dẫn các em nhỏ huyện Tân Biên, Tây Ninh tham gia cuộc thi Giao thông thông minh và IOE

"Miếng bánh lớn"

"Triển vọng của thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam rất tươi sáng, cho dù hiện tại lợi nhuận chưa được cao." Phan Anh Tuấn, Giám đốc Mạng Việt Nam go.vn cười nói. Ngày 1/12, anh vừa đại diện đơn vị mình lên nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp Internet Việt Nam tại buổi lễ kỉ niệm 15 năm ngày đất nước hòa mạng thông tin toàn cầu.

"Hãy tưởng tượng thế này, hàng triệu học sinh cùng thi trên một hệ thống, rồi cùng trao đổi về việc học trên một diễn đàn chung, cùng vui chơi trên một mạng xã hội... Nó giống như là một ngôi trường cực lớn ấy."ông Tuấn nói.

Hiện tại Việt Nam đã có 31/88 triệu người sử dụng Internet. Theo số liệu năm 2011, 22% số người dùng internet ở Việt Nam thường xuyên vào mạng để tra cứu phục vụ học tập và công việc, hứa hẹn một thị trường giáo dục trực tuyến rộng lớn nhiều tiềm năng.

Cácdịch vụ giáo dục trực tuyến khác ở Việt Nam như công ty Trường Việt Nam, IDJ... đang có những bước phát triển rất mạnh. Các trường đại họcThái Nguyên, Duy Tân, Thăng Long... cũng đang triển khai những mô hình đào tạo trực tuyến riêng của mình.

Tuy nhiên giáo dục trực tuyến cũng đang phải đối mặt với những bài toán khó như hạ tầng mạng, sự thiếu hiểu biết của người dùng.

Vẫn còn gần 60 triệu người Việt Nam chưa được tiếp cận Internet. Độ phủ Internet tại các thành phố đang chững lại, các nhà mạng đang hướng đến người dùng nông thôn, nhưng chi phí tiếp cận khu vực này cũng cao hơn rất nhiều so với thành phố. Và cũng giống như càng leo lên núi cao càng cảm thấy khó khăn, việc đưa Internet đến với nhóm khách hàng ở nông thôn sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc tiếp cận nhóm 31 triệu người đầu tiên.

Ngay trong ngành giáo dục,  rất nhiều thầy cô giáo vẫn còn chưa biết cách khai thác Internet. Khi giáo viên không nắm rõ vấn đề họ sẽ không thể định hướng được cho học sinh sử dụng mạng sao cho hiệu quả.

"Dù vậy nhưng đây vẫn là nơi đáng để đầu tư đấy. Bố mẹ nào mà chẳng muốn con mình học giỏi" - ông Phan Anh Tuấn nói.

Còn thắc mắc của cậu bé đến từ Tây Ninh đã được giải quyết. Do không đề tên thật mà dùng một "nickname" ảo nên bài thi đã không được công nhận kết quả. Sau đó cậu đã phải từ bỏ cái nickname đầy những kí tự hoa văn "xì - tin" và điền tên thật. Kết quả được ghi nhận, cậu tiếp tục thi vào vòng sau.