Giáo dục giới tính: đâu chỉ có giờ Giáo dục công dân

Đúng thế, nếu mỗi thầy cô từ lớp 1 đến lớp 12 đều chăm chút chỉ dẫn học trò mình từ những chuyện tưởng rất nhỏ như những câu chuyện sau đây của đồng nghiệp tôi.

Chỉ phạt con gái

Hôm nọ chuông đã báo giờ vào học, tôi có tí việc ở văn phòng nên lên lớp trễ. Khi đi ngang qua lớp 12D, tôi thấy điều thật lạ: toàn bộ dãy bàn nữ học sinh đều đứng dậy. Dãy bên nam thì ngồi bình thường. Nhìn vào lớp, cô bạn đồng nghiệp H. của tôi đang nghiêm nhìn về phía các nữ sinh. Tôi bước chậm lại và nghe rõ tiếng cô giáo: “Cô đã nói, mỗi khi cô vào lớp, thấy lớp dơ, bàn giáo viên bề bộn hay bảng chưa lau sạch… cô sẽ phạt con gái, bàn ghế không thẳng tắp, cô sẽ phạt con trai… Chúng ta đã thống nhất từ đầu năm rồi mà. Đơn giản vì cô muốn các em hiểu rằng nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Sự ngăn nắp, sạch sẽ trong nhà các em, khách đến sẽ nhìn vào những người phụ nữ trong nhà mà đánh giá. Sau này các em còn làm vợ, rồi làm mẹ…”.

Qua cửa sổ, tôi thấy có hai em nữ đang chạy lên quét trải lại khăn bàn giáo viên, em thì xóa bảng. Các em gái khác đều cúi mặt xuống.

Giáo dục giới tính: đâu chỉ có giờ Giáo dục công dân - 1
Khoảng cách giáo viên và học sinh càng ngắn lại thì thông điệp giáo dục càng đến sớm.

Làm con gái, phải tinh tế trong nhiều chuyện

Tôi ghé qua căntin trường ăn vội tô mì. Bên phía dãy bàn ăn của học sinh, các em đang mang đồ ăn từ quầy đến bàn. Tôi nghe tiếng một vài em nữ: “Dì ơi cắt đôi ổ bánh mì giùm con!”, “Con cũng vậy nữa dì”. Tiếng một em nam: “Con gái D4 “nhiễm” cô H. hết rồi… Muốn có duyên không được ăn bánh mì nguyên ổ!”.

Nghe học sinh nhắc tên cô bạn đồng nghiệp hôm nọ, ăn xong, tôi lân la qua bắt chuyện: “Ai điệu đâu, chỉ thầy coi?” Các em được dịp huyên thuyên: nào là cô H. dặn con gái ăn bánh mì, ăn quả chuối phải cắt đôi, đừng cầm để hết vào miệng sẽ mất duyên. Cô H. còn rất khó với những bạn gái để đầu tóc rối, quần áo nhăn nhúm, không ủi; hoặc các bạn gái ngáp không che miệng, ngồi tựa vào tường. Cô còn nói “bản thân em, em không quý, để mình xấu đi trong mắt mọi người thì làm sao em có thể quý và làm cho mọi người quanh em đẹp lên?”.

“Con gái phải biết hy sinh”

Phiên họp phụ huynh đầu năm, một vài phụ huynh đề nghị xin cho cô H. được dạy văn lớp 12 do tôi chủ nhiệm. Vị phụ huynh nói: “Cách đây hai năm, con gái lớn của tôi nhờ học môn văn cô H. dạy mà tiến bộ rất nhiều. Chỉ vài tháng học với cô, cháu về nhà nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn với ông bà, cha mẹ. Ăn gì cũng nhường cho em, việc gì nặng là giành làm thay em, thay mẹ. Buổi ăn nào cháu cũng chỉ bảo em gái mình cách ngồi, cách ăn, cách nói chuyện. Cháu còn kể cô dặn dò: “Trời sinh ra phụ nữ là để hy sinh. Bây giờ cái gì các em cũng giành phần tốt, phần đẹp về mình thì mai này làm sao các em hy sinh cho chồng, cho con được”. Câu chuyện của vị phụ huynh làm phòng họp lặng đi.

Người đồng nghiệp của tôi trong mắt phụ huynh là vậy. H. không chỉ vững vàng chuyên môn, mà còn là một người mẹ, một người bạn lớn của đám học trò. Học sinh lớp cô dạy đều trưởng thành, chững chạc lên từng ngày. Các em ý tứ, hiểu được thiên chức - giới tính của mình rất rõ ràng.

Có lần tôi nghe chính H. nói: “Thượng đế đã tạo ra người đàn ông và người đàn bà, nên dù nam nữ có bình quyền thế nào đi nữa em vẫn giữ cách dạy học sinh: con trai ra con trai, con gái ra con gái”. Phải nói, tôi đã học được ở người đồng nghiệp này nhiều điều.

Theo Đan Trâm
SGTT