Giảng viên đại học chia sẻ “bí quyết” ôn tập tốt môn thi Toán năm 2016

(Dân trí) - Để giúp thí sinh đánh giá toàn diện về đề thi môn toán năm 2015 và định hướng ôn tập cho kì thi THPT quốc gia 2016, thầy Nguyễn Bá Tuấn, giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ cụ thể về môn học này.

Nhìn lại đề thi năm 2015 qua phổ điểm

Để đánh giá chất lượng của một kì thi nói chung và một đề thi nói riêng thì phổ điểm là căn cứ xác thực nhất. Thông qua phổ điểm, có thể thấy được tính phân loại của đề thi, cũng như có được phương án, cách thức để cải thiện và nâng cao chất lượng cho đề thi năm sau.

Giảng viên đại học chia sẻ “bí quyết” ôn tập tốt môn thi Toán năm 2016 - 1

Phổ điểm môn Toán năm nay có dạng hình yên ngựa, từ phổ điểm này ta có thể nhận thấy một số vấn đề như sau:

+ Ở môn Toán, mức từ 6,5-7 điểm là phổ biến. Cả nước chỉ có 86 thí sinh đạt điểm 10, tổng số thí sinh đạt điểm 9 là 8.152. Ở môn Toán có đến gần 12.000 thí sinh bị điểm liệt.

+ Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kì thi mang tính quốc gia (gộp hai kì thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học vào làm một) do đó đề thi phải đảm bảo hai yêu cầu: dùng để xét tốt nghiệp và là cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đề thi về cơ bản đảm bảo được yêu cầu xét tốt nghiệp (số lượng câu hỏi dễ chiếm khoảng 60%) và điều này được thể hiện rõ trên phổ điểm (số thí sinh đạt mức điểm 6,5 ở ngưỡng cao nhất) và sau đó giảm dần ở các mức 7,8 và 8,5.

+ Số thí sinh đạt điểm thấp và điểm tuyệt đối ít. Đỉnh của phổ điểm có xu hướng dịch dần sang phải (các năm trước có xu hướng dịch trái nhiều hơn). Điều này cho thấy việc đổi mới đã đem lại kết quả tốt hơn so với các năm trước.

+ Tuy nhiên, phổ điểm còn chưa được đẹp và chưa có tính đối xứng, xuất hiện nhiều “hiệu ứng răng cưa” và chưa có dáng dấp chuẩn là hình tháp chuông úp ngược (tức là với mỗi môn thi, sẽ có một số ít em rất kém, một số ít em kém, một số em giỏi, một số ít em rất giỏi, còn lại thì tập trung ở khúc giữa là trung bình-khá. Mức độ yếu-kém-giỏi-khá từng môn khác nhau, mức độ dễ khó của đề thi cũng khác nhau nên đỉnh quả chuông sẽ dao động nhiều ít sang phải hoặc sang trái và độ dốc của thân chuông sẽ biến đổi). Điều này phản ánh đề có tính phân loại chưa cao (nhất là những học sinh ở mức trung bình khá - khá), thể hiện ở việc số thí sinh đạt mức điểm 9 cao hơn thí sinh đạt mức điểm 8,5 hoặc mức điểm 3 lại nhích nhẹ hơn mức 3,5. Nguyên nhân là do câu 9 chưa thực sự phân phân hóa được độ khó ở ý thứ hai (0.5 điểm ).

Việc tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2015 nhận được nhiều sự đồng thuận của dư luận bởi đã giảm bớt áp lực cho thí sinh. Đề thi mặc dù vẫn còn một số hạn chế như vừa phân tích nhưng nhìn chung đã bám sát định hướng đổi mới và có sự cải thiện về mặt chất lượng.

 

Giảng viên đại học chia sẻ “bí quyết” ôn tập tốt môn thi Toán năm 2016 - 2

Thầy Nguyễn Bá Tuấn

Định hướng ôn tập cho thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia 2016

Chúng ta đều biết, trước khi công bố việc tổ chức một kì thi quốc gia chung, dư luận từng loay hoay về việc tranh luận, phân tích xem giữa hai lựa chọn là thi tốt nghiệp THPT và thi đại học thì nên bỏ kỳ thi nào. Phương án cuối cùng được chọn cho kì thi năm 2015 có vẻ như là một giải pháp “trung gian” với 60% câu hỏi cho mỗi bài thi được dành cho mục đích thi tốt nghiệp THPT, 40% câu hỏi còn lại được dành cho mục đích thi đại học. Thông qua kết quả của kì thi, có thể thấy đây là một giải pháp phù hợp với định hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Có thể thấy một điểm chung trong đề thi tốt nghiệp THPT các môn nói chung và môn Toán nói riêng trong năm 2015 là đề xuất hiện những dạng câu hỏi dễ, trung bình (dùng để xét tốt nghiệp khoảng 60%) và các câu hỏi khó – cực khó (khoảng 40%) để làm cơ sở tuyển sinh đại học. Năm 2016, về cơ bản đề thi môn Toán cũng sẽ vẫn bám sát định hướng đó.

Để hoàn thành tốt bài thi môn Toán trong kì thi THPT quốc gia năm 2016, yêu cầu đầu tiên với thí sinh là phải nắm chắc cấu trúc đề thi cũng như mức độ khó cho từng câu trong đề từ đó học sinh sẽ có định hướng ôn tập hợp lí. Tham khảo như sau:

Những câu hỏi nằm ở mức điểm 0 – 6:

Câu 1 – Kiến thức khảo sát hàm số (Lớp 12) (1 điểm). Đối với câu này chỉ cần học sinh nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và chú ý khi trình bày là có thể đạt được điểm tối đa.

Câu 2 – Tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất (Lớp 12) (1 điểm). Ở câu hỏi này học sinh chỉ cần nắm vững quy tắc tìm giá trị lớn nhát, nhỏ nhất đã được trình bày trong sách giáo khoa là có thể đạt được điểm ở câu này.

Câu 3 – Số phức (lớp 12) (0,5 điểm) và phương trình mũ, logarit (0,5 điểm) (lớp 12). Câu này vẫn thuộc mức độ câu dễ, chỉ yêu cầu thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa như khái niệm về số phức, công thức về phương trình mũ và logarit , hiểu cách vận dụng đơn giản các kiến thức là có thể làm được.

Câu 4 – Tích phân (lớp 12) (1 điểm) yêu cầu học sinh nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa về phương pháp đổi biến và phương pháp tích phân từng phần

Câu 5 – Hình giải tích trong không gian(lớp 12) (1 điểm) là câu hỏi có mức độ trung bình, chỉ yêu cầu học sinh nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để viết phương trình mặt phẳng, đường thẳng, mặt cầu khi biết các yếu tố cơ bản nhất về nó, nắm được mối liên hệ giữa các kiến thức cơ bản đó. Học sinh rèn luyện tốt các bài tập trong sách giáo khoa có thể làm được câu này lấy trọn điểm.

Câu 6 – Lượng giác (lớp 11) (0.5 điểm) và xác xuất, nhị thức Newton, tổ hợp, chỉnh hợp, hoán vị (0.5 điểm) (lớp 11). Đây là câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11, học sinh có học lực trung bình thường sợ các câu này nhưng thực chất ở cách ra đề mới chỉ cần học sinh chịu khó học lại các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể làm được. Bắt đầu từ câu 6 đã có yêu cầu trong việc vận dụng các kiến thức có sẳn và xử lí tình huống thực tế trong bài thi ở mức độ cao hơn. Đối với câu lượng giác học sinh học và nắm các công thức ở lớp 10, nhớ các dạng phương trình cơ bản ở lớp 11 là có thể làm được. Câu xác suất thường là câu hỏi gắn với thực tế mang tính vận dụng đơn giản.

Những câu hỏi dùng để xét vào các trường Đại học (6,5 – 10 điểm)

Câu 7 – Hình không gian tổng hợp (lớp 11-12) (1 điểm). Đây là câ hỏi “cầu nối’ giữa phần khó và phần dễ. Học sinh có học lực trung bình khá nếu cố gắng cũng có thể làm được câu này. Ý hỏi thường về thể tích và khoảng cách. Học sinh chỉ cần nắm các kiến thức trong sách giáo khoa, thường xuyên luyện tập để nắm được các phương pháp là có thể chinh phục câu hỏi này (do lượng kiến thức yêu cầu không nhiều và đã có các phương pháp hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho các bài toán về hình không gian tổng hợp).

Câu 8 – Hình giải tích phẳng oxy (lớp 10-kết hợp kiến thức ở cấp 2 về hình học) (1 điểm). Đây là câu hỏi ở mức độ khó, giành cho học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, học sinh khá cũng có thể dành được một phần điểm. Mấu chốt của các câu hỏi dạng này là học sinh phải nhìn ra tính chất về vuông góc hoặc bằng nhau, chỉ cần học sinh học và hiểu các dạng tính chất hay gặp trong phần này thì có thể làm hết được câu này. Đề năm 2015 cũng theo truyền thống đó, mấu chốt của bài toán là tìm ra sự vuông góc, câu này đảm bảo được sự phân loại nhưng chưa phát huy nhiều tính sáng tạo của học sinh do nó khá quen thuộc trong những năm gần đây.

Câu 9 – Phương trình, hệ phương trình, bất phương trình, hệ bất phương trình (lớp 10-dùng kết hợp kiến thức 12) (1điểm). Là câu lấy điểm 9 trong đề thi, thuộc mức độ khó. Tuy nhiên hiện nay có khá nhiều công cụ để giúp học sinh giải và kiếm điểm. Quan trọng nhất là học sinh phải biết cách áp dụng phương pháp, nhìn ra mấu chốt vấn đề kiến thức, thường xuyên rèn luyện để quét các dạng bài, đọc và học thêm các phương pháp giải ngoài sách giáo khoa. Câu này khá hay ở việc đưa bài toán ở hai mức độ, tuy nhiên nó cũng là một dạng bài khá quen thuộc đó là sử dụng tính đơn điệu của hàm số.

Câu 10 – Bất đẳng thức hoặc tìm min, max (lớp 10-kết hợp kiến thức tổng hợp đặc biệt là lớp 12) (1điểm). Là câu khó nhất trong đề thi, yêu cầu học sinh phải am hiểu rộng, có tính sáng tạo cao trong việc vận dụng các kiến thức và phương pháp đã học.

Thầy Nguyễn Bá Tuấn

Giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội