Giảng viên chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên thuyết trình hiệu quả

(Dân trí) - Hiện nay, nhiều giảng viên thường lựa chọn hình thức chấm điểm giữa kỳ cho sinh viên thông qua việc cho các em làm bài tập nhóm ở nhà và thuyết trình tại lớp.

Đây là một trong những hình thức “học đi đôi với hành” mang tính chất “trực quan sinh động” cao, chủ động tìm hiểu kiến thức, tăng hiệu quả học tập, giúp sinh viên hình thành hoặc tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với bản thân và tập thể. Qua các buổi làm việc, thảo luận nhóm, sinh viên học được cách phân chia công việc hợp lý theo quyền lợi và nghĩa vụ của từng thành viên trong nhóm. Để hình thức này thật sự mang lại nhiều ý nghĩa, hiệu quả, với kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, tôi nhận thấy có một số điểm cần lưu ý, chia sẻ.

Dù “nhường sân khấu” cho nhóm sinh viên thuyết trình nhưng giảng viên vẫn phải chủ động trong công tác quản lý lớp. Khi lớp có các biểu hiện ồn, không tập trung theo dõi nội dung mà các nhóm khác đang thuyết trình, giảng viên cần có những động thái nhắc nhở, xử lý kịp thời (trước buổi thuyết trình nên có những dặn dò về các nguyên tắc, các quy ước khi lớp tiến hành thuyết trình và giới thiệu cả các chế tài nếu có sinh viên vi phạm).

Có sinh viên thuyết trình gặp cảm giác căng thẳng, bồn chồn, tay chân run, lóng ngóng. Khi đó, giảng viên cần nhắc lớp vỗ tay động viên, giảng viên cần có những lời nói trấn an, tạo không khí thoải mái cho sinh viên chuẩn bị thuyết trình hoặc khéo léo dẫn dắt thay sinh viên, hỏi khéo những điều sinh viên định chia sẻ với lớp.

Các thành viên trong nhóm có thể thay nhau thuyết trình, một mặt giúp từng thành viên có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho nội dung báo cáo của mình; mặt khác tạo sự sinh động cuốn hút cho bài thuyết trình vì có sự thay đổi trong giọng điệu, cách dẫn dắt phân tích vấn đề. Tuy vậy, giảng viên cần hướng dẫn các em nối mạch cảm xúc giữa các lần chuyển giao người thuyết trình, tránh làm trống thời gian, gây ra sự xao nhãng của lớp.

Sau khi mỗi nhóm kết thúc phần thuyết trình, đầu tiên rất cần nêu bật những điểm tốt, những mặt mạnh mà các em đã đạt được, cả trong nội dung bài học lẫn hình thức trình bày slide chiếu, ngữ điệu trình bày. Thao tác động viên này không những tạo được cảm giác an lòng, thoải mái cho các sinh viên vừa thuyết trình mà còn dễ để đi vào những góp ý, điều chỉnh sau đó về những điểm mà các em chưa thực hiện được.

Trong quá trình các nhóm thảo luận sau khi thuyết trình, thường dễ xảy ra căng thẳng do xung đột trong cách đánh giá, nhận định, quan điểm về nội dung bài học. Giảng viên cần làm chủ tình hình bằng sự tỉnh táo, đồng thời cần khách quan và công bằng trong xử lý vấn đề. Giảng viên có thể thông qua những bất đồng quan điểm giữa các nhóm thảo luận để dẫn dắt vào kiến thức bài giảng, tạo sự nối kết đáng nhớ, kiến thức càng dễ lưu và lưu lâu hơn trong trí nhớ của người học.

Một công việc quan trọng sau cùng của mỗi buổi thuyết trình là rút kinh nghiệm. Giảng viên có thể xen kẽ chia sẻ các nội dung này trong quá trình điều hành sinh viên thảo luận hoặc để dành vào cuối buổi. Đó có thể là những dặn dò tưởng chừng rất giản đơn như: trang phục khi thuyết trình trước lớp cần gọn gàng, lịch sự, thẩm mỹ. Đó có thể là chia sẻ về các kỹ năng khi thuyết trình, nghệ thuật gây thiện cảm; giới thiệu các công cụ hỗ trợ khi thuyết trình, cách sử dụng phi ngôn từ sao cho linh hoạt, hiệu quả. Đó có thể là các kỹ năng vượt qua sợ hãi, làm chủ cảm xúc, xây dựng sự tự tin.

Và tất nhiên là các lưu ý khi thuyết trình như: ngôn từ đơn giản, dễ hiểu; nên có thêm minh họa bằng biểu đồ, hình ảnh, âm thanh… tạo sự sinh động cuốn hút; mỗi trang thuyết trình (slide) chỉ nên có từ ba đến năm câu là hợp lý; cách quản lý tốt thời lượng và nội dung thuyết trình; cách lắng nghe và trả lời các câu hỏi từ các bạn trong lớp…

Có thể nói, tạo điều kiện để sinh viên thuyết trình trước lớp là một hình thức học tập mang tính hiệu quả cao, giúp sinh viên các thêm nhiều kỹ năng có thể áp dụng trong quá trình công tác sau khi tốt nghiệp. Nhưng để hình thức này thật sự có ý nghĩa, giảng viên cũng cần trau dồi các kinh nghiệm có liên quan.

Trần Xuân Tiến

(Giảng viên tại TPHCM)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!