Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” thường niên dành cho SV

(Dân trí) - Từ năm 2011, Bộ GD-ĐT quyết định đổi tên Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” thành Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” nhằm mục đích mở rộng đối tượng tham gia cho các giảng viên trẻ của các trường đại học, học viện trong cả nước.

Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên (SV) được tổ chức hàng năm, còn Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên trẻ sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần vào các năm chẵn, bắt đầu từ năm 2012.

Mỗi công trình nghiên cứu khoa học do 1 hay nhiều SV thực hiện, nhưng tổng số SV tham gia thực hiện một công trình không quá 5 người, đồng thời phải xác định và ghi rõ họ tên SV chịu trách nhiệm chính.

Công trình gửi tham gia xét Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” phải đảm bảo yêu cầu là chưa gửi tham gia bất kỳ một giải thưởng cấp quốc gia nào tại thời điểm nộp hồ sơ và được lựa chọn trong các công trình đạt giải cấp cơ sở.

Số công trình nghiên cứu khoa học của SV gửi tham gia xét Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” của mỗi đơn vị được tính theo quy mô đào tạo với tỷ lệ 3.000 SV đại học chính quy được gửi 1 công trình.

Riêng đối với các trường đại học, học viện có đào tạo SV theo chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao; và các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của SV được Bộ GD-ĐT khen thưởng năm 2010 thì cứ 2.000 SV đại học chính quy được gửi 1 công trình. Ngoài ra, đối với các đơn vị có công trình đạt giải nhất cấp Bộ năm 2010: với mỗi công trình đạt giải nhất, đơn vị đó sẽ được gửi thêm 1 công trình.

Công trình nếu viết bằng tiếng nước ngoài hoặc bằng tiếng dân tộc ít người thì nhất thiết phải có 2 bản toàn văn và 10 bản tóm tắt dịch ra Tiếng Việt.

Về giải thưởng, mỗi nhóm ngành xét chọn 1 giải nhất, 4 giải nhì và 10 giải ba. Đối với nhóm ngành có số công trình từ 30 công trình trở lên, số lượng giải thưởng sẽ do Ban Chỉ đạo xét tặng giải thưởng của Bộ quyết định.

SV thực hiện các công trình đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích và giảng viên hướng dẫn SV có công trình đạt giải nhất được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

SV chịu trách nhiệm chính thực hiện công trình đạt giải nhất nếu đủ điều kiện về điểm trung bình chung học tập toàn khóa (đạt từ 7,5 trở lên) và trình độ ngoại ngữ sẽ được Bộ GD-ĐT xem xét cấp học bổng đi học sau đại học tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Nếu chưa phải là SV năm cuối thì SV đó được bảo lưu kết quả (tối đa là 1 năm) để xét cấp học bổng đi học sau đại học ở nước ngoài theo điều kiện trên.

Đối với các công trình do 2 SV trở lên thực hiện, Bộ chỉ xét đối tượng khen thưởng là SV chịu trách nhiệm chính và đã được xác nhận trong hồ sơ của công trình để cấp học bổng đi học nước ngoài.

Kết quả được công bố trong lễ trao Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2011 dành cho SV được tổ chức vào đầu tháng 1/2012.

Thời hạn nộp công trình trước ngày 15/8/2011 Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD-ĐT).

Theo Bộ GD-ĐT, các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” được sắp xếp để xét thưởng theo 14 nhóm ngành:

1. Khoa học Tự nhiên 1 (TN1): Toán học, vật lý, cơ học.

2. Khoa học Tự nhiên 2 (TN2): Hóa học, sinh học và các khoa học trái đất.

3. Khoa học Kỹ thuật 1 (KT1): Điện, điện tử, cơ khí, luyện kim, kỹ thuật nhiệt, công nghệ vật liệu, tự động hóa, các quá trình công nghệ.

4. Khoa học Kỹ thuật 2 (KT2): Xây dựng, kiến trúc, mỏ, địa chất, giao thông, thuỷ lợi.

5. Khoa học Kỹ thuật 3 (KT3): Máy tính (khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin) và công nghệ thông tin.

6. Khoa học Kỹ thuật 4 (KT4): Công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm.

7. Kinh doanh và quản lý 1 (KD1): Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

8. Kinh doanh và quản lý 2 (KD2): Kinh doanh, kế toán - kiểm toán, quản trị - quản lý.

9. Khoa học Xã hội 1 (XH1): Ngôn ngữ, văn học, khoa học chính trị,triết học, luật học.

10. Khoa học Xã hội 2 (XH2): Kinh tế học, xã hội học và nhân học, báo chí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, an ninh và trật tự xã hội, quân sự.

11. Khoa học Xã hội 3 (XH3): Khách sạn, du lịch, kinh tế gia đình và dịch vụ cá nhân, dịch vụ xã hội, dịch vụ vận tải (khai thác vận tải, kinh tế vận tải, khoa học hàng hải).

12. Khoa học Giáo dục (GD): giáo dục học; quản lý giáo dục; phương pháp giảng dạy các môn học; nội dung, chương trình các môn học, thiết bị dạy học; tâm lý giáo dục.

13. Khoa học Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp (NLN)

14. Khoa học Y - Dược (YD)

Hồng Hạnh