Giấc mơ đỗ ĐH của thí sinh liệt dây thần kinh số 7

(Dân trí) - Bị liệt dây thần kinh số 7, chân tay co quắp, đi lại khó khăn, miệng bị giật méo mó, nói không tròn vành rõ chữ, sức khoẻ yếu. Khác với như những đứa trẻ khác, 5 tuổi Thắng mới lẫm chẫm tập đi. Và nay cậu bé ấy bước vào kỳ thi đại học...

Giấc mơ đỗ ĐH của thí sinh liệt dây thần kinh số 7 - 1
Thắng tâm sự: "Mặc dầu bị liệt nhưng em sẽ cố gắng đạt được ước nguyện vào đại học để sau này trở thành nhà báo".
 
Giám thị, thí sinh và sinh viên tình nguyện ở điểm thi ĐH Vinh rất khâm phục ý chí, nghị lực và giành nhiều tình cảm cho thí sinh khuyết tật Nguyễn Trung Thắng. Em bị liệt vận động nửa người nhưng vẫn chăm chỉ học hành và theo đuổi giấc mơ vào ĐH.

Nguyễn Trung Thắng sinh năm 1991, ở khối Văn Dũng, phường Hưng Dũng, TP Vinh. Lúc sinh ra Thắng đã bị liệt dây thần kinh số 7, chân tay co quắp, đi lại khó khăn, miệng bị giật méo mó, nói không tròn vành rõ chữ, sức khoẻ yếu. 5 tuổi Thắng mới lẫm chẫm tập đi. Chậm đi, chậm nói, vận động khó nhưng trí não của Thắng vẫn phát triển bình thường.

Thấy bạn bè cùng trang lứa được đến trường, Thắng nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Không thể từ chối ước nguyện của con, bố mẹ đến trường xin cho Thắng đi học mẫu giáo, nhưng các cô khuyên “nên để cháu ở nhà thêm năm nữa, sức khoẻ cháu như vậy đến trường các bạn hiếu động lỡ xô ngã cháu thì nguy".
 
Giấc mơ đỗ ĐH của thí sinh liệt dây thần kinh số 7 - 2
Sinh viên tình nguyện giúp thắng đến điểm thi.

Vậy là Thắng bỏ qua giai đoạn học mẫu giáo, lên 7 tuổi gia đình xin cho em học lớp 1, Trường tiểu học Hưng Dũng I. “Ban đầu đến lớp, học với các bạn bình thường khác, em không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ mà là sự kì thị, tò mò. Em rất tự ti và mặc cảm…" - Thắng tâm sự.

Nhưng khó khăn lớn nhất đối với Thắng đó là việc điều khiển các ngón tay để tập viết. Mỗi lần cầm bút là một lần Thắng phải gồng sức mình đánh vật với con chữ. Các ngón tay co quắp, run bần bật, không chịu nghe theo sự điều khiển của Thắng, lúc đưa bút bên này, lúc lại ngoéo sang bên kia.

Để viết được con chữ, Thắng phải mất rất nhiều công sức, nhiều khi các ngón tay tê dại, tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Nhưng với ý chí quyết tâm, sự kiên trì và giúp sức của bố mẹ, bạn bè và thầy cô mà Thắng đã vượt lên tất cả, theo học hết 12 năm phổ thông.

Lên cấp 3, Thắng là học sinh tiên tiến của Trường THPT Dân lập Lê Quý Đôn, TP Vinh, điểm tổng kết các môn Văn, Sử, Địa luôn xấp xỉ 8,0.

Thắng theo học khối C trong lúc khả năng viết của em rất hạn chế, chữ em viết không ngay hàng thẳng lối, rất khó đọc và không thể viết nhanh. Cách học của em là nghe giảng, mượn vở ghi của bạn về phôtô và học. Thầy cô giáo tạo điều kiện cho em làm các bài kiểm tra, các bài thi định kỳ bằng máy vi tính, in ra và chấm.

Nhiều bài thầy cô phải ra đề rồi giao cho Thắng về nhà làm thì em mới đủ thời gian để viết. Nhưng dù kiểm tra ở lớp hay làm bài ở nhà, Thắng luôn nêu cao tinh thần tự giác, trung thực, không quay cóp, không giở tài liệu... “Học là để thu nhận kiến thức, kiểm tra là một lần thầy cô đánh giá kiến thức của mình nên học thế nào, biết được cái gì thì làm thế đó...”. Đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Thắng được xét đặc cách.
 
Giấc mơ đỗ ĐH của thí sinh liệt dây thần kinh số 7 - 3
Trong kỳ thi này, Thắng làm bài rất khó khăn vì căn bệnh của mình khiến cho em khó viết và sẽ làm bài chậm hơn so với các thí sinh khác.

Kỳ thi đại học năm nay, Thắng thi vào khoa Ngữ văn, Trường ĐH Vinh. Ước mơ của Thắng là đậu ĐH, trở thành nhà báo... "Tật nguyền như em, nếu không học hành đến nơi đến chốn, rất khó có thể tìm kiếm một việc làm ổn định, và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội" - Thắng chia sẻ.

Nhưng ước mơ đó cũng rất mong manh khi Thắng phải làm bài thi chung như các thí sinh bình thường khác, trong lúc em không thể viết nhanh, viết rõ như các thí sinh khác. “Em rất tự tin với vốn kiến thức của mình. Chỉ sợ rằng không đủ thời gian để viết, chữ viết quá xấu nên cán bộ chấm thi không đọc được. Giá như em được bố trí phòng thi riêng, được làm bài bằng máy vi tính...”. Thắng cho biết, em sẽ làm bài theo cách lập dàn ý, gạch đầu dòng để đảm bảo đủ thời gian và Trường ĐH Vinh hứa sẽ xem xét trường hợp của em.

Được biết, bố Thắng là thợ xây, mẹ đi phụ hồ, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Những ngày đi thi, sáng mẹ chở em xuống điểm thi rồi đi làm, ra về Thắng phải nhờ các anh chị trong đội tình nguyện chở về nhà. Trước hoàn cảnh của em, các anh chị trong đội tình nguyện hết lòng giúp đỡ....
 
Chúc cho ước mơ của Thắng sớm trở thành hiện thực.

Phúc Nhi - Nguyễn Duy