Nghệ An:

Gạt giáo viên đạt chuẩn, tuyển GV tiểu học đi dạy... mầm non

(Dân trí) - Không tuyển dụng số GV đã đạt chuẩn và trên chuẩn đang hợp đồng với các trường, huyện Anh Sơn (Nghệ An) lại tuyển dụng 23 GV tiểu học, THCS vào dạy các trường mầm non. Sau khi tuyển dụng, huyện gấp rút tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để cấp chứng chỉ cho 23 GV trên.

Giờ học của các cháu mầm non trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Giờ học của các cháu mầm non trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Sau khi UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 7448/QĐ-UBND cho phép các huyện, thành phố, thị xã, trong năm 2015 xét tuyển hợp đồng thêm 1.601 giáo viên (GV) mầm non, liên sở: GD&ĐT, Nội vụ và Tài chính Nghệ An đã ban hành Công văn số 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC quy định cụ thể việc xét tuyển hợp đồng lao động.

Căn cứ vào các văn bản nói trên, UBND huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã tổ chức tuyển hợp đồng 63 GV để bổ sung cho số GV còn thiếu tại các trường mầm non công lập trong huyện. Ngày 24/6/2015, Hội đồng Tuyển hợp đồng lao động huyện Anh Sơn đã công bố danh sách số GV trúng tuyển.

Theo đó, trong số GV trúng tuyển có 40 GV đạt chuẩn GV mầm non (1 GV có trình độ trung cấp sư phạm mầm non, 9 GV có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non, 30 GV có trình độ đại học sư phạm mầm non). Trong số 23 GV còn lại thì có 20 GV tiểu học, 1 GV trung học cơ sở và 2 GV thuộc trường tiểu học và trung học cơ sở.

23 GV tiểu học và THCS nói trên chưa được đào tạo đạt chuẩn GV mầm non như quy định tại Công văn số 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC. Trong Công văn này ghi rõ chỉ xét tuyển đối với “số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non”.

Được biết rằng trong năm học 2014-2015, huyện Anh Sơn có 40 GV hợp đồng với huyện và 40 GV hợp đồng với các trường mầm non. Tất cả số GV này đều đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo. 40 GVmầm non hợp đồng với huyện đã được tuyển dụng vào đợt này, số GV hợp đồng với trường bị gạt ra, nhường chỗ cho 23 GV tiểu học và THCS.

Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn cho biết: Trước hết ưu tiên số GV hợp đồng với huyện, sau đó là đến số GV tiểu học, THCS theo tinh thần quy định của tỉnh vì những GV này đã có thời gian cống hiến lâu năm. Trong số 23 GV tiểu học, THCS được tuyển đợt này thì có 16 giáo viên đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh, 6 GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp huyện.

Các cháu Trường mầm non thị trấn Anh Sơn trong giờ học thực nghiệm. (Ảnh: Sỹ Thuần)
Các cháu Trường mầm non thị trấn Anh Sơn trong giờ học thực nghiệm. (Ảnh: Sỹ Thuần)

Ông Vĩnh khẳng định: “Về chất lượng thì số GV này đảm bảo. Rõ ràng GV tiểu học có đầu vào cao hơn GV mầm non, trải nghiệm môi trường sư phạm cũng lâu hơn, hơn nữa số GV này sẽ được đào tạo theo kiểu vừa học, vừa thực hành nên chất lượng sẽ nổi trội hơn số GV mầm non. Mặt khác, chúng tôi tham mưu với các cấp, các trường cử GV giỏi, nhiều kinh nghiệm kèm cặp số GV này”.

Ngày 11/7 vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn phối hợp với Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục mầm non cho 23 GV mới tuyển dụng. Lớp này sẽ diễn ra trong vòng một tháng, các học viên sẽ học 5 chuyên đề với tổng thời gian bồi dưỡng là 300 tiết. Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, 23 GV kể trên sẽ được cấp chứng chỉ sư phạm mầm non.

Tuy nhiên, theo quy định về chuẩn GV mầm non thì GV phải có trình độ trung cấp sư phạm mầm non. “Trung cấp sư phạm mầm non là theo điều lệ trường học thôi, chứ theo tôi nghĩ thì chứng chỉ là đạt rồi. Họ được đào tạo bài bản, có chất lượng, có trải nghiệm, về phương pháp giáo dục học và kiến thức giáo dục nói chung là rất vững, chỉ thiếu kiến thức giáo dục mầm non. Giờ được tập huấn, được thực hành để có chứng chỉ, đây chỉ là giải pháp tạm thời chuẩn bị cho năm học mới.

Số GV này cũng đã cam kết đi học thêm để đảm bảo trình độ, cam kết thực hiện giáo dục mầm non, cơ bản là có năng khiếu, tập huấn thêm là đáp ứng được yêu cầu của bậc học. Sau lớp học bồi dưỡng này, chúng tôi mở thêm lớp trung cấp sư phạm mầm non”, ông Vĩnh cho biết thêm. Cũng theo ông Vĩnh, sau khi 23 GV này có chứng chỉ sư phạm mầm non, được “sát hạch” về thực hành chăm sóc trẻ đạt thì sẽ được bố trí đứng lớp.

Oái oăm là, mặc dù số GV này được tuyển dụng vào các trường mầm non công lập nhưng Trường CĐSP Nghệ An lại căn cứ vào Quyết định số 1923/QĐ-BGDĐT để mở lớp. Trong Thông báo số 194.TB-CĐSP-ĐT-BD, Trường CĐSP Nghệ An đã “lập lờ” khi ghi: “Căn cứ quyết định số 1923/QĐ-BGDĐT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, lớp mẫu giáo…”. Trong khi đó, Quyết định số 1923 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ quy định “bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục" (!).

Mặt khác, theo quy định hiện hành và Điều lệ Trường mầm non thì chứng chỉ sư phạm mầm non không còn có giá trị. Vậy nhưng Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn và Trường CĐSP Nghệ An vẫn “hợp tác” để mở lớp bồi dưỡng nhằm “chữa cháy” cho 23 GV tiểu học và THCS được tuyển dụng làm GV mầm non.
 
“Chúng tôi chỉ bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thôi, còn cơ sở họ sử dụng chứng chỉ như thế nào thì đó là việc của họ”, ông Nguyễn Viết Minh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng Trường CĐSP Nghệ An nói.

40 GV mầm non hợp đồng trường đạt chuẩn và trên chuẩn nhưng bị gạt ra ngoài. 23 GV tiểu học và THCS dù chưa được đào tạo đạt chuẩn ngành học mầm non nhưng lại được tuyển dụng. Chứng chỉ sư phạm không còn có giá trị với trường mầm non công lập nhưng vẫn trở thành “phao cứu sinh” cho số GV tiểu học và THCS để đi dạy mầm non. Trong 1 tháng bồi dưỡng, với những kiến thức, kỹ năng được đào tạo một cách “cấp tốc” như vậy, liệu các GV này có đảm bảo yêu cầu đối với công việc của GV mầm non?

Hoàng Lam

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!