Gặp nhóm học trò làm phim ngăn kỳ thị người có HIV/AIDS

(Dân trí)- Đoạt giải ưu tú - giải cao nhất tại liên hoan phim học sinh châu Á 2011 vừa diễn ra tại Nhật Bản, phim ngắn “Lan, đừng khóc” của cô trò Trường THCS Tây Sơn (TP Đà Nẵng) đã cất cánh thông điệp từ những trái tim học trò: Xin đừng “tẩy chay” người có H.

Phim "Lan, đừng khóc" do nhóm học sinh Trường THCS Tây Sơn gồm các em Phan Thị Thùy Dung, Trịnh Lan Phương (HS lớp 7/9), Võ Tuấn Quang (HS lớp 8/9) thực hiện với sự hướng dẫn của cô Phạm Thị Phong (tổ trưởng môn Ngữ văn của trường).

Gặp nhóm học trò làm phim ngăn kỳ thị người có HIV/AIDS - 1
Nhóm làm phim "Lan, đừng khóc" và cô giáo hướng dẫn.

Yêu thương tay nắm lấy bàn tay

Khi xem xong 3 phút phim ngắn “Lan, đừng khóc” kể về phản ứng của các bạn học khi biết Lan (do Lan Phương đóng) có cha mẹ qua đời vì HIV/AIDS, chúng tôi đồng cảm với chia sẻ của nhóm làm phim: ấn tượng nhất là cảnh Quang (do Tuấn Quang đóng) tìm thấy Lan đang ngồi khóc và định gieo mình xuống dòng sông vắng. Quang đã chạy nhanh đến nắm tay Lan xin lỗi. Cả hai chở nhau quay trở về trường học trong tiếng cười hồn nhiên, trong veo của tuổi học trò.

Gặp nhóm học trò làm phim ngăn kỳ thị người có HIV/AIDS - 2
Cảnh quay xúc động nhất trong phim.

Võ Tuấn Quang, học sinh đóng vai Quang và kiêm phụ trách hậu trường của nhóm làm phim, cho biết: "Cảnh đó chúng em chỉ quay một lần là được ngay. Bối cảnh lúc đó đã gây ra một cảm xúc thật khi gợi liên tưởng tới điều đáng tiếc nếu nhân vật Lan nhảy xuống sông tự vẫn do không chịu nổi sự xa lánh, hắt hủi của bạn bè".
 

“Lan, đừng khóc” là phim ngắn thứ 2 của học sinh Trường THCS Tây Sơn (TP Đà Nẵng) giành chiến thắng tại Liên hoan phim học sinh châu Á. Trong năm học 2010- 2011, phim ngắn "Buổi học của Thúy" cũng do một nhóm học sinh của trường thực hiện đã đoạt giải nhất tại Liên hoan phim học sinh châu Á năm 2010.

Những cô cậu học trò mới lớp 7, lớp 8 đã gửi gắm những suy nghĩ chững chạc, giàu lòng nhân hậu khi nói về ý tưởng làm phim: "Khi tìm hiểu các thông tin liên quan đến căn bệnh thế kỷ AIDS trong các hoạt động ngoại khóa của trường, chúng em tìm thấy nhiều thông tin về người có H. và người thân của họ đã chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí có người sa lầy vào con đường tệ nạn, có người tự vẫn… vì không chịu nổi sự kỳ thị của người đời.

"Như trong phim vậy, nếu Quang không kịp nắm lấy tay Lan xin lỗi và đưa bạn trở về trường thì không biết được điều đáng tiếc nào đã xảy ra. Lan chắc chắn sẽ nên người có ích khi sống trong sự sẻ chia, yêu thương của bạn bè. Chúng em muốn gửi gắm qua bộ phim rằng xin đừng “tẩy chay” người có H. và những người thân của họ" - Tuấn Quang chia sẻ.
 
Qua phim ngắn "Lan, đừng khóc", nhóm làm phim mong gửi đi thông điệp xin đừng kỳ thị người có H và người thân của họ.

Nắm tay nhau đến Nhật và học hỏi nhiều hơn

Giải ba liên hoan phim học sinh toàn quốc đã mở cửa cho nhóm làm phim “Lan, đừng khóc” bước ra khỏi dải đất hình chữ S, đến Nhật và ẵm giải ưu tú - giải cao nhất tại liên hoan phim châu Á 2011.

10 ngày ở Nhật cùng với hàng trăm bạn bè cùng trang lứa đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á là kỷ niệm khó quên với cô trò Trường THCS Tây Sơn.

Cô Phạm Thị Phong, giáo viên hướng dẫn và cũng là người phụ trách theo nhóm làm phim “Lan, đừng khóc” cùng các nhóm làm phim đoạt giải cao toàn quốc sang Nhật, chia sẻ: “Có cơ hội để đi là may lắm rồi. Cô trò chẳng nghĩ đến một giải thưởng cao như vậy. Thực sự, hơn cả giải thưởng, là những kinh nghiệm, cơ hội được giao lưu học hỏi với bạn bè quốc tế".

Gặp nhóm học trò làm phim ngăn kỳ thị người có HIV/AIDS - 3
Đoàn học sinh Việt Nam trong trang phục dân tộc chụp ảnh kỷ niệm cùng ban tổ chức liên hoan phim học sinh châu Á tại Nhật Bản tháng 12/2011.

Gặp nhóm học trò làm phim ngăn kỳ thị người có HIV/AIDS - 4
Liên hoan phim học sinh châu Á là sân chơi ý nghĩa tạo cơ hội cho các em học sinh trong khu vực giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Được biết, cả ba em Thùy Dung, Tuấn Quang và Lan Phương đều là những học sinh giỏi toàn diện ở Trường THCS Tây Sơn. Các em thích làm phim, tham gia câu lạc bộ điện ảnh ở trường trong học kỳ hè song khi được hỏi các em có muốn theo điện ảnh không, các em đều chưa khẳng định.

“Việc chính của bọn em bây giờ là học, còn điện ảnh là sân chơi thú vị, bổ ích cho chúng em được vui chơi cùng nhau và cùng chia sẻ suy nghĩ, gửi đi những thông điệp của lứa tuổi học trò” - Thùy Dung, phụ trách quay phim “Lan, đừng khóc”, bộc bạch.
 
Gặp nhóm học trò làm phim ngăn kỳ thị người có HIV/AIDS - 5
Tuấn Quang, Lan Phương, Thùy Dung (từ trái sang) cùng chung sở thích điện ảnh và đều là những học sinh giỏi toàn diện.

Khánh Hiền