Gặp lại những em bé từng được xem là “thần đồng”

Thần đồng ngôn ngữ một thời Phó Đ.B.A giờ chỉ mê chơi điện tử, nói năng kém lưu loát, không biết diễn đạt ý mình. Còn cậu bé S nổi lên 15 năm trước vì chưa biết nói đã biết đọc lại đang có nhiều biểu hiện của bệnh tự kỷ.

Những năm gần đây, báo chí thường xuyên đăng tải về những “thần đồng” với các khả năng siêu việt như 3 tuổi đã biết đọc, biết viết, biết tính toán đến con số hàng nghìn hay biết đọc cả tiếng Anh. Nhưng hiện tại các em ra sao thì ít người biết.

 

Thần đồng ngôn ngữ: Diễn đạt như “gà mắc tóc”

 

Phó Đ.B.A từng được nhắc đến như là một “thần đồng” về ngôn ngữ và toán học khi mới tròn 3 tuổi. Lúc đó, B.A trở thành tâm điểm chú ý của không chỉ các hộ ở khu tập thể nơi em sống mà còn từ nhiều người hiếu kỳ khác. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải nói rằng, bé Phó Đ.B.A là một trường hợp đặc biệt đáng lưu ý. Song theo ông, để đưa ra những kết luận cụ thể, chính xác, các nhà khoa học cần phải có quá trình theo dõi lâu dài.

 

Mới đây, 3 năm sau ngày bé B.A “phát lộ” những khả năng đặc biệt nói trên, phóng viên đến nhà và tìm hiểu về em.

 

Hỏi chuyện “thần đồng” bây giờ ra sao, bố B.A ngắt lời: “Ối dào, đó là chuyện ngày trước chứ bây giờ cháu nó bình thường thôi mà, có gì đâu!”. Còn cậu bé, khi được hỏi: “B.A học có giỏi không?” thì rụt rè trả lời: “Dạ giỏi!”. Sau câu trả lời khá tự tin này, cu cậu thò tay vào túi áo móc chiếc điện thoại di động của phóng viên và chạy ù vào nhà. Anh Điền, bố B.A bảo: “Nó lấy để chơi điện tử đấy. Nghiện lắm! Tôi phải cất máy vi tính, nếu không là cu cậu suốt ngày ngồi lì với các trò chơi mà không chịu học hành gì cả”.

 

Về việc học tập, anh Điền cho biết, B.A vẫn học tốt môn toán nhưng ít khi được điểm tối đa vì trình bày rất bẩn và cẩu thả, sửa mãi chẳng được. Còn môn Tiếng Việt thì B.A rất kém, cả về phát âm lẫn về cách diễn đạt ngôn từ đều lộn xộn, câu chẳng ra câu, ý chẳng ra ý. Anh Điền còn kể rằng, nhiều lúc B.A nói rất khó nghe, khó hiểu vì phát âm không chuẩn, không biết cách diễn đạt ý mình.

 

Anh trai của B.A cũng nói: “Nó lười học lắm, nhiều lúc cháu đem các bài toán mẹo, các bài toán thử IQ ở mức độ trung bình dành cho độ tuổi từ 9 đến 14 thì em trả lời được ít câu đúng, riêng ở mức khó thì tuyệt đối không trả lời được câu nào”.

 

Xem vở của B.A thì quả thật em trình bày bài vở rất tuỳ tiện, gạch xoá lung tung. Riêng vở Tiếng Việt thì cậu đã nhanh tay giấu mất tăm. Có lẽ nhìn vào học lực hiện nay, không ai bảo trước đây B.A là một “thần đồng” có khả năng đặc biệt về ngôn ngữ và toán học.

 

Cô Lập, giáo viên chủ nhiệm lớp 3G của B.A cho biết, hồi mới nhận lớp, thấy B.A rất nhát, không chơi với bất kỳ ai, cô còn nghĩ cậu học trò của mình có dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Giờ B.A đã hòa đồng và tiến bộ hơn nhiều. Tuy nhiên, cô Lập khẳng định: “Ở B.A hoàn toàn không có những biểu hiện của khả năng đặc biệt. Về khả năng tính nhẩm mà ngày trước báo viết cháu tính nhanh còn hơn cả người khác bấm máy tính, thì bây giờ tôi thấy bình thường. Nhiều bạn trong lớp cũng tính được, thậm chí còn nhanh hơn cả A”.

 

Riêng môn Tiếng Việt, A tỏ ra yếu thật sự. Nhiều lúc cô Lập không nhịn nổi cười khi chấm bài kiểm tra văn của B.A bởi gần như các câu trong bài văn không có mối liên hệ, gắn kết gì với nhau về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp. Không chỉ viết mà lúc nói, B.A cũng như “gà mắc tóc”. Có những lúc đứng dậy phát biểu, A nói một thôi một hồi mà vẫn không thể diễn đạt được ý mình muốn nói, chỉ đến khi cô giáo gợi ý “thế có phải con muốn nói như thế này phải không” thì mọi người mới hiểu cu cậu nói gì.

 

Thần đồng đất mỏ: Dấu hiệu của bệnh tự kỷ

 

Quảng Ninh trước đây rộ lên hiện tượng 2 “thần đồng” Trần N.S và Lê T.M. Cách đây 15 năm, S cũng được phát hiện là cậu bé có những khả năng đặc biệt: Biết đọc khi chưa biết nói.

 

Ngày đó S là tâm điểm của báo chí, của những người hiếu kỳ và các nhà nghiên cứu. Khi đến nhà S (TP Hạ Long), chị Ngà (mẹ S) còn có vẻ nuối tiếc khi nhớ về những ngày đó.

 

Khi những tư chất thiên bẩm của S được nhiều người biết đến, chị Ngà đã nhận được không ít thư từ góp ý về các phương pháp nuôi dạy “thần đồng” để S phát triển được những khả năng đặc biệt của mình. Thế nhưng vì điều kiện nhiều khó khăn nên chị không thể làm theo.

 

Đến giờ, không những không thể phát huy được những khả năng thiên bẩm của mình mà theo chị Ngà, S ngày càng tỏ ra có gì đó không bình thường. Điều dễ nhận thấy nhất là tính S nhút nhát, rất ít khi đi chơi, không thích đến những nơi đông người. Ngày còn nhỏ gần như cậu không có bạn, đến lúc lớn cũng chỉ chơi với một vài người. Ngoài ra, S rất kén ăn, đến năm lớp 9 mà mẹ vẫn còn phải chăm như chăm một cậu bé lớp 1.

 

S còn có tính lơ đãng, hay quên. Mẹ cậu cho biết: “Nhiều lần đi chơi về, tôi hỏi con đi đâu về đấy? Có khi hỏi đến câu thứ 3 nó mới gãi đầu, gãi tai lí nhí: Để con nhớ đã mẹ ạ!”. Chị còn kể, cô giáo chủ nhiệm lớp 10 phản ánh, giờ ra chơi cậu thường leo lên đồi ngồi trầm ngâm một mình thay vì nô đùa cùng các bạn.

 

Đang học lớp 11, S chỉ thích học vi tính, cậu ước mơ sau này sẽ trở thành một cử nhân tin học. Lâu nay cậu thường xuyên viết và vẽ các bộ truyện tranh. Nhiều lần S ngỏ ý nhờ mẹ tìm và gửi hộ các bộ truyện tranh của mình lên các nhà xuất bản. Xem những trang sách của S, thấy cậu ghi chép, trình bày rất cẩu thả chứng tỏ học không phải là niềm đam mê của cựu “thần đồng” này.

 

Trên nhãn vở Văn, S ghi như sau: “Trường: Không tên tuổi, Lớp: Vô danh” còn nội dung bên trong, có trang cậu ghi tới 3 môn Văn, Đại số, Hình học. Lồng trong nội dung bài học là chi chít những hình vẽ về các nhân vật trong truyện tranh với dao kiếm hãi hùng. Hầu như rất hiếm để tìm thấy một quyển vở được ghi chép một cách cẩn thận, sạch đẹp.

 

Cô Đoàn Thị Thái, giáo viên chủ nhiệm 4 năm trung học cơ sở của S cho biết, học lực của S cũng chỉ đạt mức khá, nhiều môn đạt điểm trung bình. Đến lớp, S hầu như không chơi cùng bạn mà thu mình ngồi trầm tư một góc. Một đặc điểm “nổi trội” của S chính là tính hay quên và nhiều lúc ngồi trong lớp mà như người “trên trời rơi xuống”. Đã không ít lần S quên giờ lên lớp, quên hết lời cô dặn, khiến cô rất thất vọng.

 

“Thần đồng” mơ một lần được thi đại học

 

 

Gặp lại những em bé từng được xem là “thần đồng” - 1
 

Cựu "thần đồng" Lê T.M nhớ về

tuổi thơ với nhiều kỷ niệm buồn.

Cũng ồn ào xuất hiện trên báo chí hồi đó như S, khiến nhiều người phải ngả mũ kính phục vì “khả năng đặc biệt”, nhưng giờ đây gặp lại, một cựu “thần đồng” khác ở đất mỏ là Lê T.M lại nói với chúng tôi rằng: “Hai chữ 'thần đồng' đã đánh cắp tuổi thơ tôi”.

 

Chúng tôi gặp cựu “thần đồng” Lê T.M ở Bệnh viện Bãi Cháy, nơi cô đang làm việc. Câu chuyện trở lại 15 năm về trước, khi M mới tròn 10 tuổi, nổi danh khắp chốn bởi khả năng đặc biệt về toán học.

 

Ông Lê Duy Chuyên (bố M) sớm phát hiện được những khả năng thiên bẩm của cô con gái. Với kiến thức khá vững về tự nhiên, ông dành hết thời gian rảnh rỗi kèm cặp M. Để rồi M vượt trội hẳn so với các bạn cùng lứa. Dù chỉ mới học lớp 2 nhưng M đã có thể giải các bài toán bằng cách lập phương trình hay tính các phép tính khai căn nhanh hơn bấm máy tính.

 

Cũng từ đó, bố M đã nuôi trong mình những tham vọng lớn lao, muốn biến M thành một “thần đồng” thật sự. Ông sắp đặt cho M một lịch học đặc kín, hầu như không còn thời gian rảnh để chơi đùa.

 

Hồi đó, M lao vào học để làm vui lòng bố. M thú nhận rằng em không hề có một chút gì gọi là khả năng đặc biệt cả, trí nhớ của em cũng bình thường như bao người khác. M chỉ thật sự nổi bật lên trong các phép toán khai căn, trong việc giải bài toán bằng cách lập phương trình, ngoài ra không phát triển được gì thêm.

 

Khi lớn lên, oái oăm thay niềm đam mê của M không phải là khoa học tự nhiên. Em chỉ thích ngoại ngữ và bây giờ trở thành một phiên dịch viên trong Bệnh viện Bãi Cháy. Tất cả những gì gọi là khả năng “thần đồng” trong em đã bị “giết chết” như chính lời em nói.

 

Khủng hoảng gia đình và những hệ lụy của một người nổi tiếng đã nhấn chìm em trong áp lực. M tâm sự, em có một tuổi thơ không giống ai. Em không được làm trẻ con, bởi vì mọi lời nói đều bị người khác chú ý. Khi M ra đường mọi người bàn tán chỉ trỏ, lúc đi chơi cùng bố thì bị bạn bè của bố đưa ra những bài toán bắt giải và nhiệm vụ của em là phải giải cho kì được những bài toán “siêu khó” đó. Bởi vì không làm được thì bố em sẽ trở thành người nói dối, sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ.

 

Rồi báo chí đăng bài và mang đến kỉ niệm bố em vài tờ. Có chúng, bố M càng tự hào và thổi phồng một cách thái quá, lại đặt ra những nấc thang mà em có vắt kiệt sức cũng không thể nào đặt chân lên đó.

 

Vậy nên, lâu lâu em lại tìm và thủ tiêu bớt đi một tờ báo. Cái cách “thủ tiêu” báo cũng thật đặc biệt: M vồ lấy chúng trong căm giận và vò nát chúng trong cơn đau xé lòng.

 

Lớn lên, khi nhận rõ nguyên nhân khiến gia đình, bố mẹ khủng hoảng một phần là do sự mâu thuẫn trong cách dạy em của hai người, M đã hụt hẫng, buông xuôi tất cả, em không biết mình học để làm gì, rồi từ đó chểnh mảng dần trong học tập. Khi em tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc gia đình kiệt quệ vì bố em bị tai biến mạch máu não. Điều kiện khó khăn đã không cho em thực hiện ước mơ đặt chân lên giảng đường đại học.

 

Em cười và nói với tôi rằng em thèm cái cảm giác hồi hộp khi bước chân vào phòng thi, em khao khát một lần được đi thi đại học chính quy cho dù em đã tốt nghiệp đại học tại chức môn ngoại ngữ và hiện đã có việc làm ổn định.

Theo Gia Đình & Xã Hội