Gần 555.000 thí sinh trúng tuyển vào ĐH,CĐ năm 2015

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến ngày 15/9, các trường ĐH, CĐ đã xét trúng tuyển gần 555 nghìn thí sinh, đạt tỷ lệ 85,74% chỉ tiêu (trong đó hệ ĐH tuyển được 97,6%, hệ CĐ tuyển được 63,21% so với chỉ tiêu).

Gần 555.000 thí sinh trúng tuyển vào ĐH,CĐ năm 2015 - 1

Theo số liệu thống kê, năm 2015, các trường ĐH, CĐ xác định xét tuyển hơn 647 nghìn chỉ tiêu gồm hơn 516 nghìn chỉ tiêu xét tuyển trên cơ sở lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia; hơn 130 nghìn chỉ tiêu xét tuyển trên cơ sở học bạ THPT theo đề án tuyển sinh riêng.

Trong số chỉ tiêu tuyển sinh, có gần 397 nghìn chỉ tiêu ĐH và hơn 250 nghìn chỉ tiêu CĐ. Kết quả hai đợt tuyển sinh, đến ngày 15/9, các trường ĐH, CĐ đã xét trúng tuyển gần 555 nghìn thí sinh, đạt tỷ lệ 85,74% chỉ tiêu (trong đó hệ ĐH tuyển được 97,6%, hệ CĐ tuyển được 63,21% so với chỉ tiêu); cao hơn năm 2014 xét tuyển được 78,9% so với chỉ tiêu.

Đối với phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia ở 443 trường ĐH, CĐ đã tuyển được gần 464 nghìn thí sinh, đạt 89,75% so với chỉ tiêu; trong đó các trường ĐH xét tuyển được gần 392 nghìn chỉ tiêu; các trường CĐ xét tuyển được 71,6 nghìn chỉ tiêu.

Kết quả tuyển sinh của các trường cho thấy khối ngành công an, quân đội, y dược có kết quả tuyển sinh tốt nhất; tiếp đến là khối ngành kỹ thuật, kinh tế, sư phạm và tài chính - ngân hàng.

Đối với nhóm ngành nông -lâm - ngư khó tuyển sinh hơn, chỉ một số trường có uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, cơ sở vật chất tốt và nằm trên các địa bàn thuận lợi có kết quả tuyển sinh tốt. Riêng đối với phương thức tuyển sinh theo học bạ THPT, 194 trường ĐH, CĐ đã xét tuyển được 75,4% chỉ tiêu.

Năm 2016 sẽ cải tiến thi

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận những hạn chế yếu kém của kỳ thi là công tác truyền thông làm chưa tốt; thời gian xét tuyển đợt 1 quy định thời gian 20 ngày là quá dài; quy định về thay đổi nguyện vọng xét tuyển đợt 1 chưa hợp lý; một số trường ĐH tốp trên chưa xác định được điểm xét tuyển hợp lý; vấn đề kỹ thuật còn nhiều bất cập…

Năm 2016, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia như năm 2015 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi. Đặc biệt, sẽ đánh giá và tổ chức rút kinh nghiệm đối với những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thực tế, khả thi để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế;

Rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế kỳ thi THPT quốc gia; ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn tổ chức thi và các văn bản liên quan khác.

Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ma trận đề thi, đề thi minh họa theo hướng đánh giá năng lực, tăng dần các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng các rủi ro và các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi.

Năm 2016, cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)