Đừng vì hiệu ứng “trường điểm”, “lớp chọn” mà mất tiền oan

(Dân trí) - “Đừng vì hiệu ứng về “trường điểm”, “lớp chọn” mà phải mất thời gian tiền bạc oan cho một số người “môi giới” hứa hẹn xin cho con theo học trái tuyến…”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội về tình trạng phụ huynh "chạy" trường cho con em.
 
Vừa qua, sau khi đăng bài “Chi hàng nghìn USD cho con vào lớp 1”, Dân trí đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả bày tỏ sự bức xúc và lo lắng về vấn đề tiêu cực quá lớn trong việc chạy trường, chạy lớp. Nguyên nhân do đâu? Có phải do Hà Nội không đủ chỗ học cho học sinh… Dân trí đã có trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội về vấn đề này.
 
Đừng vì hiệu ứng “trường điểm”, “lớp chọn” mà mất tiền oan - 1
Ông Nguyễn Hiệp Thống.

Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp, dư luận và báo chí đều bàn tán, phản ánh về tiêu cực trong chạy vào lớp 1 trường điểm với số tiền hàng nghìn đô, thậm chí có trường tiểu học đỉnh điểm lên tới 3.000 USD. Sở GD-ĐT Hà Nội có ý kiến gì về vấn đề này?

Thực tế từ nhiều năm nay khi đến mùa tuyển sinh vấn đề này thường được báo chí đề cập, Sở GD-ĐT chưa nhận được phản ánh cụ thể từ phía phụ huynh học sinh (HS) về việc có hiệu trưởng nào "vòi vĩnh" đòi tiền xin học trái tuyến của cha mẹ học sinh. Cá nhân tôi nghĩ rằng không thể có hiệu trưởng nào lại đánh đổi danh dự và uy tín của mình để kiếm tiền như vậy. Nếu chỉ ra được trường hợp cụ thể, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Nói về tình trạng HS xin học trái tuyến lớp 1, lớp 6 có thể chỉ ra rất nhiều nguyên nhân như: Có những HS cư trú nơi này, hộ khẩu nơi khác, hoặc cũng có cha mẹ HS muốn xin cho con học trái tuyến ở trường gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón, rồi cũng có phụ huynh chê trường trên địa bàn mình nằm ở khu vực “dân trí thấp”, gần chợ búa, gần nhà nghỉ, trong ngõ hẹp... nên xin học trái tuyến; hay cũng có nhiều khi trường rất khang trang gần nhà, nhưng vẫn muốn xin học trái tuyến vì nghe thấy trường này hay, trường kia là trường có “thương hiệu”..

Mặt khác, việc tăng dân số cơ học ở thủ đô do việc nhập khẩu khá dễ dàng theo luật cư trú… cũng đều là những lí do tạo ra tình trạng học tráí tuyến, gây căng thẳng, áp lực đối với công tác tuyển sinh. Chỉ vì học trường trái tuyến mà hàng ngày các bậc cha mẹ và HS phải vô cùng mệt mỏi trên những chặng đường dài, đối diện với những nguy hiểm khi tham gia giao thông, vì thế vấn đề học trái tuyến luôn là điểm “nóng” mỗi khi mùa tuyển sinh đến gần.
Đừng vì hiệu ứng “trường điểm”, “lớp chọn” mà mất tiền oan - 2
Phụ huynh không nên chạy theo "mác" trường điểm...

Để khắc phục hiện tượng này thì Sở GD-ĐT có biện pháp gì để giảm tải độ “nóng”của dư luận? Trường điểm khác gì với các trường học khác mà phụ huynh lại cố “chạy” bằng được cho con vào như vậy?

Quan điểm chỉ đạo của Sở từ nhiều năm nay là không có trường điểm, lớp chọn; Đã nhiều năm nay, với chủ trương “3 giảm” (giảm sĩ số HS/lớp, giảm số lớp ở những trường có quy mô quá lớn, và giảm số HS trái tuyến) đến nay sĩ số HS/lớp đã có nhiều cải thiện.

Thống kê cho thấy thành phố vẫn luôn đảm bảo được đủ chỗ học cho HS tiểu học và THCS với tỷ lệ trung bình chỉ khoảng trên dưới 40 HS/lớp. Tuy nhiên do mật độ dân cư và sự khác nhau về quy mô của từng trường nên tỷ lệ này không đồng đều. Bên cạnh đó, do nhu cầu của cha mẹ HS rất đa dạng khiến cho việc tuyển sinh không chỉ là áp lực cho phụ huynh mà cho cả ngành giáo dục và các cấp quản lý, nhất là những tỉnh thành có dân cư đông, có điều kiện sống cao như Hà Nội, TPHCM… Ở một vài trường do được phụ huynh gắn mác là “trường điểm” thì việc tuyển sinh lại càng căng thẳng. Và vì thế, tình trạng trường thừa, trường thiếu HS vẫn cứ xảy ra.

Để khắc phục tình trạng này, trong 2 năm 2009 và 2010, thành phố đã đầu tư hơn 1500 tỉ đồng cho ngành giáo dục để xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4, và xuống cấp. Ngoài ra còn hàng trăm tỷ cho chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chương trình chiếu sáng học đường, xây nhà vệ sinh nước sạch, mua sắm rất nhiều trang thiết bị khác nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phục vụ tốt việc dạy và học của các trường học.

Đối với công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, số kinh phí dành cho công tác này trong 2 năm qua là gần 30 tỷ đồng (năm 2010: là 13,4 tỷ; năm 2011: 16,5 tỷ). Đó là chưa kể việc thành phố đã áp dụng những chính sách khác như hỗ trợ định mức kinh phí cho giáo viên mầm non nông thôn, giải quyết chế độ viên chức cho 26 ngàn giáo viên mầm non… Mục đích là không ngừng đầu tư cho đội ngũ giáo viên để họ được nâng cao trình độ, yên tâm công tác, gắn bó với nghề, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, giảm sự chênh lệch về chất lượng đội ngũ giữa các trường

Ngoài ra, ngành cũng có một số biện pháp quan trọng khác như luân chuyển cán bộ quản lý, mạnh dạn đề bạt và điều động các giáo viên trẻ có năng lực, có phẩm chất về công tác tại các trường khó khăn để xây dựng phong trào, nâng cao chất lượng ở các địa bàn này... Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, phát triển cân đối các loại hình trường, đảm bảo hài hòa chất lượng giữa các trường công lập và ngoài công lập…

Những giải pháp như trên sẽ rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường, HS sẽ được hưởng thụ điều kiện giáo dục công bằng như nhau. Từ đó cũng sẽ bớt đi tình trạng chọn trường này, chê trường kia của cha mẹ HS, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu HS như những năm vừa qua. 

Ông có lời khuyên gì cho phụ huynh về vấn đề này?

Như trên tôi đã nói, việc học trái tuyến không những gây mệt mỏi cho HS và gia đình mà còn gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý, từ việc góp phần làm ùn tắc giao thông, xáo trộn quy hoạch trường lớp, giáo viên, phân bổ kinh phí và thậm chí làm ảnh hưởng cả đến những em HS đang học đúng tuyến vì lớp trở nên đông hơn, sự quan tâm của giáo viên đến từng HS vì thế sẽ bị giảm đi.

Toàn xã hội và ngay chính bản thân phụ huynh HS, những người trong cuộc cần có sự đánh giá đúng và nhìn nhận khách quan, chính xác về việc cho con em mình học ở trường nào. Nhiều giáo viên và những hiệu trưởng có kinh nghiệm chỉ ra rằng tại những trường có quy mô nhỏ, sĩ số HS/lớp ít thì giáo viên có thể quan tâm đến từng HS, khác hẳn ở những lớp chen chúc đến trên 50 HS, lại ngồi trong những phòng chỉ thiết kế cho 35-40 HS. Rõ ràng là không phải cứ vào được trường vừa ý là mọi HS đều học giỏi mà điều căn bản là khả năng, ý thức của HS và sự quan tâm của giáo viên, của phụ huynh với việc rèn luyện các cháu. Đừng vì hiệu ứng về “trường điểm”, “lớp chọn” mà phải mất thời gian tiền bạc “oan” cho một số người “môi giới” hứa hẹn xin cho con theo học trái tuyến.
 
Đừng vì hiệu ứng “trường điểm”, “lớp chọn” mà mất tiền oan - 3
...để niềm vui cùng con trong ngày khai giảng năm học mới được trọn vẹn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Còn vấn đề nữa, cứ đến đầu mùa tuyển sinh, năm nào Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đều có văn bản gửi tới các đơn vị giáo dục trên địa bàn về phương hướng tuyển sinh, quy định tuyển sinh đầu cấp như là cấm nhận HS trái tuyến và yêu cầu các trường thực hiện theo đúng quy định…Tuy nhiên, vấn đề này dường như các trường chưa thực hiện triệt để, vẫn còn hiện tượng tiêu cực. Hàng năm, Sở GD-ĐT có kiểm tra việc “hậu” tuyển sinh này không?

Sở không có văn bản cấm trái tuyến. Việc học trái tuyến, trong một số trường hợp nhất định là một nhu cầu chính đáng của cha mẹ HS. Về tuyển sinh đầu cấp, Sở đã có quy định rất cụ thể: Các trường chỉ được phép tuyển sinh từ ngày 1/7 đến ngày 15/7. Sau ngày 15/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao phải báo cáo với Phòng GD-ĐT và căn cứ vào tình hình cụ thể UBND quận huyện, Phòng GD-ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu từ ngày 17/7 đến ngày 20/7.

Sở cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các trường phải đảm bảo thực hiện quy chế công khai theo quy định tại Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT để xã hội cùng giám sát công tác này. Theo phân cấp, các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc quận huyện, thị xã quản lý và vì thế việc kiểm tra công tác tuyển sinh hàng năm do các địa phương thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)