Tiến sỹ Khoa học Rainer Nagel:

Đừng “qua cầu rút ván” với các nhà khoa học

(Dân trí) - Giáo sư Tiến sỹ Khoa học Rainer Nagel là một nhà toán học nổi tiếng của Đức. Nhân dịp ông sang dự Hội thảo Quốc tế về Toán học, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề đào tạo đại học, sau đại học ở Việt Nam.

Đừng “qua cầu rút ván” với các nhà khoa học - 1

GS.TSKH Rainer Nagel trong một buổi giảng dạy ở Việt Nam
 
Trong thời gian qua ông có tham gia giảng dạy cho học viên cao học ngành toán thuộc khoa toán tin học trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông có nhận xét chung gì về sinh viên Việt Nam?

Tôi đến Việt Nam lần đầu, cũng là lần đầu được giảng dạy các sinh viên ở đây. Ấn tượng của tôi, họ là những sinh viên cởi mở, ham học hỏi, họ có một niềm say mê toán học đáng ghi nhận. Tôi đã từng được tiếp xúc với rất nhiều các nhà khoa học Việt Nam trước khi đến đây nên đánh giá rất cao về năng lực, trình độ của họ, đặc biệt là các nhà Toán học.

Tuy nhiên, không chỉ sinh viên mà kể cả các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn cần phải nỗ lực nhiều để vượt qua rào cản về ngôn ngữ. Họ có thể nghe, hiểu và viết tiếng Anh nhưng lại rất hạn chế trong giao tiếp. Điều đó gây khó khăn cho sinh viên trong việc phát huy năng lực của mình, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Theo ông, cần phải có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn này?

Theo tôi một trong những nguyên nhân đưa đến khó khăn trên của sinh viên là do phương thức giáo dục cũ của Việt Nam chủ yếu là nghe và ghi mà thiếu sự chủ động trao đổi với giảng viên. Để khắc phục điều đó, việc lâu dài có lẽ là phải đổi mới phương pháp dạy và học còn trước mắt, đòi hỏi các sinh viên phải năng động và tự hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình.
 
Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, có thể áp dụng phương thức tổ chức các nhóm nghiên cứu và trao đổi khoa học thông qua mạng internet. Trong thời gian qua đã có một số giáo sư, thầy giáo toán học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài sử dụng một cách hiệu quả các phương pháp này để giúp đỡ các sinh viên sau tốt nghiệp hoàn thành một số các công trình nghiên cứu khoa học. Theo tôi, đó cũng là một cách có thể tận dụng được sự giúp đỡ của một số nhà khoa học Việt Nam hiện nay đang công tác ở nước ngoài đối với sinh viên Việt Nam.

Chúng tôi được biết, dù đã ở tuổi gần 70 giáo sư vẫn sang Việt Nam dự hội thảo toán học Quốc tế do DAAD tài trợ, đồng thời tham gia giảng dạy sinh viên Việt Nam. Ông có vẻ ưu ái người Việt Nam?

Ồ tất nhiên! Tôi yêu Việt Nam, con người Việt Nam các bạn ngay từ những tháng năm còn chiến tranh. Sự hy sinh lòng dũng cảm của họ khiến tôi khâm phục. Và sau này khi được tiếp xúc, làm việc với các giáo sư, sinh viên Việt Nam tôi càng yêu mến họ hơn. Các nhà khoa học Việt Nam dù trải qua nhiều khó khăn mà vẫn lao động rất nhiệt tình  say mê cho nền khoa học giáo dục.

Ông sẽ trở lại Việt Nam chứ?

Thật khó nói, tôi rất muốn sang nhưng năm nay tôi đã gần 70 tuổi rồi, đi lại xa xôi là một vấn đề không thể hứa trước được. Nhưng tôi sẽ tổ chức các hội thảo, là người kết nối các cuộc trao đổi về khoa học, toán học cho các bạn Việt Nam được giao lưu trên toàn thế giới. còn sang trực tiếp mảnh đất này có lẽ tôi sẽ nhường cho thế hệ trẻ, họ sẽ  thay tôi trở lại đây giúp đỡ các bạn.

Nếu như có một lời khuyên cho giáo dục Việt Nam, điều ông sẽ nói là gì?

Có một quy luật khó có thể cưỡng là ngược lại với nước, khoa học luôn dồn vào những vùng cao. Việc các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung tìm đến những trung tâm khoa học thế giới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có một cách để "níu kéo" họ tiếp tục cống hiến cho quê hương là, nói như câu tục ngữ của các bạn là gì nhỉ? À, đừng "qua cầu rút ván". Hãy để họ được giữ chức danh giáo sư, có thể là giáo sư danh dự. Nó là nhịp cầu gắn kết họ với quê hương. Từ đó, duy trì quan hệ  và mỗi năm, có thể mời họ về nước giảng dạy từ 1-2 tháng. Cần phải triệt để tận dụng mối quan hệ này.

Cám ơn ông!   

Hà Vân