Quảng Ngãi:

Dựng lều tìm chữ giữa đại ngàn

(Dân trí) - Hình ảnh những túp lều lọt thỏm giữa cánh đồng ruộng, hoặc gần trường học dường như không quá xa lạ đối với học sinh miền núi. Vì con chữ nuôi sống tương lai, hàng trăm học sinh huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) dựng lều tạm để có nơi trú ngụ.

Vượt chặng đường hơn 100km từ TP Quảng Ngãi lên huyện miền núi Tây Trà (giáp huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), dưới cơn mưa đầu mùa, PV Dân trí không khỏi lo lắng khi học sinh (HS) ở xa trường cư ngụ chen chúc nhau trong túp lều chưa đầy 10m2 giữa cánh đồng trống. 

Mái lều lợp bằng lớp tôn mỏng, phía trên chèn cây và gạch đá để tránh gió hất tung. Bốn mặt túp lều che chắn đơn sơ bằng nệp tre, nứa mỏng và lưa thưa. Mỗi tia nắng hoặc hạt mưa phùn kèm theo gió có thể lọt vào túp lều đơn sơ này. Chuyện quần áo, sách vở, chiếu nằm, bếp củi bị ướt diễn ra hàng ngày mỗi lúc trời đổ mưa.

Chúng tôi vừa thấy lo vì sự mong manh của túp lều, vừa vui mừng khi HS lớp lớn dạy chữ cho HS nhỏ hơn. Là anh trai đầu đàn, em Hồ Văn Côi - HS lớp 12 Trường THPT Tây Trà (ngụ thôn Đam, xã Trà Trung, cách trường 25km) tâm sự: “Ở đây em là lớn nhất, nhiều năm qua học xa nhà, em đã quen với cảnh ở tạm như thế này nên thường xuyên hướng dẫn, che chở và dạy bảo các em hàng ngày. Dù ăn học trong điều kiện khó khăn nhưng các em đều ngoan, hiền”.

Em Hồ Văn Côi (lớp 12) đang chỉ bài cho em Hồ Văn Kiệt (lớp 7) trước lúc đến trường.
Em Hồ Văn Côi (lớp 12) đang chỉ bài cho em Hồ Văn Kiệt (lớp 7) trước lúc đến trường.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Lê Thanh Tâm - Hiệu phó trường THPT Tây Trà cho biết: “Năm học 2013-2014, nhà trường có 550 HS, trong đó nhu cầu ở lại gần trường là 424 học sinh. Tuy nhiên, với 2 ký túc xá của nhà trường chỉ đáp ứng 176 em (22 phòng ở), số còn lại đành dựng lều ở tạm bên ngoài trường hoặc ở nhà người quen và thuê nhà dân. Theo thống kê của nhà trường, các em dựng khoảng 15 lều nằm rãi rác nhiều nơi quanh trường”.

Trong số những túp lều của HS cấp 3 và 2 ở huyện Tây Trà, đáng chú ý là 3 căn lều nằm lọt giữa cánh đồng ruộng ở thôn Trà Nga (xã Trà Phòng), nằm dưới độ cao cách mặt đường khoảng 5m và gần con suối nhỏ. Lý do 3 căn lều nằm ở vị trí thấp này, em Hồ Văn Côi cho biết: “Do không có vị trí đất phù hợp nên chúng em mượn tạm chỗ đất này của ông Hồ Văn Duy, vì nơi đây dựng lều ở không tốn tiền thuê đất. Trong 3 căn chòi này là nơi ở của 11 HS xa nhà”.

Ba căn chòi lọt thỏm giữa đồng ruộng ở vị trí thấp hơn mặt đường khoảng 5m.
Ba căn chòi lọt thỏm giữa đồng ruộng ở vị trí thấp hơn mặt đường khoảng 5m.

Toàn huyện có duy nhất 1 trường cấp 3, còn các xã đều có trường cấp 2 đến mầm non. Điều lạ trong 3 căn chòi là khi xuất hiện nhiều HS lớp 7 và 8. Khi PV Dân trí tiếp cận nơi ở, nhiều HS cấp 2 tỏ vẻ rụt rè, ái ngại với người lạ. Sau một hồi làm quen, em Hồ Thị Non (nhà ở thôn Hà Riềng, xã Trà Phong cách trường hơn 5km) - HS lớp 8 Trường THCS Trương Ngọc Khang chia sẻ: “Nếu đi bộ từ nhà đến trường mất khoảng 1 buổi nên không đảm bảo đến trường đúng giờ, do đó em cùng các bạn trong thôn Hà Riềng dựng lều ở lại, cuối tuần về nhà 1 lần, nếu trời mưa thì vài tuần mới về. Mỗi lần về nhà, cha mẹ chỉ cho 20.000 đồng, cùng 10kg gạo và rau, củ, quả mang theo làm thức ăn”.

Nơi ở dưới mái lều đơn sơ của em Hồ Thị Non giữa cánh đồng.
Nơi ở dưới mái lều đơn sơ của em Hồ Thị Non giữa cánh đồng.

Không chỉ riêng em Hồ Thị Non ở thôn Hà Riềng, còn có các em Hồ Văn Kiệt (lớp 7) và Hồ Văn Đại (lớp 8). Mỗi lần từ nhà đến trường, gia đình các em cho từ 20.000 - 30.000 đồng và lương thực. Một căn chòi là nơi ở của 4 học sinh. Hàng tháng, tiền điện chiếm mất 20.000 đồng/căn chòi. Kéo theo đó, khẩu phần ăn từng bữa của các em đơn sơ với cơm, rau luộc và muối.

“Bạn nào cũng có riêng một túi gạo, mỗi nồi cơm lấy từng túi gạo một chén gạo rồi nấu. Ai đem thức ăn ở nhà thì còn đỡ, không thì ra bờ suối, đồng ruộng hái rau mọc tự nhiên đem về luộc rồi chấm với muối ăn cơm”, em Hồ Văn Đại nói. Đối với các em, muối là gia vị quá ngon, còn mắm và dầu ăn thì quá xa xỉ với HS dựng lều ở tạm giữa đại ngàn.

Cậu học trò Hồ Văn Đại (lớp 8) lấy mỗi túi gạo 1 chén gạo góp chung nấu nồi cơm chiều.
Cậu học trò Hồ Văn Đại (lớp 8) lấy mỗi túi gạo 1 chén gạo góp chung nấu nồi cơm chiều.
 
Em Hồ Thị Non nhóm lửa nấu cơm chiều.
Em Hồ Thị Non nhóm lửa nấu cơm chiều.
 
Học sinh lớp lớn đang đấu nối dây điện cũ để kéo điện về túp lều giữa đồng.
Học sinh lớp lớn đang đấu nối dây điện cũ để kéo điện về túp lều giữa đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Minh Lâm - phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: “Với địa hình đồi núi như ở Tây Trà, việc đi học của các em nơi đây rất gian truân. Địa phương rất muốn có ký túc xá và nhà bán trú cho các em nhưng điều kiện kinh phí hạn hẹp, do đó chúng tôi luôn nỗ lực xin ngành giáo dục và cấp trên đầu tư thôi. Chúng tôi cũng luôn động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn để đến trường”.

Hồng Long