“Đừng hành nhau đến nản lòng người tâm huyết”

(Dân trí) - Bàn tiếp về <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/2/165566.vip">“10 năm thân phận con rơi”</a> của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - đã có cuộc trao đổi với Dân trí, mổ xẻ thân phận “con rơi”, đưa ra lý do và cách “giải cứu” những trường này.

Thưa GS, những biểu hiện nào rõ nhất thân phận “con rơi” của hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) hiện nay?

 

Các trường NCL hiện nay không chỉ gặp khó vấn đề đất đai, thuế má mà còn gặp khó khăn về chính sách và đặc biệt là việc phân biệt đối xử. Tuy vậy, vấn đề xây dựng đội ngũ cũng đang là vấn đề lớn. Bộ GD- ĐT phải quy hoạch đội ngũ giáo viên cho cả hệ thống các trường NCL chứ không chỉ tính cho các trường công lập. Các chỉ tiêu cử đi học ở nước ngoài để đào tạo giáo viên cũng phải “có phần” của các trường NCL.

 

Trên thực tế, đội ngũ cán bộ giảng dạy đang được dùng chung cho cả các trường công lập và NCL. Nếu Bộ GD-ĐT có qui hoạch cho nhu cầu chung, có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng tích cực ở trong nước và ngoài nước thì sau một thời gian không lâu, chúng ta có thể đáp ứng được. Rất tiếc sau hàng chục năm, đội ngũ giáo viên ĐH cũng chỉ từ 33.000 lên 38.000 người. Như vậy, tốc độ phát triển đội ngũ này quá thấp so với yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục ĐH, CĐ.

 

Khi chứng kiến sự phân biệt đối xử như vậy, GS thấy buồn nhất điều gì?

 

Theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đến năm 2010 sẽ có 40% sinh viên các trường ĐH NCL. Hiện nay, tỷ lệ đó mới chỉ có 12%, vì vậy, trong 6 năm tới sẽ có hàng loạt các trường NCL ra đời. Trước hết, tôi nói đến vấn đề làm sao để ra đời hàng loạt các trường NCL. Muốn vậy,  nhà nước cần có chính sách phù hợp về đất đai, về thuế và một số chính sách liên quan khác. Phải trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư trong nước bỏ vốn xây dựng nhiều trường học. 

 

Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề thủ tục sao cho “giản dị”, đỡ rắc rối, rườm rà, đừng hành nhau đến nản lòng nhiều người tâm huyết. Tại sao thủ tục cho việc mở doanh nghiệp nước ngoài ở một số địa phương có thể giải quyết chỉ trong vòng một tuần, thậm chí chỉ ba, bốn ngày, mà thủ tục xin mở trường ĐH, CĐ ba, bốn năm?

 

Theo GS thì Bộ nên làm thế nào để xoá bỏ được sự phân biệt đối xử này?

 

Trước mắt, chúng tôi đã có kiến nghị giải quyết đất đai cho các trường đang gặp khó khăn. Thời điểm hiện nay, khi rà soát, thu hồi đất của các dự án quy hoạch “treo” nhiều năm, nhà nước có một quỹ đất không nhỏ, có thể xét cấp cho các trường ngoài công lập đã thành lập, đang hoạt động trên những địa điểm quá chật hẹp; cấp đất cho các dự án thực sự có thực lực mở các trường mới. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đang nghiên cứu để xin giải quyết vấn đề thuế, vì một số trường bị đánh thuế rất nặng, như một doanh nghiệp sản xuất.

 

Trong quá trình phát triển, cũng có tình trạng một số trường do vì “lợi ích kinh tế của một số người” mà dẫn đến tình trạng dành phần lớn thu nhập để ăn chia mà coi nhẹ việc bảo đảm điều kiện đào tạo, đặc biệt là tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Từ đó, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, thậm chí phạm pháp, làm mất uy tín của khối trường này. Song không vì thế mà phủ nhận sự đóng góp của hệ thống loại hình trường này. Mở rộng hệ thống trường ngoài công lập là cần thiết để tăng thêm năng lực, gánh bớt tải trọng đã quá nặng trên các trường công lập.

 

Còn điều trăn trở lớn nhất của GS đối với hệ thống trường này là gì?

 

Hiện đã có nhiều hồ sơ xin mở trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Nhiều nhà kinh doanh lớn đã sẵn sàng đầu tư vào giáo dục vì theo họ, đây là lúc cần đóng góp chút gì cho xã hội. Mặt khác, đầu tư vào giáo dục tuy lợi nhuận thấp nhưng cũng ít rủi ro hơn. Nhà nước nên khuyến khích, thậm chí trải thảm đỏ mời chào các nhà đầu tư có tâm huyết, các nhà khoa học nhiệt thành, mở thêm nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Không sợ quá nhiều vì hiện nay số người đi học ĐH trong độ tuổi tương ứng của Việt Nam chỉ mới trên 8%, trong khi Thái Lan hơn 20%, Hàn Quốc gần 70%.

 

Và điều mà GS đang thấy lo ngại nhất?

 

Nếu không phấn đấu để có trường ĐH mạnh, tập đoàn ĐH mạnh thì thị trường này nước khác nhảy vào. Hy vọng các cơ quan quản lý sớm thấy điều này để hỗ trợ tối đa cho “đội nhà”. Trước mắt, xin đừng quá trì trệ, vô hình chung dành “thị phần GD” cho thiên hạ.

 

Xin cảm ơn GS.

 

Nhóm PV Giáo dục (thực hiện)