Quảng Ngãi

Đưa bài báo trên Dân trí vào đề thi môn Ngữ văn lớp 11

(Dân trí) - Hướng về biển Đông cùng ngư dân Quảng Ngãi, trong kỳ thi kiểm tra học kỳ I năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi trích dẫn một đoạn trong bài viết trên báo điện tử Dân trí vào đề thi môn Ngữ văn lớp 11.

Đề thi nêu đoạn văn: “Ngày 28/11/2015, tàu cá QNg95861 - TS của ông Bùi Văn Cu đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, bất ngờ xuất hiện 2 chiếc xuồng với 6 người mặc đồ như người dân, nhảy lên tàu cá uy hiếp. Lúc này, trên tàu cá có 2 ngư dân đang trông coi tàu và chờ bạn lặn trở về. Thấy có người lạ lên tàu, ngư dân Trương Đình Bảy (42 tuổi, ngụ thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) tiến đến can thiệp thì bị nhóm người lạ dùng súng AK bắn 2 phát đạn vào người ngư dân Bảy khiến ngư dân này tử vong. Qua điện đàm, thuyền trưởng Bùi Văn Cu cho biết đã lượm và giữ 4 vỏ đạn AK. Hiện tàu đang chạy về đất liền, dự kiến khoảng 3 ngày nữa tàu cá đưa thi thể ngư dân Trương Đình Bảy về đến quê nhà”.

Đoạn văn trên được đăng trên báo điện tử Dân trí với tiêu đề “Ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết ở biển Trường Sa” ngày 29/11/2015 của tác giả Hồng Long.

Phần đọc hiểu trong đề Ngữ văn được trích từ bài báo trên Dân trí.
Phần đọc hiểu trong đề Ngữ văn được trích từ bài báo trên Dân trí.

Đưa đoạn văn trên vào đề thi, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu học sinh thực hiện với 3 câu. Bao gồm câu 1 - Nêu nội dung chính của văn bản trên?; câu 2 - Xác định phong cách ngôn ngữ và thể loại của văn bản trên?; câu 3 - “Thấy có người lạ lên tàu, ngư dân Trương Đình Bảy (42 tuổi, ngụ thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) tiến đến can thiệp thì bị nhóm người lạ dùng súng AK bắn 2 phát đạn vào người ngư dân Bảy khiến ngư dân này tử vong”, phần in đậm làm thành phần gì trong câu trên?

Với đề thi đọc hiểu về biển đảo, thí sinh cảm thấy thú vị hơn trong phần thi.
Với đề thi đọc hiểu về biển đảo, thí sinh cảm thấy thú vị hơn trong phần thi.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Quảng Trọng Bạch - chuyên viên môn Ngữ văn thuộc Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Trước tình hình thời sự về biển Đông, chúng tôi mong muốn tuyên truyền, giáo dục học sinh nhận thức về chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trên hết, đó chính là những ngư dân Quảng Ngãi đã giong thuyền vươn ra biển lớn, họ mang về nguồn thủy sản của đại dương và ngư dân ta cũng hứng chịu nhiều gian nguy”.

Theo thầy Bạch, đoạn văn trích dẫn trên Dân trí đảm bảo ngôn ngữ báo chí, ngữ điệu phù hợp với chương trình giảng dạy, hành văn gần gũi với bạn đọc. Về nhân ái, có sự đồng cảm sâu sắc đến ngư dân Quảng Ngãi ngày đêm bám biển quê hương. Bên cạnh đó, phù hợp yêu cầu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Nội dung đề thi trên do 39 trường THPT đề xuất, sau đó 2 nhóm thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi chọn lọc và trình bày chứng kiến về ý nghĩa, mục đích đề thi. Điều đặc biệt, 2 nhóm của Sở GD&ĐT đều chọn đoạn văn trên báo Dân trí.

Hồng Long