Dự kiến áp dụng chương trình SGK mới ở các lớp đầu cấp

(Dân trí) - Tại buổi họp báo vào chiều 24/3, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, phấn đấu đến tháng 9/2017 dự thảo được phê duyệt. Khi thực hiện, dự kiến sẽ áp dụng kiểu cuốn chiếu và có thể bắt đầu từ các lớp đầu cấp: lớp 1, lớp 6. lớp 10.

Dự kiến áp dụng trước cho lớp 1, lớp 6, lớp 10

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, so với chương trình hiện hành, dự thảo đổi mới SGK có một số điểm mới như:

Thứ nhất, chương trình đổi mới SGK góp phần định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, trong đó tập trung chủ yếu vào cấp trung học phổ thông.

Cụ thể: "Lớp 10 sẽ là lớp dự hướng giúp các em học sinh có được những sự chuẩn bị nhất định để chọn hướng nghiệp cho đúng khi đến lớp 11, 12.

Lớp 11, 12 sẽ giúp các em học sinh có định hướng đúng về nghề nghiệp, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp mà các em muốn theo đuổi".

Theo GS, nếu học dàn trải như hiện nay sẽ không đảm bảo định hướng nghề nghiệp. Vì vậy từ lớp 11 và lớp 12 ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì các môn còn lại sẽ được học sinh tự chọn. Mỗi học sinh sẽ tự chọn 5 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình SGK mới
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình SGK mới

GS Thuyết cũng cho rằng, so với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo phương pháp sơ đồ ngược, tức là xây dựng dựa trên việc xác định nhu cầu, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra chứ không phải dựa từ nội dung đào tạo.

Bên cạnh đó, chương trình mới cũng được xây dựng theo quy trình của xây dựng chính sách, nghĩa là có nghiên cứu đánh giá tác động. Bất cứ điểm nào mới của chương trình đều phải có nghiên cứu đánh giá tác động tới GV, HS, ngân sách và xã hội thì mới có thể quyết định.

Trả lời câu hỏi khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, sẽ được thực hiện theo phương pháp nào? GS Thuyết cho hay, từ trước đến nay, chúng ta đều áp dụng kiểu cuốn chiếu và có thể sẽ bắt đầu áp dụng cho các lớp đầu cấp là lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Sau đó, mới áp dụng cho các khối lớp khác.

Cần chuẩn bị cơ sở vật chất

Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là liệu đầu năm học 2018-2019 việc triển khai chương trình đổi mới SGK có kịp thực hiện hay không? "Bộ GD& ĐT khẳng định, có thể thực hiện được và phấn đấu đến tháng 9/2017 dự thảo được phê duyệt".

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, để đảm bảo chương trình đổi mới SGK được đưa vào đúng thời gian như Nghị quyết của Quốc hội khóa 13 nêu ra, Chính phủ phải có thời gian làm việc với lãnh đạo địa phương để yêu cầu địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình mới.

Về đội ngũ giáo viên, hiện tại, Bộ GD&ĐT đã có dự án đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, có tài liệu tập huấn, xây dựng trang web đào tạo giáo viên. Về trang thiết bị trường học, phải chờ có chương trình, các đơn vị mới sản xuất.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất, theo GS Thuyết chính là sự chuẩn bị cơ sở vật chất của địa phương. Theo thiết kế chương trình mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ 47% các trường TH học được 10 buổi/tuần. Trên 30% chỉ học 6 buổi/tuần. Có trên 20% TH không học nổi 6 buổi/tuần, chỉ học 5 buổi/tuần.

"Ngay trung tâm Hà Nội, Hải Phòng vẫn phải học luân phiên. Khối 1 đi học thì khối 2 ở nhà. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ sau khi chương trình mới có rồi, trong quá trình chuẩn bị GSK mới phải làm việc với các địa phương để giải quyết vấn đề này. Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà không quan tâm tới cơ sở vật chất thì khó có thể thành công", GS Thuyết nói.

Mỹ Hà