Năm 2010 - Rạng ngời tài năng Việt ở năm châu:

Dòng chảy trí tuệ con Lạc cháu Hồng

(Dân trí)- Năm 2010 đi qua cùng với những thành công đáng tự hào trong học tập và nghiên cứu của cộng đồng người Việt trên thế giới. Từ những tên tuổi đã thành danh cho đến các tài năng trẻ, truyền thống hiếu học của người Việt đang được khẳng định và tiếp nối khắp năm châu.

GS Ngô Bảo Châu: Tạo tiền đề cho Toán học Việt Nam thay đổi

Gương mặt đầu tiên phải kể đến là Giáo sư Ngô Bảo Châu. Tháng 8/2010, báo chí toàn cầu đồng loạt đưa tin, nhà toán học người Việt Nam Ngô Bảo Châu được Đại hội Toán học thế giới họp ở Ấn Độ trao tặng Giải thưởng Fields, giải thưởng cao quý nhất của toán học thế giới.

Sinh năm 1972 và học khối phổ thông chuyên toán tại Hà Nội, Ngô Bảo Châu đã đoạt liên tiếp 2 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tại Australia và CHLB Đức trong 2 năm 1988 và 1989. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại ĐH Sư phạm Paris. Năm 32 tuổi, Ngô Bảo Châu đã được Viện Toán học Clay trao tặng giải thưởng cho công trình nghiên cứu Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita để Công nhận thành tựu đặc biệt xuất sắc trong toán học của anh. Năm 2004, Ngô Bảo Châu đã được hai trường đại học lớn ở Pháp là Paris 6 và Paris 11 mời làm Giáo sư. Từ năm 2007, anh đồng thời làm việc tại Pháp và Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ). Hiện nay, anh đang làm việc tại ĐH Chicago, Mỹ.
 
Trong năm 2008, Giáo sư Ngô Bảo Châu công bố chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands. Với công trình này, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã giải quyết thành công một trong những bài toán hóc búa của thế giới trong suốt gần 30 năm qua, được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Với các công trình khoa học xuất sắc của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã trở thành nhà toán học đầu tiên xuất thân từ một nước đang phát triển được vinh danh bằng Giải thưởng Fields trong lịch sử 75 năm của Giải thưởng, được coi là Nobel trong toán học này.
 
Dòng chảy trí tuệ con Lạc cháu Hồng - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bên phải) chúc mừng Giáo sư Ngô Bảo Châu tại buổi lễ tối ngày 29/8/2010 ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
 
Phát biểu tại buổi lễ chào mừng thành công của anh tối ngày 29/8/2010 ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết anh rất hy vọng sự kiện một nhà toán học người Việt Nam đoạt Giải thưởng Fields sẽ tạo tiền đề cho sự thay đổi lớn về chất của Toán học Việt Nam nói riêng và công tác nghiên cứu khoa học nói chung. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã dành toàn bộ số tiền của giải thưởng Fields (15.000 đô la Canada) để đứng ra thành lập "Quỹ vì tinh thần hiếu học" nhằm hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh nghèo hiếu học trong nước.

GS Nguyễn Đăng Hưng: Hai lần được tặng Huân chương Đại thần Bỉ

Cùng với thành công của Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nhà trí thức người Việt sống ở Bỉ được vinh danh bằng Huân chương Đại thần của nhà vua vương quốc Bỉ vào tháng 5/2010.

Trong suốt hơn 40 năm học tập và làm việc tại vương quốc Bỉ, đến nay, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã là tác giả của hơn 20 cuốn sách, bài giảng, từ điển với hơn 200 công trình khoa học, phần lớn được xuất bản bởi các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới. Giáo sư cũng đat được nhiều danh hiệu cao quý của Nhà nước Bỉ trao tặng. Mới đây nhất, lần thứ hai Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng được vương triều Bỉ trao tặng Huân chương Đại thần của nhà vua nước này. Dù công thành, danh toại nơi xứ người, nhưng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng vẫn dành trọn tấm lòng cho quê hương, đất nước và đã nhiều năm có những đóng góp tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.
 
Dòng chảy trí tuệ con Lạc cháu Hồng - 2
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng.

Hai anh em GS Võ Bá Ngự và giải Eureka cao quý của Australia

Gần đây, cặp anh em ruột: Giáo sư-Tiến sĩ Võ Bá Ngự và Võ Bá Tường, hai học giả gốc Việt ở ĐH Western Australia đã được vinh danh bằng giải Eureka của xứ sở chuột túi vào tháng 8/2010. Vượt qua nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khác, công trình "Random Sets" - một phát minh nổi bật trong lĩnh vực hỗ trợ bảo vệ an ninh và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực dân sự của nhóm nghiên cứu do Giáo sư-Tiến sĩ Võ Bá Ngự đứng đầu đã đoạt Giải thưởng Eureka cao quý của Australia.

Vũ Duy Thức và giải nhất tin học Mỹ mở rộng

Bên cạnh những tên tuổi đã thành danh, năm 2010 cũng đánh dấu sự xuất hiện của nhiều gương mặt tài năng trẻ người Việt trên thế giới.

Tháng 6/2010, tại ĐH Stanford (Mỹ), Vũ Duy Thức, chàng trai người Việt 28 tuổi, đã xuất sắc trở thành một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học danh tiếng này. Vũ Duy Thức sinh ra ở Việt Nam. Năm 1999, khi đang học lớp 11 Toán - Tin Trường Phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Thức đoạt Giải Nhất cuộc thi Học sinh giỏi toàn quốc môn Tin học và sau đó được sang Mỹ học. Anh bắt đầu có công trình nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên năm thứ 2. Năm 2001, Vũ Duy Thức đã vượt qua 187 ứng cử viên hàng đầu của Mỹ để đoạt giải Nhất Tin học Giải Mỹ mở rộng, và tham gia Đội tuyển Mỹ dự cuộc thi Olympic quốc tế.

Đến nay, Vũ Duy Thức đã có hơn 10 công trình nghiên cứu được chọn báo cáo và xuất bản tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế. Ba năm liên tiếp khi học ở ĐH Carnegie Mellon -một trong ba đại học hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, anh đạt điểm tuyệt đối (4.0) trong tất cả môn học, và liên tục được ghi tên vào Bảng Danh dự của trường. Sau khi tốt nghiệp cử nhân hạng ưu ở ĐH Carnegie Mellon, Vũ Duy Thức đã được bảy trường đại học danh tiếng như MIT, Stanford, Carnegie Mellon... mời cấp học bổng để tiếp tục nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ.
 
Dòng chảy trí tuệ con Lạc cháu Hồng - 3
Vũ Duy Thức.

Và sau thời gian học tập và làm việc tại ĐH Stanford, Vũ Duy Thức đã bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ mang tên "Thiết kế mô hình tối ưu cho hệ thống các cuộc thi quốc tế: nhìn từ góc độ công nghệ thông tin", thuộc chuyên ngành trí thông minh nhân tạo của anh. Hội đồng khoa học của ĐH Stanford đã đánh giá cao nghiên cứu này vì nó đã kết hợp lý thuyết thuật toán và lý thuyết tối ưu hóa, từ đó đưa ra hướng giải quyết mở rộng cho những bài toán, những vấn đề mà lời giải còn hạn chế trong hơn 40 năm qua.

Giờ đây, trở thành Tiến sĩ ĐH Stanford, Vũ Duy Thức đang nhận được nhiều lời mời nghiên cứu và làm việc của một số trường đại học và các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Vị tiến sĩ trẻ người Việt này cho biết, anh sẽ vừa nghiên cứu, vừa kết hợp giảng dạy tại một số trường đại học ở Mỹ.

Trần Tú - SV Việt đầu tiên được đọc diễn văn tại ĐH UC Berkeley

Một gương mặt tài năng trẻ đáng tự hào khác của cộng đồng người Việt ở Mỹ trong năm qua là Trần Tú, sinh viên người Việt của ĐH UC Berkeley tại California (Mỹ). Với thành tích học tập xuất sắc, tháng 5/2010, Trần Tú đã trở thành người đọc diễn văn trong buổi lễ ra trường của trường đại học danh tiếng thế giới này.

Theo gia đình đến Mỹ định cư từ lúc 4 tuổi, Trần Tú theo học và tốt nghiệp thủ khoa tại trường trung học Sheldon High School, Sacramento. Sau đó, Tú theo học ĐH UC Berkeley tại California. Tại trường đại học đứng thứ 2  trong bảng xếp hạng 100 trường đại học uy tín nhất thế giới năm 2009 của báo Le Figaro, Tú theo học cùng 1 lúc hai ngành Luật và Kỹ thuật sinh học (Bioengineering). ĐH UC Berkeley có hơn 30 nghìn sinh viên, số sinh viên ra trường năm 2010 là hơn 2.000, trong đó có khoảng 1.500 cử nhân (BA, BS), khoảng 450 phó tiến sĩ (MS, MA) và khoảng 300 tiến sĩ (Ph.D.). Kể từ ngày thành lập, mỗi dịp kết thúc một khóa học, ĐH UC Berkeley đều chọn 1 sinh viên ra trường xuất sắc nhất để đọc diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp. Và năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử 141 năm của ĐH UC Berkeley một sinh viên người Việt được chọn trong số hàng nghìn sinh viên để đọc diễn văn trong buổi lễ ra trường.
 
Dòng chảy trí tuệ con Lạc cháu Hồng - 4
Trần Tú (đứng) được chọn đọc diễn văn tốt nghiệp trước sự tham dự của khoảng 30 nghìn người.

Việc chàng sinh viên người Việt Trần Tú được chọn đọc diễn văn tốt nghiệp trước sự tham dự của khoảng 30 nghìn người, gồm các nhân tài, con cưng của nước Mỹ là niềm tự hào chung cho cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như trên thế giới. Năm 2006, Thủ khoa Trần Tú của trường Trung học Sheldon High School cũng được chọn là học sinh đọc diễn văn trong buổi lễ ra truờng. Sau khi tốt nghiệp ĐH UC Berkeley với 2 bằng cử nhân Luật và Kỹ thuật sinh học, Trần Tú đã được ĐH Harvard và ĐH Yale nhận vào để tiếp tục theo học ngành bác sĩ và tiến sĩ Luật.

K'Chin - Chàng SV khuyết tật nổi tiếng xứ sở chuột túi

Ở Australia, tháng 11/2010, chàng sinh viên người Việt K'Chin đang học tập tại nước này đã trở thành niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt ở đây cũng như ở nhiều nơi khác khi anh được vinh danh với danh hiệu Sinh viên xuất sắc nhất bang Queensland năm 2010 - một trong những giải thưởng giáo dục cao quý nhất của xứ sở chuột túi. Và điều đáng khâm phục nữa là chàng trai Việt Nam này đã giành giải thưởng sau bao tháng ngày chiến đấu với khuyết tật của mình.

K'Chin sinh năm 1989 tại một làng quê hẻo lánh ở tỉnh Lâm Đồng. Khi mới 1 tháng tuổi, K'Chin bị thương nặng ở chân phải. Do không được điều trị đúng cách, anh bị khuyết tật và phải đi cà nhắc bằng một chân trái. Đến năm 2002, khi 13 tuổi, K'Chin nhận được đề nghị hỗ trợ chữa bệnh từ tổ chức từ thiện Rotary Oceania Medical Aid for Children (ROMAC) của Australia. Vì các phương tiện y tế ở Việt Nam thời điểm đó chưa đủ khả năng thực hiện những phẫu thuật chỉnh hình cần thiết, K'Chin đã được đưa tới Australia.
 
Dòng chảy trí tuệ con Lạc cháu Hồng - 5
K'Chin.

Từ một cậu bé chưa bao giờ được đến trường và không biết tiếng Anh, K'Chin bắt đầu cuộc sống mới và học tập tại Queensland với một quyết tâm rất lớn. Những nỗ lực học hỏi không ngừng của K'Chin đã được đền bù xứng đáng: anh đã không chỉ thông thạo hai ngôn ngữ, mà còn là sinh viên xuất sắc của Trường Cao đẳng St. James ở thành phố Brisbane, được bầu làm người lãnh đạo Hội Sinh viên của trường. Và danh hiệu Sinh viên xuất sắc nhất bang Queensland năm 2010 đã thêm một lần nữa khẳng định tài năng và lòng hiếu học của chàng trai Việt Nam khuyết tật.

Và những dòng máu hiếu học Lạc Hồng...

Và cuối cùng là những tài năng người Việt nhỏ tuổi nở rộ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Mỹ, rất nhiều con em trong cộng đồng người Việt đạt được danh hiệu thủ khoa các trường trung học trong năm qua. Ở trường trung học Clear Lake, thành phố Houston, bang Texas, cô gái trẻ người Việt Jenny Lê đã trở thành niềm hãnh diện cho cộng đồng khi vượt qua hàng ngàn học sinh khác trong trường để đoạt danh hiệu thủ khoa của trường. Thủ khoa Jenny Lê đã được trường ĐH Harvard tặng học bổng để theo học ngành Luật tại đại học lừng danh thế giới này. Trong năm qua, em cũng đã được bầu làm Thượng Nghị sĩ Trẻ bang Texas tham gia vào Chương trình Thượng Nghị viện Trẻ nước Mỹ (US Senate Youth Program), được gặp gỡ Tổng thống Obama, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, lãnh đạo các cơ quan trong chính phủ Mỹ.

Ở CHLB Đức, tháng 7/2010, cô nữ sinh Việt Nam Bùi Thị Thúy Vân đã giành danh hiệu thủ khoa ở vùng Unstrut-Hainich khiến cộng đồng người Việt tại đây rất tự hào. Thúy Vân, năm nay 18 tuổi sống tại thành phố Mllhausen thuộc bang Thringen. Trong suốt 12 năm học, Thúy Vân luôn đạt điểm cao trong toàn bộ quá trình học tập nhờ có sự thông minh, chăm chỉ học tập. Với khả năng, sự thông minh và cố gắng của mình, chắc rằng Thúy Vân sẽ còn đạt những thành tích xuất sắc trong tương lai.

Những thành công đáng tự hào trong học tập và nghiên cứu của các thế hệ con Lạc cháu Hồng tại nhiều quốc gia trên thế giới, năm qua đã thêm một lần nữa khẳng định truyền thống hiếu học của người Việt Nam là một dòng chảy được nối tiếp không ngừng, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó cũng là cơ sở để chúng ta hướng tới năm 2011 với niềm tin về những thành công mới làm rạng danh đất nước của đội ngũ các học giả, trí thức và tài năng trẻ người Việt khắp nơi trên thế giới.

Vũ Anh Tuấn