Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

(Dân trí)-Thực hiện chủ trương đổi mới đồng bộ về hình thức tổ chức, phương pháp và đánh giá giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra hướng dẫn việc triển khai thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo học mô hình trường học mới (VNEN).

Mục đích của hoạt động đánh giá học sinh (HS) ở đây là những hoạt động quan sát, kiểm tra quá trình và kết quả học tập, rèn luyện của HS để có những nhận định định tính và định lượng nhằm mục đích giúp: Giáo viên (GV) điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học/giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và những khó khăn không thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng từng kết quả đạt được, những ưu điểm nổi bật và những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của HS; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

HS có khả năng tham gia đánh giá, tự đánh giá, rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh, bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ hơn; Cha mẹ HS, cộng đồng quan tâm và biết tham gia đánh giá quá trình học tập, rèn luyện; quá trình hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của con em mình; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục; Cán bộ quản lí giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, phương pháp dạy học/giáo dục, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.
 
Đổi mới đánh giá thí điểm với học sinh tiểu học VNEN sẽ là bước đệm để triển khai đại trà.

Đổi mới đánh giá thí điểm với học sinh tiểu học VNEN sẽ là bước đệm để triển khai đại trà.

Nội dung đánh giá xoay quanh đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục tiểu học theo từng môn học và hoạt động giáo dục.

Đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực chung của HS tiểu học: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề. Đánh giá sự hình thành, phát triển các phẩm chất của HS tiểu học: yêu cha mẹ, gia đình; yêu bạn bè, trường lớp; yêu quê hương, đất nước, con người; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỉ luật; chăm học, chăm làm, thích hoạt động nghệ thuật, thể thao.

Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét

Thực hiện chủ trương không cho điểm đối với học sinh lớp 1, Bộ GD-ĐT đã chính thức thực hiện thí điểm đánh giá bằng nhận xét đối với cả cấp tiểu học (những trường tham gia thí điểm VNEN). Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc thí điểm này sẽ là tiền đề để Bộ GD-ĐT tiến đến đổi mới đánh giá HS tiểu học đại trà.

Theo đó, đánh giá thường xuyên quá trình học tập, rèn luyện được thực hiện trên lớp học theo tiến trình các bài học, các hoạt động giáo dục ở nhà trường và trong cuộc sống hàng ngày của HS ở gia đình và ở cộng đồng. Tham gia đánh giá thường xuyên đối với HS gồm: GV; HS (tự đánh giá và đánh giá bạn qua hoạt động của tổ, nhóm, hội đồng tự quản…); cha mẹ và những người có trách nhiệm trong cộng đồng (gọi chung là phụ huynh).

Đối với đánh giá thường xuyên theo tiến trình bài học và hoạt động giáo dục sẽ dựa vào đánh giá GV, HS tự đánh giá, HS đánh giá bạn và phụ huynh đánh giá.

Cụ thể, GV dựa trên đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà HS phải thực hiện trong bài học (hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành, hoạt động ứng dụng), GV thường xuyên quan sát, theo dõi cá nhân HS, nhóm HS trong quá trình học tập để có nhận định, động viên hoặc gợi ý, hỗ trợ kịp thời đối với từng việc làm, từng nhiệm vụ của mỗi cá nhân hoặc của cả nhóm HS; nếu hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất thì chuyển sang nhiệm vụ thứ hai cho đến khi hoàn thành bài học; chấp nhận sự khác nhau (nếu có) về thời gian, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ học tập của các HS trong lớp.

Các phẩm chất và năng lực được hình thành và phát triển trong quá trình trải nghiệm, tham gia thường xuyên hàng ngày vào các hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể. GV quan sát từng HS để kịp thời đưa ra những nhận định về một số biểu hiện của phẩm chất và năng lực của HS; từ đó, động viên, khích lệ, giúp HS khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng, sửa chữa khuyết điểm để ngày càng tiến bộ.

Trong quá trình đánh giá thường xuyên, GV ghi vào Nhật kí đánh giá của mình những điều cần đặc biệt lưu ý, giúp ích cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân hoặc tập thể HS.

HS tự đánh giá: đối với mỗi nhiệm vụ/hoạt động cá nhân thì HS cố gắng tự thực hiện; trong quá trình thực hiện hoặc sau khi thực hiện nhiệm vụ, HS tự đánh giá việc làm và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Chia sẻ kết quả hoặc khó khăn không thể vượt qua với bạn/nhóm bạn hoặc giáo viên để giúp bạn hoặc được bạn hay GV giúp đỡ kịp thời; báo cáo kết quả cuối cùng với GV để được xác nhận hoàn thành hoặc được hướng dẫn thêm.

HS đánh giá bạn: ngay trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể, GV hướng dẫn HS tham gia đánh giá bạn hoặc nhóm bạn. Ví dụ: GV yêu cầu HS quan sát hoạt động để nhận xét bài làm, câu trả lời của bạn/nhóm bạn hoặc giúp bạn hoạt động hiệu quả hơn; viết phiếu “điều em muốn nói” (nếu có) để góp ý hoặc động viên bạn… trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. GV có thể đưa ra lời nhận xét, góp ý đối với các đánh giá của HS cũng trên tinh thần tôn trọng ý kiến của các em.

Mỗi HS có nhật kí tự đánh giá, ghi lại những gì đã làm được, chưa làm được; những mong muốn của bản thân trong quá trình học tập, sinh hoạt và rèn luyện; những điều muốn nói với các bạn, thầy cô giáo, cha mẹ và người thân. Nhật kí này là của riêng HS, có thể chia sẻ hoặc không chia sẻ với người khác.

Phụ huynh đánh giá: phụ huynh được mời tham gia hoặc quan sát các hoạt động dạy học/giáo dục của nhà trường, sử dụng tài liệu hướng dẫn học tập, đáp ứng các yêu cầu của HS trong quá trình học tập, nhất là những hoạt động học tập, sinh hoạt ở gia đình, ở cộng đồng và nên ghi nhận định vào phiếu đánh giá. Thông qua đó động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng sống, vận dụng kiến thức vào cuộc sống và tham gia các hoạt động xã hội, tìm hiểu về những sự vật, hiện tượng tự nhiên và văn hóa, lịch sử, nghề truyền thống... của địa phương.

Ngoài đánh giá bằng nhận xét, HS còn được đánh giá định kì kết quả học tập các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí được tiến hành vào cuối học kì I và cuối năm học bằng bài kiểm tra định kì. Kết quả kiểm tra định kì phản ánh mức độ đạt được kiến thức, kĩ năng và năng lực môn học của HS, được đánh giá thông qua hình thức cho điểm (thang điểm 10) kết hợp với sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm, hạn chế và góp ý cho HS.

Nguyễn Hùng