“Đòi diễn viên phân tích truyện của Nguyễn Tuân là chết luôn…”

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh cho biết như vậy khi nói về quan điểm trường năng khiếu không cần thi Văn và quy định của Bộ GD-ĐT về tạm dừng tuyển sinh nhiều ngành của trường trong năm 2014.

PGS.TS Trần Thanh Hiệp.
PGS.TS Trần Thanh Hiệp.

Tiếp tục đề nghị tuyển sinh trở lại 2 ngành quan trọng

Sau nhiều lần báo cáo, giải trình, mới chỉ có 10/15 ngành bị dừng tuyển sinh của trường được tuyển sinh trở lại vào năm nay. Ông nói gì khi ngành truyền thống của trường là Nhiếp ảnh và Công nghệ điện ảnh - truyền hình không có cơ hội tuyển sinh năm nay?

Tôi rất buồn. Khoa Nhiếp ảnh của chúng tôi là sản phẩm của sự kết hợp giữa trường và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh, Chủ tịch đương nhiệm và nhiều nghệ sĩ xuất sắc khác đều đã tham gia giảng dạy tại trường. Có thể nói, những nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất của ngành nhiếp ảnh Việt Nam đều đã tham gia giảng dạy tại đây.

Nếu đòi hỏi phải có tiến sĩ nhiếp ảnh ngay trong điều kiện hiện nay sẽ rất khó. Xưa nay những người làm nhiếp ảnh ở Việt Nam không chú trọng nhiều lắm đến bằng cấp, có lẽ do ảnh hưởng bởi tính cách nghệ sĩ. Tuy nhiên chúng tôi cũng có một PGS là Nguyễn Mạnh Lân, một nhà quay phim, nguyên Hiệu trưởng của trường. Ai cũng biết, nền tảng của ngành quay phim là nhiếp ảnh, ở nước ngoài để quay được phim thì trước tiên người ta phải học nhiếp ảnh, việc để PGS Lân đứng tên ở ngành Nhiếp ảnh hoàn toàn hợp lý. Tôi nghĩ cần có sự vận dụng thực tế hơn là dừng lại ngay vì như thế mặt bằng chuyên môn những người học nhiếp ảnh của chúng ta sẽ tụt lại. 10 năm qua, trường chúng tôi đã cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nhiều người đã có vị trí quan trọng tại các cơ quan báo chí.

Chúng tôi đã đề nghị Bộ VH-TT và DL, Bộ GD-ĐT có sự vận dụng phù hợp và được đồng ý. Chỉ tiếc là trong một lần chuyển nhà anh Lân đã bị mất hết chứng chỉ bằng cấp nên không thể đưa ra cho Bộ GD-ĐT. Các chuyên viên của Bộ vì thế đã không cho ngành này tiếp tục tuyển sinh. Về lý thì việc Bộ GD-ĐT không cho chúng tôi tuyển sinh ngành Nhiếp ảnh là đúng, nhưng nếu tiếp cận một cách mềm mại hơn thì chúng tôi tin sẽ tiếp tục được tuyển sinh. Hiện trường đã có những giải trình tiếp theo với Bộ GD-ĐT.

Vậy còn với ngành Công nghệ điện ảnh truyền hình thì sao, thưa ông?

Điện ảnh truyền hình đi bằng hai chân, chân kỹ thuật và chân nghệ thuật. Kỹ thuật ở đây không thuần túy là kỹ thuật mà nó gắn với cả nghệ thuật. Chúng tôi mong Bộ có cái nhìn linh hoạt, mềm dẻo trước thực tế này, không phải một lúc mà chúng ta có tiến sĩ, thạc sĩ của ngành công nghệ điện ảnh truyền hình. Phó trưởng khoa Công nghệ truyền hình hiện nay là anh Bành Bắc Hải, người nhận được rất nhiều giải thưởng điện ảnh, một trong hai người làm âm thanh giỏi nhất ở Việt Nam hiện nay, nhưng anh ấy chỉ là cử nhân.

Hỏi tôi có có cần tiến sĩ không, tôi trả lời ngay là rất cần. Nhưng nếu để phù hợp cuộc sống thì cần có một cách tiếp cận cụ thể và chúng tôi sẽ có những giải trình, báo cáo. Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT sẽ ủng hộ trường trong ngành này, nếu không sẽ là một sự lãng phí rất lớn đối với trang thiết bị điện ảnh nhập về.

Lo lấp lỗ hổng nhân lực cho tương lai

trường đã tính đến việc lấp lỗ hổng nhân lực cho tương lai?

Đương nhiên là chúng tôi phải lo điều ấy. Nhưng thực tế là những anh em làm nghề giỏi đều say nghề, thích lao vào thực tế, thích có tác phẩm, thích lăn lộn, bắt họ đi học thạc sĩ là cả một câu chuyện, không hề đơn giản. Sinh viên nào tốt nghiệp ĐH loại giỏi bảo ở lại trường chắc cũng không ở lại vì hệ số lương rất thấp trong khi đi làm phim, truyền hình hay mở phòng dựng thì lại khác. Khi đã lao vào đấy thì như cơn say, bứt không ra. Đó chính là cái khó của trường, nhưng trong tương lai, chúng tôi quyết tâm phải làm thế nào để đạt được chuẩn chung của Bộ GD-ĐT.

Với đặc thù của mình, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh tổ chức thi khối S với nhiều ngành năng khiếu, rất nhiều thí sinh quan tâm trường có mở lớp dạy thêm cho thí sinh hay không?

Trường không tổ chức dạy thêm, nhưng do nhu cầu của người học thì các khoa có thể có những lớp tạo nguồn bổ sung kiến thức cho thí sinh.

Như vậy liệu có thể kiểm soát được tình trạng dạy thêm, học thêm như Bộ GD-ĐT đã nêu ra?

Tôi muốn nói thế này, với các ngành kỹ thuật, những kiến thức cấp 3 có thể áp dụng cho việc thi ĐH, học ĐH, nhưng với những ngành nghệ thuật thì cần phải có người hướng dẫn để họ biết cách thi như thế nào. Đây có thể coi là những lớp tạo nguồn chứ không phải là luyện thi.

Ông từng có đề nghị trường năng khiếu không cần thi văn, quan điểm này đến giờ ông còn giữ?

Với những trường năng khiếu như chúng tôi, văn là môn điều kiện chứ không phải là quyết định. Thí sinh múa được, diễn được, cảm thụ âm nhạc tốt thì thi văn 3 điểm vẫn đỗ chứ không phải là lấy thí sinh 6 điểm Văn.

Ở hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, tôi đã đề nghị đối với môn văn nên để trường tự chủ, tự ra đề, như thế đề sẽ sát với thí sinh hơn hơn là đề Văn khối C. Ra đề như thế là nặng và xa rời, có những nghệ sĩ thi vào trường thì trượt, nhưng sau đấy không lâu họ được phong nghệ sĩ nhân dân. Đòi hỏi một nghệ sĩ diễn phải phân tích truyện của Nguyễn Minh Châu, của Nguyên Ngọc là chết luôn. Nhưng có thể kiểm tra được khả năng cảm thụ văn học của họ không, câu trả lời là kiểm tra được, chúng tôi yêu cầu họ đọc kịch bản rồi phân tích nhân vật nào họ tâm huyết nhất, đầu tư nhất yêu quý nhất. Như thế có là văn không? Văn quá chứ.

Nhiều người hiểu lầm, nghĩ chúng tôi không coi trọng môn văn. Thực sự là không phải thế. Chúng tôi chỉ muốn đơn giản là đừng cố gắng gò nhau vào những khuôn mẫu mà làm sao đi vào thực tiễn mà thôi.

Vậy thì liệu trường có thay đổi cách thi môn Văn, thay vì thi chung đề Văn khối C như mùa tuyển sinh 2014?

Chúng tôi sẽ đề nghị với Bộ GD-ĐT. Theo Luật Giáo dục ĐH , các trường có quyền tự chủ tuyển sinh và chúng tôi sẽ nghĩ cách làm sao để ra đề phù hợp nhất với đối tượng của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hạnh Lan (thực hiện)