Độc giả hiến kế chống mỏi cổ cho cách học mới

(Dân trí) - “Rất hay”. Tôi chỉ nói gọn trong 2 từ thôi, về cách dạy mới của trường Tiểu học Lương Định Của (TPHCM). Mạnh dạn là cái thiếu nhất trong tất cả dân Việt ta. Mỏi cổ ư? Đơn giản thôi. Cho các em ngồi ghế xoay - độc giả Trong Chinh nêu ý kiến.

Độc giả hiến kế chống mỏi cổ cho cách học mới - 1

Bộ ghế xoay hoặc gắn màn hình chiếu 4 góc sẽ giúp các em không phải mỏi cổ ngoái lên bảng (Ảnh: Hiếu Hiền)
 

Bạn đọc: Phạm Thân

 

Mô hình dạy và học của Trường Tiểu học Lương Định Của rất tốt, nó giúp cho các em mạnh dạn và thoải mái hơn khi học. Nhưng ở lứa tuổi các em xương còn đang phát triển, nếu cứ phải quay nhiều như thế lâu sẽ thành tật. Nên chăng thay cái ghế cố định đó bằng loại ghế xoay để mỗi lần nhìn lên bảng các em xoay cả người lại chứ không phải ngoái cổ lên. 

 

Bạn đọc: Lê Văn Thân

 

Tôi nghĩ việc các em bị mỏi cổ có thể giải quyết được bằng ghế xoay. Không biết là lứa tuổi các em ngồi ghế xoay có hại gì không nhỉ? Các công ty thiết bị có thể thiết kế bàn học phù hợp với các em hơn.

 

Bạn đọc: Hoàng Mỹ

 

Cách học này thật là hay. Tôi nghĩ, để khắc phục tình trạng mỏi cổ, nhà trường có thể dùng 4 màn hình mỏng đặt ở trung tâm của 4 bức tường, và cùng hiển thị một kết quả ở nơi cô giáo ghi chép. Theo cách này thì các em dù ngồi góc nào cũng có thể thấy được trực diện nội dung cô giáo truyền đạt.

 

Bạn đọc: Nguyễn Huy Văn

 

Đây là một phương pháp giáo dục rất hiện đại và có rất nhiều ưu điểm. Tôi nghĩ nếu khắc phục được nhược điểm nhỏ như đã nêu và bộ giáo dục áp dụng cách thức dạy học này ngay từ cấp tiểu học thì thực sự nó “CUỘC CÁCH MẠNG” trong đổi mới tư duy giáo dục đào tạo. Đó là tư duy đặt học sinh ở vị trí trung tâm, chủ thể của giáo dục. Giáo viên, phương tiện dạy học v.v... là sự hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho học sinh. Học sinh sẽ chủ động hơn trong việc học tập nghiên cứu và sáng tạo.

 

Bạn đọc: Nguyễn Hồng Dương

 

Quả là 1 cách học hết sức sáng tạo. Đặc biệt là ở 1 trường công lập. Tôi tin rằng cách học này rất hiệu quả nếu có được sự tận tâm của các thầy cô và ban giám hiệu. Quả là những người dám nghĩ dám làm. Về cách chống mỏi cổ thì có thể dùng máy chiếu 4 góc, học sinh sẽ ngồi nguyên tư thế khi nghe cô giáo giảng bài (kinh phí sẽ khá cao).

 

Bạn đọc: Trần Quốc Uy

 

Em hiện là học sinh lớp 5/2 Trường Tiểu học Lương Định Của, em thấy kiểu học mới này rất hay. Cách học này giúp chúng em tiếp thu và hiểu bài nhanh hơn. Không những thế, học sinh chúng em còn được trao đổi về bài học thoải mái, vui vẻ, làm cho giờ học đối với chúng em hấp dẫn hơn, không khí lớp học sinh động hơnlàm cho chúng em quên cả giờ nghỉ. 
 

Bạn đọc: Trần Thế Hoan

 

Tôi đánh giá cao cách dạy và học này. Tôi đang có điều kiện đi làm ở nước ngoài (Đan Mạch) và tôi thấy ở đây họ cũng áp dụng phương pháp dạy và học tương tự. Cách dạy và học này giúp học sinh rất năng động và phát huy tư duy của từng học sinh... Có điều là ở Đan Mạch thì tổ chức lớp ít học sinh hơn. Một lớp chỉ khoàng 12 đến 15 em, lớp nhiều hơn cũng chỉ khoảng 20 em học sinh. Chương trình học cũng không nặng như ở Việt Nam...

 

Tôi xin có lời khen đến toàn thể các thầy cô giáo nhiệt tâm trường Lương Đình Của. Mong rằng cách dạy và học này sẽ được mọi người quan tâm và triển khai nhiều hơn.

 

Bạn đọc: Trần Việt Phương

 

Cách học này hiện nay không còn là mới trên thế giới nữa, rất nhiều nước cũng đã áp dụng phương pháp dạy học như thế này, tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất của trường học ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của phương pháp dạy học này nên vẫn dạy theo phương pháp truyền thống.

 

Tôi nghĩ nên nhân rộng mô hình dạy học kiểu như thế này. Bản thân tôi là một cán bộ trong ngành Giáo dục và Đào tạo, tôi rất muốn thay đổi được cách dạy học của bậc học phổ thông hiện nay ở Việt Nam nhưng xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Tôi nghĩ trường Tiểu học Lương Định Của nên đề xuất với Bộ GD-ĐT để có thể tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về cách dạy học mới, như vậy có thể nhân rộng được mô hình khá mới mẻ này tại Việt Nam.

 

Bạn đọc Đặng Quốc Trọng

 

Tôi chưa từng du học và tôi là một người học sinh “thuần Việt Nam” cho đến thời gian gần đây tôi có tham gia vào các khoá tiếng Anh quốc tế. Điều tôi nhận thấy lợi ích của các khoá học này là giúp cho học sinh tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp; qua đó kích thích tính ham học của mỗi cá nhân, từ đó góp phần nâng cao kiến thức thực trong mỗi người học sinh và đẩy lùi tình trạng học vẹt, học sáo rỗng và đối phó.

 

Tuy nhiên, sau niềm vui là một sự lo lắng bởi các câu hỏi tôi tự đặt ra. Đó là sau cấp 1 ở ngôi trường trên, lên các cấp cao hơn liệu các em học sinh này có còn được học với phương pháp mới cởi mở, dân chủ hơn như các em đang học không? Đó là dù là phương pháp mới, tiến bộ, hiệu quả và được nhiều nơi trên thế giới áp dụng nhưng liệu đã được kiểm định, “đo ni đóng giày” cho phù hợp hơn với môi trường Việt Nam chưa hay mới chỉ dừng lại ở việc dập khuôn giáo dục?

 

Một câu hỏi nữa là liệu các em bé đang được học trong môi trường mới cởi mở hơn thế kia có được chăm sóc về mọi mặt đến đầu đến cuối hay không, liệu các em có bị thành những “cá thể thí nghiệm” không?

 

Câu hỏi cuối cùng, đó là liệu các cấp các ngành, là người lớn chúng ta đã nhận thức đầy đủ về lợi ích, sự cần thiết của việc cải cách giáo dục một cách đồng bộ, xuyên suốt vì lợi ích của người học chưa, hay lại “sáng đúng chiều sai” và nền giáo dục nước nhà luôn trong tình trạng “thay đổi - cải cách không ổn định”.

 

Hy vọng đây là tia sáng mới, là tín hiệu tốt cho một sự chuyển mình của nền giáo dục Việt Nam vì sự nghiệp lâu dài. Hi vọng, học sinh Việt Nam sẽ sớm trở nên tự tin trong giao tiếp, tự tin trong trình độ như học sinh các nước khác.