Độ “vênh” lớn giữa kết quả hai kì thi

(Dân trí) - Địa phương được đánh giá “thi nghiêm túc, học nghiêm túc” là TPHCM, đứng thứ 2 về kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng lại đứng thứ 14 về điểm trung bình thi ĐH. Trong khi đó, Hà Tây, Nghệ An đạt tỷ lệ tốt nghiệp thấp lại có kết quả thi ĐH khá cao.

Số liệu mà Cục Công nghệ Thông tin của Bộ GD-ĐT vừa công bố khiến nhiều người phải đặt câu hỏi vì độ “vênh” lớn khi so sánh kết quả kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ và kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008.

Năm 2008 được coi là mốc son của phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Chính điều này mà toàn xã hội đều trông chờ một kết quả “khả quan” ở kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008.

Sự mong chờ đó dường như được đền đáp khi Bộ GD-ĐT công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 75,96%, tăng hơn 9% so với năm 2007 (66,72%).

Giải thích về kết quả khả quan trên, lãnh đạo Bộ cho rằng đây là nỗ lực lớn của ngành giáo dục. Nhưng thực tế kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008 đã thực sự nghiêm túc hay chưa?

Tốt nghiệp cao nhưng điểm thi ĐH lại thấp

Nhiều địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2008 xếp ở hàng “top” lại chiếm các vị trí khiếm tốn, thậm chí là tụt thảm hại trong danh sách kết quả thi ĐH, CĐ năm 2008 theo kết quả điểm trung bình 3 môn thi. Kết quả này dễ dàng nhìn thấy khi đối chiếu số liệu thống kê giữa hai kì thi.

Điển hình cho sự “vênh” đó là Cần Thơ: Xếp thứ 11 với kết quả thi tốt nghiệp (7.151 HS thi đỗ, đạt tỷ lệ 86,41%), nhưng có vị trí 49 theo kết quả bài thi ĐH (điểm trung bình bài thi của 13.250 thí sinh là 10,41).

Tương tự như vậy, tỉnh Bến Tre giữ vị trí 13 trong bảng tổng sắp thi tốt nghiệp với tỷ lệ 83,33% nhưng kết quả điểm trung bình môn thi ĐH chỉ là 10,66 đứng ở vị trí 41. Và Trà Vinh, đứng thứ 21 trong bảng xếp hạng thi tốt nghiệp nhưng lại đứng thứ 57 ở kì thi ĐH, CĐ với mức điểm bình quân 3 môn thi ở mức 9.70.

Một địa phương được đánh giá “thi nghiêm túc, học nghiêm túc” là TPHCM đứng thứ 2 về kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng lại đứng thứ 14 theo kết quả điểm thi ĐH.

Điều đáng ngạc nhiên là một số địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp xếp ở các vị trí thấp hoặc là các điểm lộn xộn ở kì thi tốt nghiệp THPT trước đây như tỉnh Hà Tây cũ, Nghệ An… thì có kết quả thi ĐH khá cao.

Cụ thể, tỉnh Hà Tây cũ đứng thứ 46 thi tốt nghiệp, lại có vị trí 7 ở kết quả thi ĐH. Nghệ An đứng ở vị trí 54 thi tốt nghiệp thì lại đứng ở vị trí từ 13 ở kết quả thi ĐH…

Tuy nhiên, nếu chúng ta phân tích số liệu ở từng môn thi thì “điểm lệch” của hai kì thi càng thể hiện rõ ràng hơn. Theo thống kê của Cục CNTT thì điểm lệch toàn quốc của hai kì thi đối với môn Toán là 4,28; đối với môn Sinh là 2,0; môn Văn là 2,2; môn Sử là 4,09; môn Ngoại ngữ là 3,5.
 
Độ “vênh” lớn giữa kết quả hai kì thi - 1
Độ "vênh" được thể hiện rõ giữa kết quả thi môn Toán giữa hai kì thi. (Màu đỏ là điểm thi tú tài, màu xanh là điểm thi ĐH)
 
Theo phân tích của Cục CNTT thì từ khi có thi trắc nghiệm, độ xa cách giữa TP Hà Nội (cao nhất nước về điểm thi ĐH, điểm trung bình 3 môn thi là 13,58) với tỉnh thấp nhất nước (Sơn La, điểm trung bình 3 môn thi 8,89) đã được rút ngắn. Điều này có thể giải thích, do các môn thi trắc nghiệm thí sinh được “biếu không” 2,5 điểm. Khối A đông nhất, có hai môn trắc nghiệm nên về phương diện thống kê, thí sinh đã được biếu 5 điểm.
 
Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho phổ điểm hai kì thi có vẻ “đẹp hơn” so với các năm trước đây, nhưng đối với các môn thi theo hình thức tự luận thì “độ vênh” càng được thể hiện rõ nét hơn.
 
Môn tự luận được coi có phổ điểm “đẹp nhất” là môn Văn. Giải thích về điều này, Cục CNTT cho rằng, đối với môn Văn thì khi thi không thể cóp nguyên vẹn của nhau nên ít vênh hơn.
 
Độ “vênh” lớn giữa kết quả hai kì thi - 2

Môn Văn được coi là có phổ điểm "đẹp nhất". (Màu đỏ là điểm thi tú tài, màu xanh là điểm thi ĐH) 
 
Tổ chức kì thi THPT Quốc gia: Đã chín muồi?
 
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT thì năm 2010 sẽ tổ chức kì thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN. Tuy nhiên với những độ “vênh” của hai kì thi năm 2008 thì dấu chấm hỏi về “độ tin cậy” của kì thi này ngày càng được nhân lên khi mà chỉ còn một năm để Bộ GD-ĐT “chấn chỉnh” kì thi tốt nghiệp THPT.
 
Nhìn theo bảng số liệu dưới đây thì chúng ta dễ dàng nhận thấy độ tin cậy” trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008 vừa qua. Đơn cử với môn Toán thì điểm lệch giữa kì thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ cao nhất là 5,04 (tỉnh Sơn La) và thấp nhất là 3,45 (tỉnh Nghệ An). Theo các chuyên gia phân tích số liệu thì chỉ khi độ vênh ở mỗi môn thi dao động trong khoảng 1-2 điểm là chấp nhận được.  Ở đây độ vênh quá lớn nên có thể khẳng định kì thi tốt nghiệp THPT là có vấn đề!
 
Độ “vênh” lớn giữa kết quả hai kì thi - 3

Độ vênh giữa kì thi ĐH và kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008 ở các địa phương.
 
Trong khi đó, một trong nhưng động thái tích cực của Bộ GD-DT để tiến tới lộ trình tổ chức kì thi THPT Quốc gia đó là sẽ tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009 một cách khác quan và nghiêm túc nhất bằng các biện pháp tăng phiên bản đề thi, thí điểm lắp camera...
 
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng có chủ trương lớn đó là các tỉnh sẽ tổ chức thi theo cụm; hoán đổi bài thi giữa các đơn vị chấm; lập đường dây nóng “trực chiến” ở Bộ và các tỉnh để xử lý sự cố.
 
Để làm được điều này Bộ sẽ giao cho các tỉnh tự quyết việc tổ chức thi nhằm đảm bảo mỗi cụm thi phải có ít nhất 3 trường THPT. Với những trường THPT thuộc địa bàn khó khăn không thể tổ chức thi liên trường được tổ chức thi tại chỗ.
 
Ngoài ra một trong những điểm mới dự kiến ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 là dự kiến sẽ thay lực lượng giám thị 3 (giám thị hành lang) bằng các thanh tra ủy quyền của bộ là giảng viên ĐH, CĐ. Lực lượng này sẽ đảm nhiệm việc theo dõi thí sinh ra ngoài phòng thi và liên hệ giữa giám thị với lãnh đạo hội đồng coi thi.
 
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị “công phu” này liệu Bộ GD-ĐT có thể “xoá bỏ” được “độ vênh” giữa hai kì thi? Câu hỏi này chỉ được trả lời một cách khách quan nhất khi Cục CNTT cung cấp số liệu kết quả hai kì thi của năm 2009.
 
 Nguyễn Hùng