Điểm sàn không hạ, các ĐH ngoài công lập “lụt cả làng”

(Dân trí) - Lo lắng, thất vọng, nằm ngoài suy tính, nguy kịch, khó sống sót, lụt cả làng, rất gay go… đó là tâm trạng của hàng loạt lãnh đạo trường đại học ngoài công lập hiện nay khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn.

Ngày 8/8, Bộ GD-ĐT công bố mức điểm sàn. Mức điểm sàn này tương đương với năm 2010. Do vậy, kiến nghị thay đổi điểm sàn của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL không lay chuyển được quan điểm giữ ổn định điểm sàn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Do vậy, sự thất vọng, lo lắng tuyển sinh năm nay của các trường đại học ngoài công lập (NCL) lại càng lớn dần.

Lụt cả làng!

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đình Ngộ, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Phú Xuân - Huế, than rằng: “Điểm sàn năm nay, các trường NCL “lụt cả làng” chứ không riêng gì Phú Xuân. Tuy nhiên, giờ bộ ban hành điểm sàn rồi thì không có cách nào khác là chấp hành nghiêm túc thôi. Trường sẽ tha thiết xin bộ cho vận dụng điều 33 để tuyển sinh”.

Ông Văn Bá Thanh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hà Hoa Tiên, Hà Nam, cho biết: “Tôi rất thất vọng về điểm sàn năm nay, Bộ không để ý đến kiến nghị của các trường ngoài công lập. Với mức điểm sàn năm nay, các trường ngoài công lập chúng tôi lại khốn khổ, sẽ không tuyển nổi nửa số lượng chỉ tiêu được giao”.

Với mức điểm sàn năm nay, trường ĐH Hà Hoa Tiên, khối A chỉ có 1 thí sinh đỗ, khối D nhiều hơn vài thí sinh.

“Năm trước bộ cũng nói nguồn tuyển dồi dào, năm nay cũng vậy. Tuy nhiên, các trường NCL lấy đâu ra nguồn tuyển vì nhiều trường công lập cũng chỉ xét tuyển bằng điểm sàn. Tâm lý học sinh chạy theo mác công lập nhiều hơn chứ. Trường tôi chỉ hy vọng chờ đợi tuyển sinh ở bậc trung cấp và cao đẳng” - ông Thanh cho hay.

Đối với trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh, Nam Định, ông Nguyễn Hữu Kiều, trưởng phòng đào tạo trường nói rằng: “Thứ trưởng Ga nói và phân tích dữ liệu điểm năm nay là dôi dư hơn 200.000 thí sinh trên điểm sàn, chúng tôi vẫn lo vì đó chỉ là mặt lý thuyết, thực tế không phải như vậy.

Chúng tôi sẽ gặp khó khăn không tuyển đủ chỉ tiêu năm nay bởi trên địa bàn thành phố Nam Định có tới 3 trường đại học công lập và những trường đại học này hoàn toàn đều xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ. Như vậy, chúng tôi còn đâu nguồn để tuyển, đành chờ bộ cho chuyển chỉ tiêu sang hệ liên thông, vừa học vừa làm như năm trước thì mới hy vọng “sống sót”.

Phân tích về dữ liệu điểm sàn năm nay ở các khối mà Bộ GD-ĐT công bố, theo ông Nguyễn Minh Châu, hiệu trưởng trường ĐH Quang Trung, TP Quy Nhơn, mọi năm, bộ lấy điểm sàn ở các khối đều vượt chỉ tiêu trên 170% nhưng năm nay căn cứ vào mức điểm sàn và số thí sinh dôi dư mà bộ công bố thì khối A chỉ lấy vượt 124%, khối D vượt 137%, khối B điểm thi cao hơn 1 chút vượt 387% lại quá nhiều. Số thí sinh dôi dư như vậy là ít so với mọi năm.

Ông Châu lo lắng cho rằng: “Với mức điểm sàn năm nay, các trường ngoài công lập rất gay go. Hiện nay, theo cơ chế thị trường, đương nhiên học sinh sẽ vào công lập ít vì điểm xét tuyển cũng chỉ bằng điểm sàn mà học phí lại thấp, trong khi đó trường NCL mặc dù cũng xét tuyển bằng điểm sàn nhưng học phí cao, chẳng tội gì mà vào. Năm nay, trường chúng tôi lại càng nguy kịch. Trên địa bàn Quy Nhơn, trường ĐH Quy Nhơn có 5.000 chỉ tiêu mà điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ. Vậy còn đâu thí sinh cho trường chúng tôi. Do vậy, trường xin vận dụng điều 33, may ra hệ đại học tuyển được 400 /1.100 chỉ tiêu; hệ Cao đẳng cũng dự kiến tuyển được 400/1.100 chỉ tiêu”.
 
Điểm sàn không hạ, các ĐH ngoài công lập “lụt cả làng” - 1
Thí sinh dự thi đại học năm 2011. (Ảnh: Việt Hưng)
 
Hy vọng mong manh

Hầu hết, các trường đại học NCL hiện nay chỉ hy vọng trông chờ vào xét tuyển NV2,NV3, xin bộ vận dụng điều 33 trong Quy chế tuyển sinh, hy vọng vào tuyển liên thông và hệ vừa học vừa làm để tuyển đủ chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Minh Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Quang Trung, kiến nghị: “Năm nay, Bộ cho các trường áp dụng điều 33 nhưng giảm 2 điểm so với 1 điểm quy định hiện nay thì may ra mới tuyển được thí sinh để đào tạo nhân lực cho địa phương”.

ÔngHoàng Xuân Quảng, phó hiệu trưởng ĐH An Giang cho biết: “Hầu hết các ngành của trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ nhưng với ngành sư phạm chúng tôi rất nguy kịch vì số lượng thí sinh đăng ký dự thi rất ít. Riêng với ngành sư phạm Toán có 50 chỉ tiêu nhưng chỉ có 20 thí sinh đạt điểm sàn của Bộ. Dự kiến chúng tôi sẽ tạm ngừng tuyển sinh 5/8 ngành sư phạm vì không có thí sinh dự thi. Trường dành 500 chỉ tiêu xét tuyển NV2. Tuy nhiên dự tính theo đúng điểm sàn của bộ, trường trúng tôi chỉ có 50% thí sinh đỗ. Do vậy, sẽ xin bộ áp dụng điều 33 để tuyển những ngành khó tuyển”.

Với những trường đại học NCL ở thành phố không được quyền áp dụng điều 33 thì chỉ trông chờ vào xét tuyển NV2,NV3. Bà Lê Thị Thành Hương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Đại Nam cho biết: “Với mức điểm sàn bộ công bố, trường thiếu NV1 trầm trọng. Tính những thí sinh có từ 10 điểm trở lên chỉ có 340 em cho cả hai hệ ĐH, CĐ. Trong khi đó, chỉ tiêu Bộ giao cho trường là 1.400. Trường xét tuyển NV2, NV3 từ điểm sàn trở lên”.

Dù xét đến NV2, NV3 nhưng ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Chu Văn An vẫn ngao ngán than: “Nguồn tuyển ngày một khó, điểm chuẩn trường chỉ bằng mức điểm sàn. Thậm chí, bằng điểm sàn cũng khó tuyển. Trong 1.400 chỉ tiêu mà Bộ giao cho trường, NV1 chỉ đáp ứng được khoảng 70-80 sinh viên. Chưa tính các em có đến nhập học hay không vì có nhiều thí sinh thi nhiều trường, nhiều khối khác nhau. Dự tính, tuyển cả NV2, NV3 chúng tôi chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu”.

Ông Trần Mạnh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu có vẻ lạc quan hơn, ông cho hay: “Với mức điểm sàn, chúng tôi chỉ có 40% thí sinh đỗ NV1, trong 1.000 chỉ tiêu được giao. Trường dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển NV2. Nhưng theo tôi bộ để mức điểm sàn đó là hợp lý, không nên hạ thấp chất lượng xuống. Với ngành khó tuyển cho các trường vận dụng điều 33. Tuy nhiên, vận dụng điều 33 với các ngành nông nghiệp như trường chúng tôi cũng rất khó khăn vì không có nguồn để tuyển”.

Với mức điểm sàn năm nay Trường ĐH Lạc Hồng tuyển được khoảng 70%. Trường xét tuyển khoảng 800 chỉ tiêu NV2 và mức tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ.

Theo ông Lâm Thành Hiển, phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, trường chúng tôi không lo lắm trong việc thiếu chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, với tôi, con số dôi dư thí sinh trên điểm sàn của bộ là vô nghĩa và gây khó khăn cho các trường NCL. Mức điểm sàn cũng không hợp lý bởi hiện nay có 2 kiểu thí sinh, thí sinh đủ điểm nhưng không đủ tiền (để vào các trường dân lập học); thí sinh có tiền nhưng không đủ điểm để vào. Điểm sàn đã bó hẹp quyền người được đi học. Hơn nữa, nhiều trường công lập có NV 1B, họ sẽ vớt hết thí sinh giỏi cho các trường NCL. Mà cũng không phải thí sinh nào trên điểm sàn của Bộ họ sẽ đi học đại học, chờ năm sau thi tiếp chứ quyết không vào dân lập.

Hồng Hạnh