Điểm chuẩn: Năm trước cao, năm sau thấp

(Dân trí) - Chỉ trong hai năm 2005 và 2006, mức điểm chuẩn của các trường ĐH thay đổi rất nhiều. Những trường biến động nhiều nhất về điểm chuẩn chủ yếu thuộc “top” trên. Năm 2005 lấy điểm chuẩn cao, bị thí sinh “sợ” nên năm 2006 phải hạ xuống.

ĐH Bách khoa năm 2005 có điểm chuẩn ở tất cả các ngành là 25,5 điểm; sang năm 2006, mức điểm chuẩn đã thấp đến bất ngờ: 22,5 điểm. ĐH Dược năm 2005, ngành Dược lên đến 27,5 điểm; sang năm 2006, con số này khiêm tốn hơn, chỉ dừng lại ở mức 23,5 điểm. Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, ngành cao điểm nhất là Kỹ thuật điện tử viễn thông hạ từ 25,5 xuống 24 điểm.

 

Sự e ngại của thí sinh còn thể hiện rõ rệt đối với những trường thuộc chuyên ngành Y, điều này khiến điểm chuẩn của các trường Y đều sụt đi trông thấy. ĐH Răng Hàm Mặt năm 2005 có điểm chuẩn là 25,5, năm 2006 chỉ còn 23. ĐH Y Thái Bình ngành cao nhất là Bác sĩ đa khoa có điểm chuẩn năm 2005 là 24, năm 2006 chỉ còn 22, 5. ĐH Y Hà Nội năm 2005 điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa là 26,5, sang 2006 chỉ còn 23,5 điểm.

 

Bên cạnh đó, các trường thuộc loại “thường thường” cũng phải hạ điểm chuẩn. Những trường ĐH nào năm 2005 có điểm chuẩn cao thì năm 2006 bị thí sinh “tẩy chay” nhiều, đành phải hạ điểm chuẩn. ĐH Công đoàn điểm chuẩn năm năm 2005 ở ngành Bảo hộ lao động là 18 điểm, Quản trị kinh doanh là 17,5 điểm, Xã hội học là 20 điểm, Công tác xã hội 21 điểm. Sang năm 2006, điểm chuẩn của các ngành này chỉ là 15, 16, 18 và 15.

 

Ngay trong một trường ĐH, quy luật này cũng thể hiện rất rõ nét. Điển hình như trường ĐH Kinh tế quốc dân, hầu hết các ngành đều hạ điểm chuẩn năm 2006 thấp hơn so với năm 2005.

 

Điểm chuẩn ổn định nhất thuộc về các trường ĐH vùng do điểm chuẩn luôn ở mức xấp xỉ sàn, không mấy thay đổi. Chẳng hạn như trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh của ĐH Thái Nguyên, điểm chuẩn ổn định từ 12 đến 15,5 điểm, thấp hơn các trường khác có cùng chuyên ngành đào tạo tới 5 đến 7 điểm.

Mai Minh