Điểm chuẩn dự kiến có phải là điểm chuẩn?

(Dân trí) - Tính đến hôm nay 31/7, đã có <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/7/190140.vip">khoảng 50 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi</a> và đồng thời công bố điểm chuẩn dự kiến cho thí sinh. Điểm chuẩn dự kiến so với điểm chuẩn chính thức cao hay thấp hơn và tại sao các trường không công bố ngay điểm chuẩn chính thức?

Theo giải thích của một lãnh đạo Vụ ĐH và SĐH (Bộ GD- ĐT) thì các trường không được phép công bố điểm chuẩn khi Bộ chưa thông qua. Các trường phải gửi toàn bộ dữ liệu điểm thi của thí sinh về Bộ kèm theo dự kiến điểm chuẩn của trường. Khi có trong tay kết quả của tất cả các trường, Bộ sẽ xem xét, cân nhắc và nếu thấy cần thiết sẽ điều chỉnh mức điểm chuẩn này sao cho phù hợp với mặt bằng tuyến sinh chung.

 

Trước khi điều chỉnh điểm chuẩn của các trường, Bộ sẽ xây dựng mức điểm sàn và tất cả những trường có mức điểm chuẩn dự kiến dưới mức sàn sẽ phải điều chỉnh tăng lên theo mức ít nhất là phải bằng mức sàn. Những trường nào định mức điểm chuẩn cao quá cũng sẽ bị điều chỉnh cho phù hợp hơn. Mức điểm sàn dự kiến của năm nay là khoảng 15 điểm.

 

Điểm sàn hàng năm được công bố vào ngày 12/8 và sau ngày 12/8, Bộ sẽ duyệt mức điểm chuẩn cho các trường. Đến lúc này, các trường mới có điểm chuẩn chính thức.

 

Quy định như vậy nhưng thực tế thì rất ít khi Bộ can thiệp vào điểm chuẩn của các trường vì thường điểm chuẩn dự kiến được các trường xây dựng đã là khá chuẩn xác và dựa theo mức điểm chuẩn của những năm trước nên ít khi gây ra đột biến.

 

Tuy nhiên, điểm chuẩn dự kiến và điểm chuẩn chính thức của các trường vẫn có sự xê dịch và sự xê dịch này là do các trường tự điều chỉnh. Sự tự điều chỉnh này ở các trường cũng khác nhau. Nếu như ở các trường top 1 thường có xu hướng điểm chuẩn chính thức cao hơn so với điểm chuẩn dự kiến thì ở những trường top giữa và top dưới, điểm chuẩn thiên theo chiều hướng giảm xuống. Mức xê dịch này nằm trong khoảng  từ 0,5 điểm đến 2 điểm so với dự kiến ban đầu.

 

Chẳng hạn như ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2006, dự kiến điểm chuẩn ban đầu của ĐH Bách khoa là 22 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn chính thức của ĐH Bách khoa là 22,5 điểm.

 

Các trường ĐH top dưới và các trường ĐH Dân lập thường ít khi công bố mức điểm chuẩn dự kiến mà chủ yếu “nghe ngóng” các truờng top trên định điểm chuẩn thế nào rồi mới đưa ra phương án điểm chuẩn của mình.

 

Ngoài mức điểm chuẩn dự kiến thì tại nhiều trường còn xây dựng cả mức điểm sàn riêng. Tất nhiên, mức điểm sàn do các trường tự đặt ra này luôn vượt xa mức điểm sàn hàng năm của Bộ GD- ĐT. Ví dụ như tại ĐH Xây dựng, điểm sàn của các ngành khối A năm nay là 20 điểm, khối V là 26 điểm (hệ số 2 môn năng khiếu). Điểm sàn của ĐH Kinh tế quốc dân là 24 điểm.

 

Khi xây dựng mức điểm sàn này, các trường muốn chuyển tới thí sinh “thông điệp” rằng họ phải đạt được ít nhất từ mức điểm đó trở lên mới có hy vọng đỗ vào trường. 

M.M