Đến Việt Nam để vào nghề

Rời giảng đường đại học, Arnaud chàng luật sư người Pháp bước chân vào nghề, vào đời tại một đất nước xa lạ, đó là Việt Nam, xứ sở trước đây anh chỉ biết mơ hồ qua sách vở.

Xếp bút nghiên lên đường

 

Giữa năm 2005, khi vừa lấy được bằng Thạc sĩ Luật và bằng Thạc sĩ  Quản trị Kinh doanh tại Paris, còn chưa quyết định sẽ làm việc ở đâu thì Arnaud tình cờ gặp Giám đốc điều hành của Công ty luật Gide Loyrette Nouel.

 

Ông này đề nghị anh đến làm việc tại chi nhánh công ty ở TPHCM, chuyên tư vấn các loại luật đầu tư, luật kinh doanh cho các công ty quốc tế cũng như cho chính phủ Việt Nam, với lời khuyên: “Đi xa nhà, làm việc tại một nước đang phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chính những khó khăn đó sẽ giúp cậu trưởng thành nhanh hơn và học hỏi được nhiều điều về cuộc sống hơn”.

 

Chàng trai trẻ sau bao năm vùi đầu vào sách vở, chưa bao giờ ra khỏi châu Âu nghe vậy liền nhận lời, vì một sự tò mò muốn đến sống và làm việc ở một xứ sở khác lạ.

 

Ngày đầu tiên đến TPHCM, dù mệt mỏi sau mười bốn tiếng đồng hồ trên máy bay, Arnaud vẫn lấy camera thu lại quang cảnh quanh khách sạn cùng một bài phát biểu cảm nghĩ gửi về cho gia đình. Cũng trong ngày hôm đó, anh mua ngay một bộ giáo trình học tiếng Việt.

 

Arnaud rất thích học tiếng Việt và học rất chăm chỉ, vì đối với anh, việc hiểu ngôn ngữ của nơi mình đang sống là vô cùng quan trọng. Anh muốn hòa nhập và hiểu được Sài Gòn, muốn được người Việt Nam hiểu và đón nhận. Arnaud cho biết mình được cô giáo tiếng Việt dạy cho những câu rất đúng về cấu trúc ngữ pháp, nhưng khi anh thực hành thì mọi người… cười ngất. Vì thế, anh quyết tâm học thêm những “tiếng lóng” từ bạn bè Việt Nam. 

 

Arnaud khá rành các món ăn Việt, kết quả sau nhiều lần cùng bạn bè đến các quán ăn bình dân. Anh rành rọt kể tên những món khoái khẩu: bánh xèo - món anh thích nhất, bởi gợi nhớ đến bánh crêpe mặn quen thuộc của người Pháp làm từ bột mì  nhân trứng, phô mai và mật ong - rồi phở, bánh hỏi thịt heo quay, thịt heo kho tộ…. Arnaud có nhiều bạn bè người Việt, những người bạn trẻ, nhiệt tình và thân thiện.

 

Anh cho rằng đó là phần thưởng của quá trình tìm hiểu sự khác biệt về văn hóa và học cách nhập gia tùy tục của mình, bởi sự khác biệt trong cách ứng xử của hai nền văn hóa rất dễ dẫn đến hiểu lầm. Người Pháp thích nói ra ý kiến của mình, thích bình phẩm, phê bình và dám thẳng thắn nhận lỗi, còn người Việt thì thường đưa ra ý kiến dựa theo đám đông và thường không ra mặt phản đối ý kiến người khác. Nhưng những khác biệt đó đều có thể vượt qua, miễn là người ta đến với nhau bằng tấm lòng. “Cuối cùng thì chính đồng nghiệp và bạn bè đã làm nên một Sài Gòn thương nhớ trong tôi”, Arnaud tâm sự.

 

Nếu thời gian ở giảng đường đại học cung cấp cho Arnaud kiến thức chuyên môn thì thời gian làm việc ở Việt Nam, Arnaud đã học được nhiều điều về cuộc sống và về chính bản thân mình. Anh thấy điều hay nhất ở người Việt là tính lạc quan. Hầu hết những người trẻ tuổi mà anh gặp đều ấp ủ giấc mơ làm giàu hoặc vươn tới những điều tốt đẹp, tươi sáng hơn. Nền kinh tế của một nước đang phát triển tạo nhiều cơ hội cho con người vươn đến những thành công. “Mức sống của người Việt Nam còn thấp, nhưng họ lạc quan và hy vọng vào tương lai, đó là động lực để họ phấn đấu đi lên” - Chàng trai trẻ nhận định.

 

Còn mấy tháng nữa Arnaud sẽ hết hợp đồng làm việc tại Việt Nam và trở về Pháp. Anh dự tính khoảng mười năm nữa mình mới quay lại để tiếp tục làm việc lâu dài. Anh đã tưởng tượng đến ngày đó: mình trưởng thành hơn, ở một tầm cao hơn và sẽ làm được nhiều việc hơn. Còn hình dung về TPHCM khi ấy, Arnaud hy vọng chính quyền sẽ có những kế hoạch bảo vệ những nét đẹp văn hóa, kiến trúc đặc trưng để chúng không bị nhấn chìm trong các cơn lốc mang tên “phát triển”, “tăng trưởng kinh tế”, để chàng Hoàng tử bé ngày nào không phải tiếc nuối khôn nguôi về một đóa hồng đã mất.

 

Những chuyến đi không thể quên

 

Arnaud rất thích du lịch bằng xe gắn máy qua các thành phố, thị xã, làng mạc  của Việt Nam. Ở đất nước này chưa đầy hai năm mà Arnaud đã đi qua hầu hết các tỉnh thành, từ Kiên Giang đến Lai Châu, và nhớ rành rọt tên các địa danh đã đi qua. Arnaud tự tin khoe vốn hiểu biết và kinh nghiệm từ các chuyến đi của mình đủ để giúp anh trở thành một tour guide “xịn”.

 

Câu chuyện của Arnaud về các chuyến đi dường như không bao giờ dứt, đến đâu chàng trai vui tính này cũng tìm cách hỏi chuyện, chụp hình với dân địa phương. Với anh, cung đường Mai Châu - Sơn La - Điện Biên Phủ - Lai Châu thật sự thu hút anh, là cung đường có phong cảnh thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam.

 

Có một lần, Arnaud và một người bạn chạy xe máy từ Đà Nẵng ra Huế, máu phiêu lưu đưa anh đi tiếp đến A Lưới. Kể lại chuyện này Arnaud không giấu vẻ tự hào vì anh đã khám phá ra một nơi thật hẻo lánh nhưng phong cảnh tuyệt đẹp, ngay cả bạn bè người Việt của anh cũng chưa ai đặt chân tới.

 

Tuy nhiên không phải chuyến đi nào cũng thần tiên như vậy. Có lần, anh và một người bạn chạy xe máy từ Hội An ra Huế. Đường đi lổn nhổn đá cuội, trời mưa và tối, một người dân địa phương đã đâm xe vào xe hai anh và bị xây xước. Arnaud cùng người bạn vừa chăm sóc vết thương cho người lái xe này xong, chuẩn bị đi tiếp thì bị anh ta hô hoán giữ lại đòi bồi thường. Người dân địa phương cũng vây quanh, một số người còn nắm sẵn đá cuội ở trong tay.

 

Hai người bắt đầu thấy hơi sợ vì thân cô thế cô, nhưng biết mình không làm sai nên cương quyết không chịu bồi thường. Cuối cùng, mùi rượu từ người lái xe kia đã giải oan cho hai anh khi cảnh sát giao thông tới hiện trường. Arnaud và bạn anh chạy về Huế thì trời đã hửng sáng, lỡ mất chuyến bay về TPHCM. Nhớ lại, Arnaud vẫn vui vẻ kết luận rằng tai nạn ấy là một kỷ niệm nhớ đời, cũng là dịp để anh tự đánh giá mức độ dũng cảm cùng khả năng ứng phó trước các tình huống bất ngờ của mình.

 

Được hỏi sẽ mang gì về Pháp sau khi rời khỏi Việt Nam, Arnaud mơ màng cho biết anh sẽ mang theo ký ức về mỗi buổi sáng chạy xe máy từ nhà đến chỗ làm việc, mang theo nỗi nhớ về những mùi, những vị chỉ có ở Sài Gòn. Và quan trọng nhất là mang về Pháp một Arnaud mới, trưởng thành hơn, giàu có hơn về vốn sống lẫn tâm hồn.

 

Theo Cẩm Tú

Tuổi Trẻ/ Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần