Đề thi Hoá khối B: Nhiều thí sinh “choáng”

(Dân trí) - Số lượng câu hỏi tính toán gần như chiếm toàn bộ đề thi, để làm được hết thí sinh cần phải có kỹ năng tính toán rất nhanh và nắm vững kiến thức hoá học. Nhiều thí sinh khối B đã “choáng” khi đọc đề thi Hoá sáng nay, 10/7.

Đề thi Hoá khối B: Nhiều thí sinh “choáng” - 1

Một thí sinh ở cụm thi Đà Nẵng thẫn thờ sau buổi thi môn Hóa (Ảnh: Khánh Hiền)
 
Theo ghi nhận của Dân trí, kết thúc môn thi hoá khối B sáng nay nhiều thí sinh ở Hà Nội ra về với tâm trạng không vui. Mặc dù đề không quá khó nhưng do phải tính toán quá nhiều nên thí sinh không đủ thời gian để làm bài.

Tại cổng trường ĐH Y Hà Nội, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng ủ rũ.

Thí sinh Hạnh, quê ở Thái Bình tâm sự: “90 phút làm bài mà gần như không lúc nào rời khỏi máy tính cầm tay. Em thật sự sốc khi đề thi có quá nhiều câu hỏi bài tập. Cố gắng hết sức em cũng chỉ làm được hơn 80%. Các câu còn lại em chọn theo cảm tính”.

Cùng chung tâm trạng này, thí sinh Văn Thanh cho biết: “Toàn bộ đề thi chỉ có khoảng 10 câu hỏi mang tính chất lý thuyết còn lại đều phải tính toán và viết các phương trình phản ứng nhiều. Nếu thí sinh nào không có cách giải nhanh thì em tin chắc chẳng có ai giải được hết đề thi này”.

Còn tại cổng trường ĐH Y tế công cộng gần như khó tìm thấy một nụ cười của sĩ tử. Mà ngay cả khi có gặp một thí sinh có vẻ phấn chấn một chút thì bản thân họ cũng không dám khẳng định kết quả làm bài của mình.

“Thật sự đề thi sẽ làm cho nhiều thí sinh “choáng” vì phải tính toán khá nhiều. May mà em được các thầy “rèn” cho kỹ năng xử lý nhanh các câu hỏi liên quan đến tính toán nên cũng làm bài tạm ổn. Tuy nhiên em cũng không dám khẳng định sẽ đạt được điểm cao, chỉ hi vọng được 8 thôi”, Lê Huy, thí sinh được coi là vui vẻ nhất của điểm thi chia sẻ.
 
Tại TPHCM, đề Hóa cũng khiến nhiều bạn đau đầu. Tại các điểm thi ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Nông Lâm (Q. Thủ Đức) đa phần các thí sinh cho biết chỉ làm được khoảng 60%, cao nhất cũng chỉ 70%. Đề trắc nghiệm 50 câu, nhưng có nhiều phần bài tập thí sinh phải tính toán nhiều còn phần lý thuyết thì vừa phải.
 
Thí sinh khối B của Đà Nẵng rời cổng trường thi vẫn còn nét ưu tư. Trần Văn Nhãn, dự thi tại điểm ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết: “Kiến thức yêu cầu trong đề thi tập trung vào phần kiến thức lớp 12. Đề vẫn khó như mọi năm. Vì là đề trắc nghiệm nên câu nào cũng đánh dấu câu trả lời. Nhưng thiệt tình là nhiều câu em đánh dấu cầu may. Hai môn thi trước cũng khá “xương”. Không biết có “lọt” được năm nay không?”.
 

Với thí sinh Cần Thơ, nhiều thí sinh cho biết đề khó “chơi”, so với khối A thì cũng có phần khó hơn. Em Trần Văn Tâm ở điểm thi trường Châu Văn Liêm cho biết, dù làm hết nhưng cũng không chắc là sẽ đúng vì nhiều câu em chỉ đánh dấu theo cảm tính.

 
Nhận định về thi môn Hoá khối B, một giảng viên Hoá trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tôi đánh giá đây là một đề thi tốt. Đề thi bám sát chương trình SGK và cấu trúc đề thi. Các câu hỏi khó không nhiều nhưng phải công nhận là đề khá nặng về phần tính toán. Với đề thi này chắc sẽ ít điểm tuyệt đối, điểm dưới trung bình sẽ không ít”.
 
Cùng chung nhận định này, PGS.TS Đào Hữu Vinh cho biết thêm: “Thật sự phần riêng dành cho thí sinh chương trình nâng cao khá khó. Chắc chắn nhiều thí sinh sẽ chọn chương trình chuẩn để làm vì nó nhẹ nhàng hơn”.
 

Theo PGS.TS Đào Hữu Vinh, đề Hóa khối B nói chung là tốt, nội dung thuộc chương trình học. Có nhiều câu khó dùng để phân loại học sinh.

 

Đề tương đương với đề khối A, tính toán khá nhiều, trong đó có nhiều câu đòi hỏi học sinh hiểu và vận dụng tốt mới làm xong. Số học sinh đạt điểm 9, 10 không nhiều. Mức điểm phổ biến là khoảng 6 điểm.

 

Đề có một vài câu lắt léo (VD: câu 37 - mã đề 475). Có một số câu khiến học sinh hiểu không đúng (VD: câu 49 - mã đề 475).

Còn theo thầy Phạm Nhĩ, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ Văn hoá tỉnh Nam Định thì đề thi Hoá khối B tương đối khó. Một số câu hỏi hay và thực sự khó để phân loại thí sinh.

“Tuy nhiên đề thi như thế này là không tương đồng với thời gian làm bài của thí sinh. Số lượng bài tập chiếm gấn 70% trong khi đó những câu hỏi lý thuyết cũng không đơn giản một chút nào”, thầy Nhĩ cho hay.

 

Nguyễn Hùng - Lê Phương - Trung Kiên - Huỳnh Hải - Khánh Hiền