Đề tài "giời ơi" hết đất sống?

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Bộ KHCN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều đề tài nghiên cứu chưa ứng dụng thực tế, còn đắp chiếu, bỏ ngăn kéo.


Sinh viên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Sinh viên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Bắt đầu từ hôm qua (15/2), Thông tư liên tịch giữa Bộ KHCN và Bộ Tài chính quy định khoán chi trong nghiên cứu khoa học chính thức có hiệu lực sẽ là công cụ hữu hiệu giúp chặn đứng loại đề tài “giời ơi” nói trên.

Chia sẻ về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết: Xưa nay mọi người nghĩ thuật ngữ bỏ ngăn kéo theo nghĩa rất xấu, thực ra không hẳn thế. Bỏ ngăn kéo có 3 loại, một loại đúng là xấu, hai loại còn lại là tốt và không tránh khỏi bỏ ngăn kéo. Ví dụ nghiên cứu cơ bản, chẳng có nghiên cứu cơ bản nào ứng dụng được ngay. Hệ nhị phân trong toán được nghiên cứu cách đây 2 thế kỷ, không lý gì 1+1=10 nhưng gần 200 năm sau ứng dụng rộng rãi trong máy tính. Nghiên cứu cơ bản về chất bán dẫn, các nhà khoa học Mỹ phát minh những năm 50 của thế kỷ 20 nhưng không ứng dụng, bỏ ngăn kéo gần 10 năm cho đến khi người Nhật mua lại với giá 4.000 USD. Nhờ có nghiên cứu này mà ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật phát triển kinh khủng. Tất cả radio bán dẫn, ti vi, các thiết bị điện tử đều dùng chất bán dẫn. Nghiên cứu cơ bản là nền tảng cho nghiên cứu ứng dụng nên không tìm thấy chỗ ứng dụng ngay được, phải chờ trình độ kinh tế, kỹ thuật phát triển đến mức nào đó mới có địa chỉ ứng dụng.

“Những đề tài na ná nhau cũng nhiều lắm, ví dụ nghiên cứu mô hình của nước nọ, nước kia, xong không biết ai dùng”. - Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân

Loại thứ hai bỏ ngăn kéo là nghiên cứu ứng dụng nhưng chưa tìm kiếm được nhà đầu tư. Nhà khoa học có thể nghiên cứu rất thành công nhưng nếu không có nhà đầu tư thì kết quả nghiên cứu cũng nằm phòng thí nghiệm thôi. Ví dụ, tế bào gốc được nghiên cứu rất thành công, không ai nói tế bào gốc không có khả năng ứng dụng cả nhưng để thành sản phẩm phải có nhà đầu tư. Ở Việt Nam, nếu Nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được thì lập tức bị phê phán là ném tiền vào những cái tư nhân làm được. Doanh nghiệp tư nhân có đầu tư hay không? Đấy là vấn đề phải cân nhắc nhiều nên nghiên cứu có thành công cũng đành bỏ ngăn kéo chờ đến lúc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Tất nhiên có một số đề tài nghiên cứu “giời ơi” thì đúng là lãng phí, bỏ ngăn kéo là đúng, vì không ai dùng, kiểu như nghiên cứu xe máy đi ban ngày bật đèn pha sau này thế nào hay nghiên cứu quy trình ban hành nghị quyết của tỉnh ủy. Tôi từng phải có ý kiến với một đề tài này. Những đề tài na ná nhau cũng nhiều lắm, ví dụ nghiên cứu mô hình của nước nọ, nước kia, xong không biết ai dùng.

Vậy làm thế nào để hạn chế những đề tài “giời ơi” như vậy, thưa ông?

Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân.
Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân.

Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu thì phải công khai, minh bạch. Hiện nay chưa công khai minh bạch đầy đủ và toàn diện. Chúng tôi đang phấn đấu công khai, minh bạch hóa tất cả các công việc trong quá trình tuyển chọn, thực hiện, nghiệm thu đề tài ví dụ khi thành lập hội đồng tuyển chọn, xét duyệt đề tài thì ai là chủ tịch, ai phản biện, phản biện thế nào, chấm điểm ra sao. Công khai sẽ giúp các nhà khoa học tự giám sát lẫn nhau. Nếu ai không có trách nhiệm, phản biện qua quýt, chiếu lệ sẽ bị phê phán, lần sau không được giao việc.

Ngoài ra, phải khách quan lựa chọn hội đồng tuyển chọn, xét duyệt đề tài. Chúng tôi đã giao cho Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia. Các chuyên gia này phải có ba tiêu chí là trình độ cao, kinh nghiệm, có uy tín trong giới khoa học. Khi các đơn vị thành lập hội đồng phải dựa trên danh sách chuyên gia do Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ cung cấp, không được lựa chọn ngoài để tránh quen biết, thiếu khách quan.

Bằng Thông tư về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng với các đề tài nghiên cứu dùng ngân sách Nhà nước (vừa được ban hành-PV), chúng tôi sẽ siết chặt sản phẩm đầu ra. Trước đây có tình trạng nhiều đề tài dự án nghiệm thu xuất sắc nhưng mà không ai quan tâm sản phẩm cuối cùng là gì, cơ quan tài chính cứ thấy đầy đủ quy trình thủ tục hóa đơn chứng từ trong nghiệm thu là thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng nhưng sản phẩm có dùng được không thì ít ai quan tâm. Với thông tư khoán chi, Bộ KHCN đã hướng tới việc quản lý thật chặt sản phẩm cuối cùng. Nếu sản phẩm ấy không đạt yêu cầu, dứt khoát là không được thanh quyết toán. Cuối cùng là cơ chế đặt hàng phải góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu.

Ông có thể nói cụ thể hơn về cơ chế đặt hàng?

Trước đây, chúng ta giao đề tài chủ yếu là theo nguyện vọng của các nhà khoa học. Các giáo sư, tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu thấy vấn đề này hay có thể làm được thì đề xuất, làm xong, nghiệm thu xong, ứng dụng ở đâu không ai trả lời được. Bây giờ phải tránh việc đó bằng cơ chế đặt hàng. Ai có ý tưởng đều được đề xuất nhưng nghiên cứu chỉ được thực hiện khi có một cơ quan bảo lãnh sử dụng sản phẩm sau nghiên cứu. Đơn vị bảo lãnh phải là bộ, ngành hoặc ủy ban nhân dân các tỉnh, các đơn vị này là những người vừa có tiền vừa có quyền. Ông bộ trưởng hay ông chủ tịch UBND tỉnh một khi đã đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu thì nghiên cứu xong phải nhận lại, đầu tư, ứng dụng kết quả nghiên cứu. Không có chuyện giao xong lại bảo không có tiền đầu tư, ứng dụng. Chính cơ chế đặt hàng buộc các sản phẩm ấy phải có tính thực tiễn, có địa chỉ ứng dụng, kết quả nghiên cứu phải trở thành sản phẩm của xã hội. Chúng tôi hy vọng với bằng ấy chế tài chúng ta sẽ giảm bớt số đề tài bỏ ngăn kéo theo nghĩa xấu, còn đề tài bỏ ngăn kéo theo nghĩa tốt thì kể cả nước Mỹ cũng vẫn làm, không riêng Việt Nam.

Cảm ơn ông.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong