Dạy trẻ khi mới chào đời, tạo nền móng cho tương lai

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm, giai đoạn từ 0- 6 tuổi là giai đoạn “vàng” để phát triển trí tuệ cho trẻ. Kích hoạt sớm những khả năng tiềm ẩn của trẻ trong giai đoạn này sẽ quyết định cả tương lai bé .

Đó là những chia sẻ của TS Nguyễn Minh Đức với hơn 400 bậc cha mẹ trong buổi hội thảo Phương pháp kích hoạt khả năng tiềm ẩn của trẻ trong độ tuổi mầm non do Trung tâm UNESCO Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và hệ thống trường Mầm non Saigon Academy phối hợp tổ chức vào hôm qua 15/7.

Dạy trẻ khi mới chào đời, tạo nền móng cho tương lai
TS Nguyễn Minh Đức và các khách mời trong buổi hội thảo Phương pháp kích hoạt khả năng tiềm ẩn của trẻ trong độ tuổi mầm non.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy tâm lý trẻ em, TS Nguyễn Minh Đức và đơn vị của mình đã đưa Phương án 0 tuổi vào Việt Nam. TS Đức giải thích thêm rằng: trước 2 tuổi là giai đoạn tốt nhất để phát triển tiếng nói và sự gắn bó về tình cảm - xã hội cho trẻ; trẻ có thể nhận biết chữ là trước ba tuổi học đếm trước bốn tuổi. “Phương án 0 tuổi” có tính ưu việt là không ép trẻ học chữ, giải toán trước tuổi mà phát triển tự nhiên theo kiểu cho trẻ chơi, hát có chủ đích, khơi gợi khả năng nhớ, tái hiện, sáng tạo... Như vậy, nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất, tạo tiền đề để tạo nên những cá nhân vượt trội của tương lai.

Dịp này, ông Đức cũng lưu ý các phụ huynh rằng trẻ không được kích thích kiểu này thì cũng bị kích thích kiểu khác. Nếu kích hoạt không đúng phương pháp thì trẻ dễ rơi vào bẫy của những trò chơi công nghệ. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin này, phụ huynh nên cảnh giác khi cho trẻ chơi game trên điện thoại hay máy tính bảng. TS Đức lý giải rằng tư duy của game là tư duy đường thẳng, thường thì những chuyển động của game kèm theo những hiệu ứng xì khói, phát sáng... Điều này không mang lại hiệu quả cho sự phát triển tư duy của trẻ đồng thời cảnh giác đến sự quá liều của những kích thích thị giác, thính giác.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng cho rằng: “Đợi đến khi con 3 tuổi mới dạy con thì chính cha mẹ đã lãng phí cả nghìn ngày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tốc độ phát triển trí não của bé hình thành từ rất sớm. Ngay từ lúc bé sinh ra thì não đã chiếm 25% tỉ trọng não so với người bình thường, khi được 1 tuổi thì đạt 50%; 2 tuổi thì đạt 75% và đến 6 tuổi thì não trẻ đã đạt được sự phát triển toàn diện như não bộ của người lớn. Chính vì vậy, kích thích tiềm năng cho trẻ bằng việc dạy cho trẻ từ 0-6 tuổi là cực kỳ quan trọng”.

 Bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá cao phương án 0 tuổi
 Bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá cao phương án 0 tuổi

Đánh giá cao phương pháp giáo dục sớm từ lúc 0 tuổi nhưng bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở giáo dục TPHCM, phụ trách Khối Mầm non cũng nhận định rằng: Cần phải hiểu giáo dục sớm ở đây là việc chủ động hướng dẫn trẻ tìm hiểu mọi thứ xung quanh một cách linh hoạt, thoải mái thông qua các hoạt động vui chơi, chứ không phải ép trẻ học chữ, làm toán một cách khô khan, cứng nhắc.

Lê Phương