"Đâu phải cứ ôn luyện ở lò mới đậu"

(Dân trí) - Những băng rôn, bảng quảng cáo và các "lò" luyện thi mọc lên nhan nhản đã trở thành hình ảnh xưa cũ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Năm nay, số "lò" luyện thi tại đây giảm rõ rệt, các bảng quảng cáo về "lò" luyện đã không còn.

Nếu như những năm về trước quanh khu vực trường Đại học Hồng Đức - khu vực “nóng” nhất của các "lò" luyện thi tràn lan các lò luyện cấp tốc được mở, học sinh ở khắp các nơi trong tỉnh Thanh Hóa cũng kéo nhau ồ ạt lên thành phố để trọ học ôn thì những năm gần đây đã không còn tình trạng đó nữa. Băng rôn quảng cáo với những lời mời gọi đã mất hẳn.

Đặc biệt năm nay, quanh trường Đại học Hồng Đức chỉ còn duy nhất 2 "lò" luyện thi được đánh giá là chất lượng. Học sinh đến ôn cũng giảm một cách đáng kể so với mọi năm. Khảo sát cho thấy hầu hết các học sinh đến ôn chỉ là những học sinh bị trượt ĐH những năm trước, họ muốn hệ thống lại một số chương trình học chuyên môn, bổ sung những kiến thức mới đồng thời để củng cố tinh thần qua một năm không theo học để bước vào kỳ thi. Trong khi đó, có rất ít số học sinh vừa tốt nghiệp THPT đến lò luyện.

Sĩ tử tập trung thưa thớt trước lò luyện thi ở đường Trương Hán Siêu (TP. Thanh Hóa)
"Sĩ tử" tập trung thưa thớt trước "lò" luyện thi ở đường Trương Hán Siêu (TP Thanh Hóa).

Nguyên nhân khiến các "lò" luyện không còn “hút” khách nữa được các sĩ tử chia sẻ vì được các anh chị đi trước truyền kinh nghiệm rằng mỗi "lò" luyện có hàng trăm học sinh ngồi chật chội trong một phòng học oi bức nhưng chỉ có một giáo viên dạy khiến cho chất lượng bài được tiếp thu không cao, kiến thức mà các thầy cô tại các "lò" luyện đưa ra cũng không mới, nhiều dạng đề đã có trong sách bồi dưỡng.

Hơn nữa, việc giảm "lò" luyện nhưng giá mỗi môn học lại tăng lên cũng khiến các “sĩ tử” e dè hơn. Những học sinh quê nghèo không dám bỏ ra một khoản tiền lớn khi chưa chắc chắn được kết quả ôn luyện sẽ thế nào.

Hầu hết những sĩ tử đến các lò luyện là những sĩ tử thi lại đại học
Hầu hết những "sĩ tử" đến các "lò" luyện là những "sĩ tử" thi lại đại học.

Năm nay, giá của mỗi buổi học tại các "lò" luyện trung bình cũng 15.000đ/ca, các môn học buổi tối như Toán, hoặc Vật Lý có giá 20.000đ-25.000đ/ca, Hóa học có giá 10.000đ - 15.000đ/ca. So với những năm trước giá đã tăng lên gấp rưỡi cho mỗi môn.

Em Lê Thị Huyền Trang, quê Hoằng Hóa, tâm sự: “Em có lên học được mấy hôm nhưng lớp đông quá, giữa cái nắng 37, 38 độ nhưng phải “hành xác” trong một căn phòng lợp tôn chật chội chỉ có vài cái quạt nên tiếp thu bài rất khó mà phí cho mỗi buổi học lại cao nên em không theo nữa mà ở nhà tự ôn luyện”.

Sĩ tử mới tốt nghiệp THPT tại Thanh Hóa năm nay đánh giá cao việc tự ôn luyện bằng sách bồi dưỡng và ôn qua mạng internet vì thế việc chọn “lò” ôn thi cấp tốc để có được một ghế giảng đường đã không còn là lựa chọn của nhiều học sinh.

Lượng sĩ tử kéo nhau lên thành phố để vào lò luyện thi giảm nhiều so với những năm trước
Lượng "sĩ tử" kéo nhau lên thành phố để vào "lò" luyện thi giảm nhiều so với những năm trước.

Em Bùi Sỹ Hùng, quê Quảng Xương, khẳng định: “Đâu phải cứ ôn luyện ở lò mới đậu. Thi Đại học là một quá trình học với hệ thống kiến thức được nuôi dưỡng từ rất lâu dài chứ không phải lên “lò” luyện là có được. Thầy cô giáo ở “lò” luyện cũng chỉ là người hệ thống lại kiến thức và ôn luyện vào những kiến thức trọng tâm, cơ bản chứ không phải là người phán đoán đề thi. Không những thế, sự phát triển mạnh mẽ của internet, các bài giảng trực tuyến, các khóa học online, cùng với một kho tài liệu trên mạng rất bổ ích để chúng em tham khảo”.

“Hầu hết bạn bè của em đều chọn cách ôn bài từ mạng internet chứ không đổ xô lên thành phố tìm “lò” ôn như các anh chị những năm về trước. Bản thân em cũng tìm tòi những tài liệu ôn thi đại học ở trên mạng để tự học. Em nhận thấy nhiều tài liệu rất hay và sát với chương trình thi đại học”.

Nguyễn Thùy

Dòng sự kiện: “Lò” luyện vào mùa