Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

(Dân trí) - Nhân dịp đầu xuân, PV <i>Dân trí</i> đã có cuộc trò chuyện với lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh, thành trong cả nước về kế hoạch chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2013.

Bà Nông Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Cao Bằng: “Cùng Đoàn Thanh niên tập trung xây dựng nhà bán trú dân nuôi”
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Cao Bằng là một tỉnh miền núi với hơn 95% dân số là người dân tộc thiểu số nên công tác khuyến học gặp không ít khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có ít các khu công nghiệp, ít doanh nghiệp lớn dẫn đến nguồn Quỹ Hội Khuyến học quyên góp còn hạn hẹp.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Cao Bằng Nông Thị Ngọc Dung cho biết: Trong năm 2012, Quỹ đã khen thưởng được gần 2.000 học sinh giỏi các cấp với trị giá trên 1 tỷ đồng; toàn tỉnh hỗ trợ gần 400 học sinh nghèo vượt khó với số tiền gần 130 triệu đồng.

Bên cạnh đó Hội còn hỗ trợ mua chăn màn, chiếu, xô, chậu... giúp đỡ kí túc xá học sinh, hỗ trợ học sinh mồ côi đi thi đại học, xây dựng trường lớp...

Hội Khuyến học tỉnh Cao Bằng cũng đã nhận được 6.480 cuốn vở từ Chương trình ''Một triệu cuốn vở...'' của báo Dân trí trao về 12 huyện.

Đối với những học sinh là người dân tộc thiểu số còn thiếu thốn sách bút, quần áo..., Hội cũng đã có sự hỗ trợ kịp thời, đặc biệt vào mùa đông giá rét với số tiền hơn 300 triệu đồng; Tỉnh đoàn Thanh niên còn xây dựng nhà bán trú dân nuôi hơn 2 tỷ đồng.

Năm 2013, Hội khuyến học tỉnh Cao Bằng sẽ chú trọng hơn nữa đến việc khen thưởng đối với các em là học sinh giỏi cấp quốc gia, và các em là người dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt để khuyến khích, động viên kịp thời giúp các em học tập tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Mễ - Chủ tịch Hội Khuyến học Thừa Thiên-Huế: "Sẽ tiếp tục quan tâm đến trường dân tộc nội trú"
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Trong năm, Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát triển thêm 79 chi hội, 120 ban khuyến học, đưa tổng số chi hội lên 1.680.

Về hỗ trơ,å giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số, huyện A Lưới đã khen thưởng 54 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học chính quy, 9 em trúng tuyển vào các trường phổ thông chất lượng cao; vận động các ngành, đoàn thể hỗ trợ trao học bổng tới 305 em. Huyện Hội Nam Đông - một huyện miền núi cũng trao học bổng và các khoản hỗ trợ khác cho 359 học sinh, sinh viên nghèo.

Sau nhiều năm phấn đấu, từ chỗ không có học sinh nào là con em các đồng bào dân tộc thiểu số thi đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng chính quy, thì hiện nay đã huyện đã có 27 em. Cấp xã thuộc 2 huyện A Lưới, Nam Đông cũng trao thưởng và học bổng cho hơn 5.000 lượt học sinh nghèo và các em có thành tích học tập tốt với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.

Tại Nam Đông, Tỉnh Hội đã hỗ trợ các trường mầm non mở lớp bồi dưỡng tiếng Việt trong mùa hè dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, chuẩn bị cho các cháu vào cấp 1.

Hội cũng tích cực phối hợp với các đoàn thể để tăng cường sự hỗ trợ qua các Quỹ học bổng Vừ A Dính, Quỹ Học bổng Nguyến Thị Định, Quỹ học bổng Mai Vàng...

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Mễ cho biết: Năm 2013, Tỉnh Hội sẽ quan tâm hơn các trường dân tộc nội trú của tỉnh, 2 huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và tiếp tục hỗ trợ việc bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh mầm non là người dân tộc thiểu số cũng như tăng cường các hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Ông Trần Xuân Bí - Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An: Năm 2013, tập trung giúp học sinh bỏ học quay lại trường
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Năm 2012, Hội Khuyến học tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các cấp hội để duy trì trang ''Khuyến học Nghệ An'' trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An, chuyên trang ''Khuyến học trên báo Nghệ An'', tập san Khuyến học Nghệ An và kỷ yếu Khuyến học Nghệ An, phối hợp với Đài Phát thanh, Truyền hình Nghệ An mở chuyên mục ''Nghệ An - Đất học'', Hội khuyến học các cấp từ tỉnh đến các địa phương đều tích cực đón đọc báo Khuyến học và Dân trí, tham gia viết và cung cấp tin, bài, ảnh cho đài, báo thông qua đó để tuyên truyền, giáo dục, động viên, nêu gương người tốt, việc tốt của học sinh, sinh viên; cán bộ, hội viên, gia đình, dòng họ và các cấp hội; Triển khai có hiệu quả các chủ đề thi đua khuyến học: ''Tết Khuyến học Nghệ An'', ''Tháng khuyến học Nghệ An'' lần thứ 9, tổ chức tốt việc đăng ký, bình bầu danh hiệu thi đua khuyến học.

''Năm 2013, Hội Khuyến học Nghệ An đưa ra nội dung khuyến học giúp học sinh bỏ học quay lại trường, phối hợp với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu giáo chức, năm qua Hội trích hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ các em học sinh bỏ học trở lại trường. Học sinh ở vùng dân tộc thiểu số đi lại quá khó khăn, nên việc hỗ trợ các em là cần thiết. Chúng tôi cân đối Quỹ Khuyến học cho 6 huyện làm phần thưởng khuyến học cho các cháu'', Chủ tịch Hội khuyến học Nghệ An Trần xuân Bí chia sẻ.

Ông Trần Hồng Thái - Chủ tịch Hội Khuyến học Kon Tum: “Vận động 3.000 suất học bổng giúp học sinh nghèo năm 2013”
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với truyền thống hiếu học sẵn có, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục, khuyến học.

Năm 2012, Tỉnh Hội đã trao 478 suất học bổng (mỗi suất trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng), 6.200 cuốn vở, giúp trường bán trú Pô Kô 01 giếng khoan trị giá: 158 triệu đồng, trao tặng áo ấm giúp học sinh các trường khó khăn. Năm 2013, Hội Khuyến học Kon Tum phấn đấu xây dựng Quỹ Khuyến học toàn tỉnh đạt 2 tỷ đồng/năm để tăng số lượng học bổng trao cho học sinh nghèo và khen thưởng giáo viên, học sinh giỏi.

Hội Khuyến học Kon Tum có 48 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở đó rất thiếu thốn. Hội phấn đấu năm 2013 vận động được khoảng 3.000 suất học bổng giúp học sinh những địa phương này, hạn chế việc học sinh bỏ học. Ngoài ra, Hội cũng đang liên hệ với một số tổ chức nước ngoài như: Hội giúp đỡ người Việt tại Pháp (Tổ chức AAVI), Quỹ học bổng Lá xanh, Mai vàng (Tổ chức Nhật ngữ Đông Du) giúp đỡ các cháu quần áo, sách vở, trang thiết bị, dụng cụ trường học.

Bà Phạm Thị Bích Lựa - Chủ tịch Hội khuyến học Quảng Bình: “Một hình thức mới đã trở thành phong trào ở các địa phương đó là Liên hoan Tiếng hát khuyến học”

 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Năm 2012, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình duy trì và phát triển rộng khắp các mô hình ''Tiếng trống khuyến học'', ''Cùng bạn vui Tết'', ''Tiếp sức đến trường''... Năm qua, các cấp hội đã trao 6.076 suất học bổng giúp đỡ học sinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người với số tiền trên 3 tỷ đồng, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ trang bị phòng máy vi tính, tủ sách, xây dựng trường học, lớp học 4,3 tỷ đồng.

Với những hoạt động trong năm vừa qua, Hội đã vận động được 650 học sinh bỏ học trở lại trường, hạn chế hàng ngàn học sinh có nguy cơ bỏ học, hàng trăm học sinh lưu ban, học sinh cá biệt...

Ngoài các hình thức đã có như vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đóng góp của nhân dân, học bổng 1+1, 1+ n; phong trào ''Heo đất khuyến học'', ''VAC khuyến học'', ''Đàn ong khuyến học'', ''Đàn trâu khuyến học'',... còn có một hình thức mới và đã trở thành phong trào ở các địa phương, đó là ''Liên hoan Tiếng hát khuyến học''.
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Bình Phạm Thị Bích Lựa cho biết: ''Năm 2013, Hội Khuyến học tỉnh sẽ chỉ đạo các huyện có đồng bào dân tộc ít người tập trung quan tâm hơn nữa trong các hoạt động như tuyên truyền nâng cao nhận thức về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong nhân dân, quyết tâm xóa các bản trắng tổ chức hội và hội viên Hội Khuyến học, cấp học bổng cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, tăng 30% so với năm 2012, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, làm các cầu treo, đường từ bản đến trường cho các em được đi học thuận lợi''.

Ông Trần Trọng Quyết - Chủ tịch Hội Khuyến học Điện Biên: “Phấn đấu nhân rộng mô hình Tiếp sức em đến trường”
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Tính đến hết năm 2012, Hội Khuyến học Điện Biên có 9/9 huyện có hội khuyến học, 112 xã có hội khuyến học, 100% trường học có hội khuyến học, 1.280/1.483 thôn, bản có hội khuyến học.

Năm qua Hội đã cấp học bổng cho 1.512 học sinh nghèo (500.000 đ/suất), 84 em học sinh dân tộc thiểu số và vùng nông thôn thi đỗ đại học (đủ điểm sàn trở lên, sống ở vùng nông thôn, không phải con em cán bộ) mỗi em 1 triệu đồng.

30 trường có học sinh bán trú dân nuôi được hỗ trợ gạo ăn trong tháng giáp hạt (tháng 3, tháng 4) với tổng số tiền 300 triệu đồng.

''Năm 2012, Hội Khuyến học Điện Biên bắt đầu phát động Chương trình ''Tiếp sức em đến trường'', kêu gọi các nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh giúp đỡ các em học sinh nghèo của huyện Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, giúp đỡ các em chăn, áo ấm và trao học bổng. Trong năm 2013, Hội Khuyến học Điện Biên tiếp tục thực hiện Chương trình ''Tiếp sức em đến trường'' ở Ma Thì Hồ và sẽ phấn đấu để có thể nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh, mỗi huyện chọn một xã làm điểm'', Chủ tịch Hội Khuyến học Điện Biên Trần Trọng Quyết chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Bưu - Hội khuyến học Thanh Hóa: “Năm 2013 sẽ có nhiều hoạt động giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số”
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Trong năm 2012, Hội Khuyến học Thanh Hóa đã giúp đỡ được 28.873 học sinh có nguy cơ bỏ học được trở lại lớp; vận động 1.352 họcc sinh đã bỏ học trở lại lớp; 1.867 học sinh khuyết tật đến lớp; 7.269 giáo viên dạy thêm không thu tiền giúp 63.736 học sinh nghèo.

Về công tác quản lí học sinh ở các khu dân cư, các Chương trình như ''Tiếng trống khuyến học'', ''Tủ sách khuyến học''; xây dựng ''Góc học tập cho học sinh''... cũng được Hội chú trọng quan tâm. Cùng đó Quỹ Khuyến học cũng trao 30.114 suất học bổng với trị giá 16.524 triệu đồng cho học sinh các cấp.

Chủ tịch Hội Khuyến học Thanh Hóa, Nguyễn Đình Bưu cho biết: ''Với số dư Quỹ khuyến học chuyển sang năm 2013 là 90 tỷ đồng, Hội Khuyến học Thanh Hóa sẽ có nhiều hoạt động giúp đỡ trẻ em vùng sâu, vùng xa là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa bàn khó khăn như: Mường Lát, Bá Thước, Cẩm Liên, Cẩm Thủy... Mới đây có 660 suất học bổng được trao, thì Hội đã dành đến 450 suất cho vùng sâu, vùng xa là con em đồng bào các dân tộc thiểu số''.

Ông Ngô Minh Thúy - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Gia Lai: Ưu tiên học sinh dân tộc thiểu số nhận “Một triệu cuốn vở...”
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh
 
 
Trong năm qua, tuy tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng các cấp Hội vẫn vận động được các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân... ủng hộ, trao tặng, giúp đỡ cho hàng nghìn học sinh nghèo vượt khó trong toàn tỉnh. Hội đã phối hợp với báo Dân trí tặng 480 áo sơ mi cho học sinh dân tộc thiểu số; các quỹ Học bổng Lá Xanh, Mai Vàng, Phú Mỹ Hưng, KH Gia Lai và Techcombank cấp trực tiếp cho học sinh các huyện: 122.880.000 đồng; 6.960 cuốn vở. Ngoài ra, Tỉnh Hội cũng đã cấp 5.549 suất học bổng giúp đỡ các em học sinh, với số tiền là 809,2 triệu đồng, 27.760 quyển vở, 1.242 áo, 120 xe đạp và 320 cặp sách.
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Hội luôn dành phần lớn các phần quà của nhà tài trợ như quần áo, sách vở, xe đạp... giúp đỡ các em học sinh dân tộc thiểu số. Hội còn mở rộng các đối tượng giúp đỡ thêm các em học sinh dân tộc thiểu số có học lực khá hoặc trung bình khá để khuyến khích các em có thêm động lực đến trường. Năm vừa qua, khi báo Dân trí phát động Chương trình ''Một triệu cuốn vở...'', Hội Khuyến học tỉnh đã ưu tiên giới thiệu để Chương trình tặng vở những trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số...

Ông Hà Ngọc Đào - Chủ tịch Hội Khuyến học Đắk Lắk: “Đẩy mạnh công tác khuyến học trong trường học”
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Chủ tịch Hội Khuyến học Đắk Lắk Hà Ngọc Đào cho biết: ''Suốt chặng đường 10 năm trong chiến tranh tôi đã có thời gian gắn bó với các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay lại đảm nhiệm công việc khuyến học, khuyến tài ở một tỉnh miền núi nên thấu hiểu sâu sắc cuộc sống khó khăn của các em. Chính vì vậy, trong năm 2012, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học trong trường học”. Hàng năm các trường đều tổ chức tuyên dương khen thưởng các em học sinh nghèo vượt khó, học sinh học giỏi với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Hội Khuyến học trường THPT Chu Văn An, Hồng Đức... và 6 trường THPT huyện Krông Pắc hoạt động phong phú, năm nào cũng được UBND huyện và Hội Khuyến học tặng giấy khen).

Trong năm qua, Hội Khuyến học Đắk Lắk cũng trao hàng ngàn suất Học bổng Y Ngông Niê Kdăm - Học bổng mang tên cố nhà giáo nhân dân, bác sỹ người dân tộc Ê đê - người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên. Hội cũng thường xuyên hỗ trợ học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học ở huyện Cư Mgar.

Về công tác khuyến học ngoài nhà trường, tỉnh đã xây dựng được 184/185 xã có trung tâm học tập cộng đồng. Đến tháng 10/2012, toàn tỉnh có 103.436 gia đình đăng kí phấn đấu trở thành gia đình hiếu học, tăng 2.199 gia đình so với năm 2011, một nửa trong số đó được công nhận gia đình hiếu học. Có 175 tổ chức khuyến học bao gồm dòng họ khuyến học, hội đồng hương khuyến học, tổ chức tôn giáo khuyến học đăng kí trở thành đơn vị khuyến học. Trong đó các đơn vị làm tốt phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học đó là: TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc, Krông Ana, Ea Kar, Cư Mgar, Buôn Đôn.

Ông Lâm ES - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng: “Hỗ trợ gần 1.000 học sinh Khmer chi phí ăn ở và học tập”
 
Đầu năm, xông đất hội khuyến học các tỉnh

Trong năm 2012, Hội khuyến học tỉnh Sóc Trăng đã chú trọng, quan tâm đến việc học của con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh dân tộc Khmer, với số lượng hơn 30% học sinh các cấp được nhận học bổng là người dân tộc Khmer, Hội Khuyến học tỉnh còn hỗ trợ gần 1.000 em học sinh toàn bộ chi phí về ăn ở và học tập.

Nhà giáo nhân dân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng Lâm ES - cho biết: Trong năm 2012, Tỉnh Hội đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ Hội; vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp. Kết quả đạt được: Tổng số học sinh người dân tộc học trung học phổ thông là 70.000 em; sinh viên học cao đẳng, đại học trên 3.000 em.

Bên cạnh việc vận động học sinh đi học, Hội Khuyến học còn chú trọng trao học bổng để ghi nhận những thành tích các em đã đạt được để động viên để các em cố gắng học tốt hơn. Trong năm 2013, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quan tâm đến học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh ở các trường dân tộc nội trú để duy trì tốt nghiệp đạt 95% trở lên. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn điển hình, Hội cũng đề ra những phương án xác minh để giúp đỡ kịp thời giúp các em có thêm điều kiện học tập.

Nhóm PV