Công khai, dân chủ trong đề bạt, bổ nhiệm trí thức

(Dân trí) - Từ cổ xưa, trí thức đã được coi là nguyên khí quốc gia thì giờ đây, khi thế giới bước vào giai đoạn bùng nổ KHKT, vai trò của trí thức càng cực kỳ quan trọng. Nó quyết định sự hưng vong, không chỉ của một dân tộc mà của toàn nhân loại.

Đối với nước ta, việc tiến hành CNH, HĐH có thành công hay không, phụ thuộc vào đội ngũ trí thức. Không có đội ngũ trí thức hùng mạnh, không thể hoàn thành CNH, HĐH. Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (Khoá X) vừa ra Nghị quyết Về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Thạc sĩ Hà Văn Thạch về vấn đề này.  

Tạo môi trường thuận lợi  

Là lãnh đạo của một tỉnh có truyền thống hiếu học, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về công tác đào tạo và bồi dưỡng trí thức thời gian qua? 

Cha ông ta từng nói: Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia. Tuy nhiên nguyên khí đó không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều phải qua một quá trình vun đắp bồi dưỡng. ý thức được điều đó, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh luôn quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài, đoàn kết tập hợp đội ngũ trí thức. Nhờ vậy Hà Tĩnh tự hào là một trong mười tỉnh, thành dẫn đầu về giáo dục và đào tạo trong cả nước. Liên tục 9 năm qua, Hội Khuyến học tỉmh được xếp vào hàng xuất sắc toàn quốc. Hà Tĩnh cũng là một tỉnh có đội ngũ trí thức đông đảo không chỉ trong tỉnh mà có mặt hầu khắp các lĩnh vực trên mọi miền đất nước.  

Hiện đang có tình trạng hàng loạt công chức nhà nước có năng lực bỏ ra làm bên ngoài. Hà Tĩnh có xẩy ra hiện tượng này không? Về lâu dài, tỉnh có biện pháp gì để đối phó với tình trạng này?  

Đối với Hà Tĩnh, dù anh làm việc ở cương vị nào, nếu thực sự có tài, có sự đóng góp tốt cho quê hương, đất nước đều được trọng dụng. Tất nhiên không thể tránh khỏi đôi nơi, đôi lúc còn có sự kèn cựa, bè phái dẫn đến việc cân nhắc, đề bạt thiếu chuẩn xác.

Ở Hà Tĩnh, số người bỏ công việc trong các cơ quan Nhà nước là không đáng kể. Tuy nhiên, số trí thức có năng lực xin chuyển công tác về các tỉnh, thành, các trung tâm lớn trong nước để có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn cũng không phải là ít. Để hạn chế tình trạng này, Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương thu hút, giữ chân đội ngũ trí thức, đặc biệt là chúng tôi vừa có Quyết định số 10/2008 QĐ-UBND ngày 12/3/2008 về chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2008-2012. Đây là một chủ trương hết sức ưu đãi, thông thoáng, trong điều kiện kinh tế tỉnh nhà còn khó khăn. Đồng thời Hà Tĩnh cũng đang có những nỗ lực lớn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập, đồng thời tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho trí thức cống hiến và trưởng thành.  

Không ưu đãi nhất thời mà tạo cơ hội 

Là một trong những tỉnh có số lượng trí thức bậc cao đứng đầu trong cả nước. Thế nhưng theo chúng tôi được biết, hiện Hà Tĩnh đang lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng các cán bộ khoa học, đặc biệt là cán bộ chuyên ngành. Vì sao vậy thưa ông?  

Theo số liệu điều tra của Liên hiệp các Hội KH&KT, Hà Tĩnh có 504 tiến sĩ, 118 GS, 78 PGS đang công tác trên các lĩnh vực, các tỉnh thành trong nước. Đây là niềm tự hào của tỉnh và là một đóng góp đáng kể của Hà Tĩnh vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức bậc cao làm việc tại Hà Tĩnh lại không nhiều và đúng là chúng tôi đang thiếu các chuyên gia giỏi, nhất là ở các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoại ngữ, tin học. Điều này cũng dễ hiểu vì Hà Tĩnh là nơi có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả chiến tranh nặng nề, dẫn đến kinh tế chậm phát triển, chưa có các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, trung tâm công nghiệp lớn để thu hút trí thức, cho nên khi bắt đầu phát triển, hội nhập thì việc thiếu cán bộ, chuyên gia giỏi là lẽ đương nhiên. Hy vọng rằng, những chính sách chiêu hiền, đãi sĩ của tỉnh và sự thành công của các chương trình, dự án kinh tế trọng điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng đội ngũ này trong những năm tới.  

Có một thực tế không chỉ ở Hà Tĩnh, đó là rất nhiều nhà khoa học không muốn về quê dù quê hương "trải thảm đỏ" . Phải chăng những ưu đãi với họ là chưa đủ? Ông nghĩ gì khi có người nói "trải thảm đỏ" chẳng qua là cách làm hình thức, có tính  "phong trào" hơn là thực tê?  

Đối với vấn đề này Hà Tĩnh có cách nhìn thông thoáng hơn. Chúng tôi quan niệm rằng làm việc ở đâu cũng là cống hiến cho quê hương, đất nước. Nhiều khi, những người ra đi lại có những đóng góp, cống hiến rất lớn cho sự phát triển của quê hương. Còn những chính sách thu hút nhân tài của chúng tôi hoàn toàn không phải là phong trào. Như tôi đã nói, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như Hà Tĩnh, những chính sách ấy là hết sức ưu đãi, thông thoáng. Tuy nhiên, sự ưu đãi không bao giờ có thể đủ và nhiều trí thức đã trở về không hẳn vì những ưu đãi đó. Nhiều khi tấm lòng yêu quê hương, vì sự phát triển của quê hương đã thôi thúc họ. Cái chúng tôi đang nỗ lực thực hiện là bố trí sử dụng đúng, tạo môi trường thuận lợi nhất cho họ cống hiến, học tập, an tâm công tác để họ cảm thấy hạnh phúc khi công tác tại quê nhà chứ không chỉ là những ưu đãi mang tính chất nhất thời.  

Không ít trí thức không muốn về quê hương chỉ vì lo sợ trước môi trường làm việc tù túng, bí bách kiểu "ao bé - tỉnh lẻ". Đặc biệt là họ nhìn vào sự "Trọng và Dụng" đối với những trí thức đang làm việc ở địa phương. Tỉnh Hà Tĩnh có gặp trở ngại này không và nếu có, tỉnh sẽ làm gì để cải thiện "môi trường" cho trí thức?  

Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, theo tôi quan niệm về "ao bé - tỉnh lẻ" chỉ là tương đối. Nếu quan niệm như vậy tôi e rằng sẽ không có người giỏi làm việc tại Việt Nam, họ sẽ ra nước ngoài tất. Đối với Hà Tĩnh, dù anh làm việc ở cương vị nào, nếu thực sự có tài, có sự đóng góp tốt cho quê hương, đất nước đều được trọng dụng. Tất nhiên không thể tránh khỏi đôi nơi, đôi lúc còn có sự kèn cựa, bè phái dẫn đến việc cân nhắc, đề bạt thiếu chuẩn xác. Để hạn chế điều này, chúng tôi đang đẩy mạnh việc công khai, dân chủ trong đề bạt, bổ nhiệm đồng thời xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường thuận lợi cho mọi trí thức cống hiến và trưởng thành.  

Đã và sẽ là "cái nôi" đào tạo trí thức 

Hà Tĩnh là tỉnh được đánh giá đang phát triển hết sức năng động, đặc biệt là những chương trình, dự án lớn như: Khu Kinh tế Vũng áng, Cảng Sơn Dương, Khai thác sắt Thạch Khê... Kèm theo đó là sự đòi hỏi cần phải có một nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là đội ngũ trí thức bậc cao. Tỉnh đã có những khởi động gì cho kế hoạch này?  

Đây là một câu hỏi rất thú vị. Chúng tôi cho rằng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nếu không kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động thì Hà Tĩnh sẽ bị thất bại trên sân nhà. Để tránh điều này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị khá chu đáo. Trước hết là sự ra đời của Trường Đại học Hà Tĩnh. Đây là một cố gắng lớn để tạo điều kiện đào tạo, bổ sung đội ngũ trí thức. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường công nhân kỹ thuật, dạy nghề trong tỉnh. Chúng tôi cũng đang cho điều tra khảo sát nhu cầu nhân lực đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, trí thức bậc cao để đào tạo và gửi đi đào tạo trong và ngoài nước. Hy vọng rằng với nền dân trí cao, nền giáo dục và đào tạo phát triển cùng sự chuẩn bị tích cực của các ngành các cấp, Hà Tĩnh sẽ có đủ nguồn nhân lực và đội ngũ trí thức phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá quê hương, đất nước. 

Muốn có trí thức, trước hết phải có chiến lược phát triển giáo dục, đồng thời với nó là đẩy mạnh công tác khuyến học - khuyến tài. Tỉnh đã và sẽ làm gì với công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập? 

Như trên tôi đã nói, Hà Tĩnh tự hào là một trong mười tỉnh dẫn đầu cả nước về GD&ĐT. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ thoả mãn với điều đó. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2010. Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạnh công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Gần 10 năm qua, công tác khuyến học đã rất thành công; từ tỉnh đến cơ sở, gia đình, dòng họ đều có quỹ khuyến học với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Những học sinh có tài năng, những học sinh nghèo vượt khó học giỏi đều được xã hội quan tâm nâng đỡ. Về điều này, chúng tôi cũng ghi nhận sự quan tâm của báo Khuyến học & Dân trí cùng Dân trí điện tử qua chương trình "Quỹ Nhân ái", Học bổng của Quỹ Khuyến học Việt Nam đã đến với nhiều gia đình đặc biệt khó khăn và các em học sinh nghèo. Hà Tĩnh hiện nay đã xây dựng được hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng đến tận phường xã. Việc xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào bền vững sâu rộng. Trong những năm gần đây số học sinh vào đại học ngày càng tăng (năm học 2006-2007 là 7.720 em). Hà Tĩnh đã và sẽ tiếp tục là cái nôi đào tạo trí thức không chỉ cho tỉnh nhà mà góp phần hữu ích cho cả nước. 

Xin cảm ơn ông đã dành cho bản Báo cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở. 

Bùi Hoàng Tám (thực hiện)