“Cô tiên” của trẻ em khiếm thính

Hơn 5 năm nay, hàng chục trẻ em khiếm thính đã được chị Vũ Thanh Thủy (giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu tại Chi hội Điếc Hà Nội) dạy dỗ, dìu dắt để hòa nhập với cộng đồng.

Đến với ngôn ngữ ký hiệu một cách tình cờ và ngẫu nhiên trở thành giáo viên dạy môn học này, nhưng tình yêu trẻ cộng với sự đồng cảm đã khiến chị Thanh Thủy gắn bó với công việc. Hơn 5 năm nay, hàng chục trẻ em khiếm thính đã được chị dạy dỗ, dìu dắt để hoà nhập với cộng đồng. Nhiều người mỗi khi nhắc đến chị đều gọi chị bằng một cái tên thân thương: Cô tiên của trẻ em khiếm thính!

Bắt đầu biết tới ngôn ngữ ký hiệu trong một lần tham gia tình nguyện cùng một nhóm bạn tại Chi hội Điếc Hà Nội năm 2003, khi đó Thanh Thủy đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Văn hóa. Một thành viên trong chi hội phát hiện khả năng sư phạm của Thủy đã giới thiệu chị làm giáo viên dạy cho hai em nhỏ bị điếc. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, hai em nhỏ được chị kèm cặp đã có tiến bộ rõ rệt. Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh có con em bị điếc đều tìm đến nhờ chị dạy giúp. Vậy là từ một người hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ ký hiệu, chị Thủy lại trở thành một giáo viên dạy chính ngôn ngữ này. Chị tâm sự: “Từ bé chưa bao giờ tôi nghĩ lớn lên mình sẽ làm giáo viên, thế mà không biết số phận đưa đẩy thế nào lại đi theo nghiệp này. Có lẽ đấy là “duyên tiền định” mất rồi”.

Công việc đòi hỏi sự kiên trì tuyệt đối

Dạy học vốn là công việc cần rất nhiều đến sự nhẫn nại và tập trung nhưng dạy cho trẻ điếc thì điều này lại càng quan trọng hơn. “Học sinh” của chị ngoài những em bị điếc còn có cả những em bị bệnh tự kỷ (vẫn có khả năng nghe nói bình thường nhưng do trí não chậm phát triển nên khả năng nhận thức kém). Đối với những em như vậy, việc giảng dạy thường mất nhiều thời gian và công sức hơn. Muốn các em ghi nhớ một điều gì, chị luôn phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. “Có như vậy mới tạo thành thói quen nhận thức cho các em”. Nhiều trường hợp các em bị điếc nhưng lại hoàn toàn có khả năng phát âm bình thường, nhưng do gia đình không phát hiện sớm, các em không được luyện nói nên cơ hàm và hệ thống phát âm bị trơ cứng. Khi dạy, chị vừa dùng ngôn ngữ ký hiệu, vừa phải kết hợp với khẩu hình miệng để dạy các em phát âm cho quen.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn là việc tiếp cận được với các em. Phần lớn những em nhỏ khi đến với chị đều trong tình trạng khủng hoảng, ngại tiếp xúc với người lạ. Việc không được giao tiếp khiến các em bị ức chế, sinh ra cáu bẳn, phá phách. Nhiều cháu chỉ cần thấy người lạ đã cào cấu, đập vỡ đồ đạc lung tung. Một lần đến dạy cho một cháu ở khu Cầu Giấy, vừa tiếp chuỵên chị, bố mẹ cháu nói luôn: “Cô giáo phải hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng, cháu nó hay cáu kỉnh và phá phách lắm”. Thậm chí lúc chị Thủy vào dạy, người mẹ phải đứng trực ở ngoài để sẵn sàng “giải cứu”. Sau hôm đầu, cháu phản ứng rất ghê, hôm sau thấy chị vẫn đến như thường lệ, gia đình họ rất ngạc nhiên vì tưởng chị đã “sợ” và bỏ dạy rồi. Rồi dần dần cháu bé cũng quen, không phản ứng nữa và bắt đầu học.

Nhiều phụ huynh chứng kiến cảnh chị dạy học đã phải thốt lên: “Chúng tôi chưa từng thấy ai nhẫn nại và chịu đựng giỏi như cô Thủy. Ngay cả chính bản thân tôi là mẹ cháu mà cũng nhiều lúc không chịu được phải phát cáu và đánh con. Thế mà trong suốt thời gian dạy, chưa một lần thấy cô tỏ thái độ khó chịu với cháu”. Lý giải điều này, chị Thủy chỉ nói một câu ngắn gọn: “Muốn dạy được bọn trẻ, trước hết mình phải trở thành bạn chúng đã. Ai cũng từng trải qua một thời con trẻ mà, chỉ cần đặt mình vào địa vị các em và cố gắng hiểu tâm lý chúng một chút là được, nhất là trẻ khiếm thính, các em bị thiệt thòi nhiều nên hay cáu gắt cũng là dễ hiểu”.

“Người như cô Thủy bây giờ ít quá...”

Hiện nay ở Chi hội Điếc Hà Nội, ngoài chị Thủy và anh Tiến (thông dịch viên của chi hội) không còn ai có khả năng phiên dịch cũng như dạy ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng người có thể dạy cho trẻ điếc thật sự hiệu quả thì chỉ có mình chị Thủy. Chị Nguyệt (quận Cầu Giấy), phụ huynh của em Hoàng Linh - một học sinh được chị Thủy dạy dỗ tâm sự: “Trước khi gặp được cô Thủy, vợ chồng tôi đã đưa cháu đi khắp mọi nơi từ Bắc vào Nam để tìm người chữa bệnh cho cháu nhưng không được. Suốt một thời gian dài, hai vợ chồng chỉ biết ôm con mà khóc. Chúng tôi cũng đã nhờ cả những chuyên gia của khoa Giáo dục đặc biệt trường ĐH Sư phạm Hà Nội về dạy cho cháu nhưng vẫn không có hiệu quả. Thế mà chỉ sau một thời gian ngắn được cô Thủy dạy, cháu đã có thể giao tiếp bình thường với những người trong gia đình.”

Hiện nay, chị Thủy đang là giáo viên phụ trách mảng “Can thiệp sớm” và phục hồi chức năng cho trẻ Điếc tại Chi hội Điếc Hà Nội. Ngoài việc đến dạy tại nhà, chị còn tham gia giảng dạy tại nhiều trung tâm, câu lạc bộ dành cho trẻ khuyết tật ở Hà Nội. Tất cả những công việc ấy chị đều làm từ thiện không lấy tiền. Ngay cả việc dạy tại hộ gia đình, việc trả tiền là do phụ huynh các em đề ra.

“Hiện nay, trong số những đối tượng khuyết tật khác như khuyết tật vận động hay khiếm thị thì người điếc thiệt thòi hơn rất nhiều. Khó khăn nhất đối với người điếc là thiếu những tài liệu, thông tin về tình trạng và những phương pháp chữa trị cũng như hỗ trợ thích hợp. Việc làm của những người như chúng tôi chỉ là những hành động vô cùng nhỏ bé, còn trong tương lai, người điếc cần có được nhiều sự quan tâm hơn nữa để họ cải thiện cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng” – chị Thủy khẳng định.

Theo Hồng Qúy
Kinh tế và đô thị