“Cô ngoại ngữ” của học trò làng phong

(Dân trí) - Hơn một năm nay, cô giáo gần tuổi lục tuần cứ tuần hai ngày đi bộ xuyên hầm tàu hỏa, cắt núi thả dốc dựng đứng mà đi xuống, vượt đường hơn 1 giờ đồng hồ đến với các học trò làng phong (thôn Hòa Vân, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Cô mong muốn “bày vẽ” cho các em thêm chút kiến thức về môn học Anh văn khi các em bước vào cấp II. Dù đã nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Quảng (cựu giáo viên của trường THCS Hải Vân, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) luôn hướng về các em học sinh có hoàn cảnh thiệt thòi.

“Cô ngoại ngữ”

“Các em học sinh ở làng phong không có điều kiện để học tiếng Anh, nên khi vào học cấp II Nguyễn Thái Bình trong TP, các em thường bị thua kém với bạn bè”. Từ ý nghĩ này, cô Quảng đến đăng ký với Hội Khuyến học TP Đà Nẵng xin được ra dạy tiếng Anh từ thiện cho các học trò làng phong.

Học trò làng phong chủ yếu là cấp I, không đông nên cô Quảng ghép 3 lớp vào chung để dạy. Cả ba lớp 3, 4 và 5 có khoảng 15 học sinh. Nhìn các em đang chăm chú cùng cô phát âm những từ tiếng Anh khá dài như America, Singapore, Vietnammese… mới thấy được sự thích thú của các em với môn học lạ lẫm này.
 
“Tuy điều kiện không được như những học sinh trong thành phố, nhưng các em rất siêng học và học rất nhanh. Đó là niềm vui mà các em dành tặng tôi sau chặng đường dài mệt mỏi”, cô Quảng trìu mến nhận xét.
 
Đã quen với con đường, với những đôi mắt luôn trông đợi những từ mới cô cho, những bài hát cô bày nên “nhiều lúc bận việc không ra được, tôi thấy trong người như thiếu một cái gì. Người dân ở đây tình cảm lắm, có cái gì cũng để dành đem cho. Họ nghèo vật chất chứ tấm lòng thì dào dạt vô cùng”, cô bồi hồi. Chính vì thế mà không riêng gì các em học sinh, mà hầu hết người dân làng phong đều dành tặng và gọi cô bằng cái tên khác thân mật, trìu mến hơn: Cô ngoại ngữ.
 
“Cô ngoại ngữ” của học trò làng phong - 1

Các con sẽ điền từ nào vào chỗ trống cho đúng đây? (Ảnh: Nguyên Phương)

Cắt núi, xuyên hầm đến với học trò

Con đường ra với làng phong không dễ như suy nghĩ ban đầu của cô. Ngoài tuyến đường bộ phải xuyên hầm tàu hỏa, đường ra làng phong còn có đường thủy. Nếu ngồi đò máy vượt sóng thì khoảng 30 phút sau là đến được làng. Nhưng cô thường chọn con đường đi bộ, cùng với hai cô giáo khác ra dạy về văn hóa, bởi “không quen đi trên sóng và không phải lúc nào cũng có đò ra làng thường xuyên, vài ba ngày mới có một chuyến”. Vì vậy mà có không ít những câu chuyện vui buồn, không kém phần nguy hiểm trên quãng đường bộ hành đến với học trò làng phong của cô giáo ngoại ngữ.

Muốn đi bộ xuyên hầm tàu hỏa mà không để xảy ra tai nạn gì, đòi hỏi người đi phải có kinh nghiệm. Họ không chỉ có đôi chân chắc, khỏe, đôi mắt tinh tường, mà còn cần phải có đôi tai thật thính để nghe rõ tiếng còi tàu rít qua không trung, biết lúc nào tàu gần đến để kịp chạy tránh.

Mùa nắng, trời sáng, ít gió, ít tiếng sóng vỗ nên việc phát hiện tàu đến dễ dàng hơn. Còn với trời mưa, độ nguy hiểm tính mạng luôn rình rập đâu đó bởi sóng biển vỗ mạnh hơn, tiếng gió của cây rừng cứ thét gào mãi, tai không còn “đủ nhạy” để đoán định tàu đến. Bởi vậy, cứ đi được vài bước, cả mấy người đều phải ngoảnh lại nhìn, lắng nghe xem tàu có sau lưng không. “Đôi lúc quay lại, dưới màn mưa mờ ảo, giật mình khi thấy đoàn tàu chỉ còn cách mình có một quãng. May những lúc ấy, mọi người đều chưa vào hầm”, cô nhớ lại.

Mỗi tuần hai ngày, cô Quảng lại cắt núi, xuyên hầm để đến với học trò làng phong. Hành trang mà cô mang ra cho các em là cả lòng nhiệt huyết, yêu trẻ, yêu nghề. Còn với riêng bản thân mình, “tôi chỉ mang theo ít thức ăn mặn cho bữa trưa, còn gạo thì đã mang sẵn ra đó rồi”, cô cho hay.

Trong căn phòng nhỏ khoảng 15m2 đặt 1cái bàn, 1 cái giường và 3 chiếc ghế bố để các cô giáo ra dạy có chỗ nghỉ trưa. Chiếc nồi cơm điện cá nhân mà cô mang ra lúc nào cũng trong tình trạng đầy cơm bởi lúc nào cô cũng có khách ghé thăm. Nồi cơm đó, vừa dùng để nấu cơm, vừa dùng để nấu canh, kho thức ăn và cả… nấu nước pha trà đãi khách. Giờ giải lao, các em học sinh vẫn sang uống nước từ chiếc nồi ấy. Một em trong nhóm, có lẽ được cô cưng và thương nhất, nhanh miệng “tiết lộ” với tôi: “Nồi cơm đa tác dụng” của cô ngoại ngữ bọn em đó chị.

Đâu đó, bài hát tiếng Anh quen thuộc mà cô bày hôm nào đang được các em hát lại: “Welcome teacher. Welcome teacher. How are you? How are you? I am fine thank you…”

Nguyên Phương