Cô Hiệu trưởng nhiều lần “xin lỗi” giáo viên

(Dân trí) - “Đã hơn một lần tôi phải xin lỗi các thầy cô vì muốn ngôi trường phát triển nhanh, muốn cho học sinh có được những gì tốt nhất mà tôi và chúng ta đã cuốn nhau theo những guồng quay, không có lúc nào ngơi nghỉ của công việc” – Cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ với các đồng nghiệp tại buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Sáng 19/11, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) đã tưng bừng tổ chức Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tại buổi lễ, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài phát hiểu khiến nhiều người xúc động.

Mở đầu đầu bài phát biểu của mình, cô Nguyễn Thị Nhiệp bày tỏ sự tri ân của tập thể cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường đối với đội ngũ nhà giáo đã góp công sức xây dựng ngôi trường Phan Huy Chú.

Trường chất lượng cao không phải là cái đích

Nói về chặng đường gian nan để xây dựng được một ngôi trường có bề dày truyền thống lại vừa được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là chất lượng cao, cô Nguyễn Thị Nhiếp nghẹn ngào tâm sự: Người xưa có câu “Ăn đi trước, lội nước đi sau”, nghĩa là người tiếp bước sẽ tránh được những vấp váp của người đi trước. Vậy mà trường ta lại luôn đi đầu thí điểm những mô hình giáo dục mới nên luôn gặp nhiều gian nan, trở ngại vì không có sẵn lối. Song các thầy cô giáo với tinh thần không ngại khó và không than khó đã vượt qua nhiều thử thách. Rèn luyện con người “vì lợi ích trăm năm” không bao giờ là nhẹ nhàng. Và việc “trồng người” cháy bỏng mong muốn về chất lượng sẽ là khó khăn nhất.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú

 

Nhưng được công nhận là trường chất lượng cao không phải là đích mà chính là sự bắt đầu một chặng đường mới khó khăn hơn. Khi hiểu sống là thử thách, ta sẽ chủ động đón nhận khó khăn để vươn lên. Chúng ta phải làm thế nào để mỗi học sinh, mỗi lớp luôn nâng cao chất lượng học tập và đạo đức; làm sao để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn nâng cao chất lượng công việc... để trường ta không ngừng nâng cao chất, để các thế hệ học sinh sau thêm tự hào vươn lên.

“Không có gì để ta mãn nguyện dài lâu mà dám chủ quan ngơi nghỉ. Chúng ta sẽ không tiến thêm được gì nếu không gắng sức hơn nữa” - cô Nhiếp nói.

Chính chúng tôi cần gửi lòng biết ơn tới các gia đình

Chia sẻ với các bậc phụ huynh trong ngày vui của hơn một triệu thầy cô trong cả nước, cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ: Các bậc phụ huynh luôn bày tỏ sự cảm ơn với chúng tôi khi con được học tập và yêu thương mỗi ngày, nhưng chính chúng tôi mới là những người cần gửi lòng biết ơn tới các gia đình. Đứa con là tài sản vô giá, là hy vọng cuộc đời của cha mẹ nên các bậc phụ huynh phải tin tưởng, phải quý trọng mới trao con cho chúng tôi dạy dỗ, trang bị kiến thức vào đời. Chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực từng ngày với hy vọng những mùa quả ngọt tương lai. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn vì trong nhiều công việc của nhà trường, chúng tôi không phải kêu gọi hay thuyết phục mà tinh thần tự nguyện vì nhà trường của bao thế hệ phụ huynh khiến cho chúng tôi thực sự rất cảm động.

Cô Hiệu trưởng nhiều lần “xin lỗi” giáo viên - 2
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cùng với các đồng nghiệp đón nhận những bó hoa giản dị của học trò
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cùng với các đồng nghiệp đón nhận những bó hoa giản dị của học trò

 

“Vì trường là vì con, góp ý kiến xây dựng trường là giúp con được học tốt nhất. Để có một ngôi trường được công nhận chất lượng cao như hôm nay không thể không nhắc đến công sức, lòng nhiệt thành của mọi gia đình học sinh. Ngày hội của chúng tôi cũng là ngày mà hơn một nghìn gia đình cùng vui bởi các bác đã thực sự làm thầy khi đồng lòng cùng nhà trường cùng nâng cao chất lượng giáo dục” – Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Đã hơn một lần tôi phải xin lỗi các thầy cô

Thẳng thắn chia sẻ, cô Nguyễn Thị Nhiếp cho hay, bản thân cô đã hơn một lần tôi phải xin lỗi các thầy cô vì muốn ngôi trường phát triển nhanh, muốn cho học sinh có được những gì tốt nhất mà tôi và chúng ta đã cuốn theo những guồng quay không lúc nào ngơi nghỉ của công việc.

“Nhiều khi ngẫm từ mình và quan sát các bạn mà cay mắt vì xót, vì thương. Thực lòng, không biết hơn 1000 học trò của chúng ta có hiểu, bởi các con vô tư nên có thể ít để ý. Dạy để lấy lương, dạy cho xong giờ, đó không phải là giáo viên trường Phan Huy Chú. Các thầy cô chủ nhiệm lại càng nhọc công hơn. Lo hết việc này đến việc kia, không có mấy khi được yên tâm, rạng rỡ. Cứ thấy ai nhắc tên lớp chủ nhiệm, lại giật mình thon thót. Ngay cả muốn khen lớp mình cũng nhẩm thầm trước câu khen lời “trộm vía”, bởi không dám chủ quan là các con đã khôn lớn.


Học sinh tặng hoa chúc mừng cô giáo ngày 20/11.

Học sinh tặng hoa chúc mừng cô giáo ngày 20/11.

 

Vậy mà, các thầy cô phải dằn lòng quên đi những việc cần làm và rất muốn làm cho gia đình của mình, cho đứa con nhỏ bé ở nhà để việc riêng không ảnh hưởng đến việc trường. Sự hy sinh ấy có bao nhiêu con cảm nhận được để mà cố gắng mỗi ngày. Tôi tin rằng rất hiếm ngôi trường nhiều tinh thần cống hiến và kêu gọi cống hiến như ở trường ta. Đó là những tình cảm thực sự hết mình, vô tư và công tâm. Tôi xin được phép thay mặt hơn 1.000 gia đình gửi đến từng thầy cô lời chúc chân thành, ấm áp nhất. Cảm ơn các thầy cô, cảm ơn cả những người thân của các thấy cô đã gánh vác và vô cùng cảm thông để các thầy cô hết lòng vì ngôi trường – mái nhà thân yêu chung của tất cả chúng ta” - cô Nguyễn Thị Nhiếp nghẹn ngào nói với đồng nghiệp.

Cũng theo cô Nhiếp, điều mà cô còn trăn trở đó là đội ngũ giáo viên nhà trường chưa giỏi tất cả, cũng không phải tất cả các thầy cô đều say mê đổi mới dạy học mà có sự phân hóa ngày càng lớn, càng rõ bởi sự tự học, tự rèn luyện, tự đánh giá đúng bản thân mình và ý thức "thân giáo" của mỗi thầy cô là khác nhau. Nhưng nhìn lại những vấp ngã của những lần thí điểm, cô Nhiếp tự hào và biết ơn các đồng nghiệp của mình đã vượt qua cả chuyện “cơm áo gạo tiền”, luôn đồng hành vượt khó, chung thủy cùng xây dựng một ngôi trường được xác định giá trị cốt lõi là: Trí tuệ và Yêu thương; Năng động và Sáng tạo; Tất cả cho học sinh và vì học sinh".

“Đường dài còn lắm chặng và nhiều khó khăn nhưng chính các thầy cô, các bác phụ huynh và các học trò đã cho tôi niềm tin rằng: nơi đây luôn bắt đầu bằng mùa thu hy vọng, mùa xuân yêu thương, mùa hè mát lành và mùa đông ấm ấp” - cô Nguyễn Thị Nhiếp nói.

Nguyễn Hùng (lược ghi)