Cô giáo mầm non xin thôi làm hiệu phó vì... nhớ học trò

(Dân trí) - Được đề bạt làm hiệu phó, nhưng chưa đầy 2 năm, cô Nguyễn Thị Phượng Hải (Trường Mầm non Hoa Ban, Đà Nẵng) đã xin từ chức về đứng lớp dạy học trò vì "buồn nhớ các con".

Cô Phượng Hải vừa được ngành Giáo dục Đà Nẵng xét chọn trao Giải thưởng Võ Trường Toản dành cho giáo viên có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở thành phố

Cô Nguyễn Thị Phượng Hải chia sẻ niềm vui dạy học trò mầm non

Nói về cô Phượng Hải, cô Lê Thị Thu Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban chia sẻ: "Cô Phượng Hải là một trong cô giáo rất được các phụ huynh và học trò ở trường tin yêu, quý trọng. Cô là một cô giáo rất đặc biệt, mà tôi nghĩ rằng bây giờ, không còn mấy ai được như cô. Cô Hải đã nhận việc gì là hết mình làm tròn việc đó, giúp đỡ được ai điều gì cô đều hết lòng. Song với bản thân và công việc, cô rất nghiêm khắc và nghiêm túc".


Cô Nguyễn Thị Phượng Hải (bên phải) cùng cô Lê Thị Thu Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban trong ngày cô Hải nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2017.

Cô Nguyễn Thị Phượng Hải (bên phải) cùng cô Lê Thị Thu Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban trong ngày cô Hải nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2017.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, cuộc sống xung quanh đã có bao đổi thay, cô Phượng Hải vẫn ngày ngày sớm tối đi về trên chiếc xe đạp, từ tốn như cách nói chuyện chậm rãi, như phong thái nhẹ nhàng của cô giáo mầm non. Cô Hải không dùng điện thoại di động. Trang phục đến lớp của cô chỉ đúng một kiểu quần tây, áo sơ mi trắng.

Cô Phượng Hải và các em học sinh ở Trường Mầm non Hoa Ban
Cô Phượng Hải và các em học sinh ở Trường Mầm non Hoa Ban

Ở trường, cô thuộc tính nết từng con trẻ trong lớp. Cô đến trường sớm và chỉ ra về khi tất cả các con đều đã tan trường. Ngoài giờ dạy, cô Hải còn chịu khó làm rất nhiều đồ dùng học tập đem lại những giờ học rất trực quan sinh động cho các con.

Có một việc mà các cô giáo ở Trường Mầm non cứ nhắc mãi khi kể về cô giáo đặc biệt ở trường là quyết định "có một không hai" của cô Hải. Có thời gian, cô Hải được đề bạt làm Hiệu phó, nhưng chưa tới hai năm, thì cô viết đơn xin từ chức để xin về lại đứng lớp.

Trò chuyện với PV Dân trí, cô Hải trải lòng về quyết định của mình: "Cô không có con. Nên trong tâm tư cô, cô luôn xem các em học sinh ở trường như là con của mình. Được đề bạt làm hiệu phó, cô rất cảm kích sự tín nhiệm của cấp trên và các đồng nghiệp ở trường. Nhưng làm công tác quản lý, công việc hành chính một thời gian cứ thấy trống vắng trong lòng. Ngẫm ra là mình buồn nhớ các con ở lớp. Cô muốn ở cùng các con, dạy các con học hằng ngày. Vậy là cô xin thôi làm hiệu phó để làm một cô giáo mầm non, được gần gũi, dạy dỗ các con nhiều hơn".

Làm hiệu phó chưa được 2 năm, cô Hải xin từ chức để về đứng lớp vì nhớ học trò, muốn được hằng ngày dạy dỗ, gần gũi các em học sinh mà cô coi như con của mình
Làm hiệu phó chưa được 2 năm, cô Hải xin từ chức để về đứng lớp vì nhớ học trò, muốn được hằng ngày dạy dỗ, gần gũi các em học sinh mà cô coi như con của mình

Chúng tôi cảm nhận được tình yêu trẻ của cô giáo đặc biệt ở Trường Mầm non Hoa Ban khi xem cô hướng dẫn các cháu múa hát, với nụ cười tươi trên môi và ánh mắt trìu mến khi nhìn các em học sinh. Giọng cô nghe vui hơn hẳn khi cô kể về “các con của cô” ở trường. Cô kể, mỗi cháu bé mỗi tính nết, có cháu rất ngoan, và cũng có cháu nghịch. Song ở tuổi mầm non, các con đều có chung nét ngây thơ đáng yêu, và các con thường hay có những câu nói rất tình cảm. Cô giáo phải quan tâm, hiểu tính nết của từng trẻ, nhất là các cháu nghịch quậy, mình càng phải để tâm mới tìm ra cách uốn nắn con vâng lời. Ví dụ, phải biết cách dỗ một trẻ nghịch phá trong giờ ngủ trưa để tất cả các con trong lớp được ngon giấc.

Ngoài giờ dạy, tranh thủ cả lúc học sinh ngủ trưa ở trường, cô Hải vẫn tranh thủ mày mò làm thêm đồ dùng học tập cho trẻ. Bởi theo cô Hải, đồ dùng học tập của các em học sinh mầm non cũng chính là đồ chơi hàng ngày cho các em khi đến lớp học. Nên phải luôn nghĩ cách sáng tạo ra những món đồ cho các con vừa học vừa chơi khiến các con vui thích khi đến lớp học cùng các bạn mỗi ngày.

Có những trường hợp trẻ có cá tính đặc biệt như trẻ có dấu hiệu tự kỷ, chậm hơn các bạn khác cùng lứa. Phụ huynh các con cũng biết, và nghĩ rằng chắc các con sẽ phải học hai năm một lớp. Song với cách của mình, cô Hải đã dạy cho các em học kịp các bạn trong lớp và lên lớp đúng năm đúng tuổi. Đến phụ huynh cũng không tin được con mình tiến bộ như thế. Vậy mà điều đó là sự thực.

Vậy nên, cô Hải dạy học trò từ lúc các em còn là mầm non, đến lúc các em đã ra trường mấy mươi năm, trưởng thành rồi có dịp vẫn tìm về thăm cô giáo. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, không chỉ có các em học sinh cô đang dạy ở lớp chúc mừng cô Hải Phượng, mà còn có nhiều thế hệ học trò tìm về thăm, bày tỏ lòng kính yêu cô giáo.

Hơn 30 năm gắn bó với sứ mệnh "trồng người" của mình, cô Phượng Hải đã từng nhiều lần được ngành Giáo dục vinh danh là giáo viên dạy giỏi, giáo viên sáng tạo đồ dùng học tập hiệu quả cho học sinh. Chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu, được ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng xét chọn là một trong những giáo viên tiêu biểu của toàn thành phố, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cô Hải không chia sẻ gì hơn rằng cô cảm thấy rất xúc động, và xem đó như một niềm vui, một nguồn động viên cho cô và các giáo viên tiếp tục cố gắng không ngừng mỗi ngày để sống tròn với nghề giáo mà mình đã chọn.

Khánh Hiền