Cô giáo của những học sinh nghèo

(Dân trí) - Hơn 2 năm nay, người dân xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) quá quen thuộc với tiếng học bài vang lên từ lớp học tình thương của cô giáo Hẹn. Nhà của cô đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những học sinh nghèo…

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, cô Hẹn lên công tác ở huyện miền núi Lạc Sơn (Hòa Bình). Thấu hiểu nỗi vất vả và khó khăn của người dân và nhất là thương lũ trẻ nơi đây nên cô đã quyết tâm bám lớp, bám trường để đem con chữ cho học sinh nghèo.

Sau hơn 10 năm công tác ở tỉnh Hòa Bình, năm 1984, cô xin chuyển về Quảng Xương làm việc để có điều kiện chăm sóc người mẹ già yếu và chị gái bị tàn tật. Cũng kể từ đó đến nay, cô Hẹn nhận nhiệm vụ dạy học ở Trường THCS Quảng Vinh, rồi chuyển về dạy ở Trường THCS Quảng Cát cho đến lúc nghỉ hưu.

Cô giáo của những học sinh nghèo  - 1
Các em học sinh đến với cô giáo Hẹn ngày càng đông

Vốn là một giáo viên Hóa về hưu, nhìn cảnh học sinh nghèo không có điều kiện học tập như con em ở chốn thị thànhđó, cô Hẹn đã nhen nhóm trong lòng sẽ thực hiện ước mơ là mở lớp dạy học tình thương cho các em tại xã.
 
Lớp học tình thương hình thành, số lượng học sinh nghèo đến với cô ngày một đông thêm, những đứa trẻ khát khao con chữ ngày nào nay có cô Hẹn dạy thêm và nhất là sự rất đỗi yêu thương của cô giáo đối với các em.

Ở vào cái tuổi lục tuần, hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cống hiến việc trồng người nên cô rất thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Sự trở lại con đường giảng dạy đối với cô Hẹn ở cái tuổi này chỉ là để mong muốn giúp chút kiến thức còn lại cho các em để rồi nhắm mắt xuôi tay còn có trò thắp nén hương cho mình khi đã khuất.

Ý nghĩ đó, đúng tháng 9/2007 lớp học đầu tiên của cô Hẹn được khai giảng khá long trọng. Ngày đầu tiên, trò còn bỡ ngỡ nhưng rồi được sự chăm sóc dạy bảo chu đáo tận tình của cô Hẹn nên em nào cũng cố gắng học. Lớp học của cô được học vào các buổi thứ 3, 5 và thứ 7. Lớp có trên 20 em học sinh và chủ yếu học ghép lớp từ 3-5.

Đại đa số học sinh của cô Hẹn đều là con em có hoàn cảnh khó khăn như gia đình quá nghèo, mồ côi… Cô bảo: “Nhìn tụi trẻ mỗi đứa một hoàn cảnh cực lắm, thấy các cháu đều ham học tôi nhiều lúc nước mắt rơi vì nhận thấy các em như khát chữ… Tôi cố gắng để các em được học hành đến nơi đến chốn, mong sau này các cháu thành người tài giỏi là tôi mãn nguyện rồi. Còn sức tôi sẽ làm công việc này đến lúc nào không thể làm được thì thôi…”.

Nhiều em mồ côi cha mẹ, hay bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà, rồi học sinh nghèo khó, cô Hẹn đều nhận dạy miễn phí. Cô xem các em học sinh như con ruột của mình, nên ngoài việc dạy học miễn phí còn cho các em quần áo, sách vở...

Lúc đầu chủ yếu những học sinh gia đình khó khăn đến theo học, giờ đây đã có nhiều em trong xã biết tiếng cô mở lớp tình thương nên cũng đến xin học. Với lớp học tình thương này, cô Hẹn tự bỏ tiền túi từ A-Z để phục vụ công tác giảng dạy cho các em, không lấy một xu học phí của học sinh…. Nhưng bên cạnh đó, một số phụ huynh khá giả thấy việc làm của cô quả là khó nhọc nên cũng góp chút ít cho cô.

Cô Hẹn cũng cho biết thêm, đã có rất nhiều trường sau hay tin cô nghỉ hưu cũng đã mời cô về dạy nhưng cô từ chối mà dành thời gian này để phục vụ giảng dạy cho các em trong xã theo lớp tình thương mà cô ấp ủ.

Cô giáo của những học sinh nghèo  - 2

Các em học sinh nghèo giờ không cần tiền cũng có thể đi học vì đã có lớp học tình thương của cô Hẹn

Với đồng lương hưu ít ỏi, cộng thêm vào đó là người chị tàn tật và cháu gái đang tuổi ăn học nhưng cô vẫn không kêu ca. Còn lớp học tình thương vẫn đều đặn những buổi học sinh đến lớp. Lớp học tình thương của cô Hẹn, không chỉ dạy các em về kiến thức văn hóa, mà côn còn động viên an ủi các em học sinh có thể nói là cá biệt, dạy các em đạo làm người, đối nhân xử thế trong cuộc sống hiện tại…

Cô Hẹn tâm sự: “Không có em học sinh nào đáng trách cả, nếu như chúng ta nắm bắt được tâm lý và tạo điều kiện cho các em một niềm tin vào chính bản thân các em. Cái quan trọng là tư cách đạo đức của các em phải được đặt lên hàng đầu…”.

Do dạy ở nhiều lớp khác nhau, nên hằng ngày cô cũng phải soạn khá nhiều giáo án khác nhau. Mặc dầu công việc có vất vả chút ít, nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi nhưng khi nghĩ đến sự học cho các em mình như có thêm sức mạnh để vượt qua….

Là một người tự nguyện hy sinh nhiều cho gia đình, cho mẹ già và chị gái tật nguyền, gắn bó suốt một đời với sự nghiệp giáo dục của địa phương, nhưng cô giáo Hẹn rất khiêm tốn khi nói về mình. Khi chúng tôi hỏi về các thế hệ học trò của cô, cô bảo: Cũng kha khá nhiều thế hệ học sinh của cô thành đạt, người tài, hiện nhiều em đang theo học tại các trường đại học nổi tiếng tại Hà Nội, TPHCM… đó là phần thưởng quý giá nhất mà cô có được.

Nhắc đến việc làm của cô Hẹn người dân nơi đây ai cũng thầm khen ngợi về lòng độ lượng nhân ái của cô. Bác Phạm Văn Sỹ (73 tuổi) nói: “Cô Hẹn đúng là một con người giàu lòng nhân ái, tâm huyết với nghề. Các em học sinh của xã chúng tôi được cô giảng dạy đều ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi… Chúng tôi biết ơn cô ấy lắm”.

Mong muốn của cô Hẹn không phân biệt học sinh giàu sang, nghèo hèn mà tất cả học sinh đến với lớp học tình thương của cô, cô đều nhận hết. Cô Hẹn cũng bảo rằng, thời gian tới, cô sẽ mở thêm lớp và sẽ nhận tất cả các em đến với cô.

Lê Thanh - Duy Tuyên