Cô giáo 19 năm hi sinh hạnh phúc riêng vì học trò vùng cao

(Dân trí) - Hi sinh cả hạnh phúc riêng tư là được ở gần, chăm sóc cho con trai để ở lại Đồng Văn, Hà Giang gieo con chữ suốt 19 năm nay, cô giáo Thêu được người dân địa phương yêu quý, đùm bọc như người nhà.

19 năm vượt gian khó

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu, 45 tuổi đã dành gần nửa cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Suốt 19 năm qua, cô giáo miền xuôi gắn bó với các học sinh vùng cao Hà Giang.

Cô giáo tiêu biểu Nguyễn Thị Thêu được tuyên dương vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao
Cô giáo tiêu biểu Nguyễn Thị Thêu được tuyên dương vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao

Hiện nay, cô Thêu đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, điểm trường Sảng Pả, trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang. 

Lớp học của cô Thêu hiện có 15 học sinh, các em được học trong một phòng học cấp 4, bàn ghế tươm tất dù còn thiếu rất nhiều dụng cụ học tập và các thiết bị giảng dạy. Với cô giáo Thêu, cơ sở vật chất của điểm trường hiện nay đã giống “như mơ” so với nơi cô dạy học 19 năm về trước.

Cô kể lại: “Ngày đó con đường vào trường chưa có đường xe đi, chỉ là lối mòn nhỏ leo qua đỉnh núi có tên là “dốc Tám Hào” từ trường chính đến điểm trường Chá Dính. Ngày ngày tôi đi dạy phải men theo những khe núi đá trập trùng, đến bên một sườn núi là một điểm trường còn hoang sơ.

Lớp học tạm bợ rộng khoảng 20 mét vuông dành cho lớp 3, xung quanh được cắm bằng cành trúc, tứ phía hở hoang hoác, mái lá dột nát, gió thông thốc thổi. Những ngày mùa đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Mỗi lần trời mưa thì sách vở học trò ướt hết”.

Cô Thêu tự nguyện lên Hà Giang làm giáo viên khi còn ở tuổi thanh xuân phơi phới. Lớp học đầu tiên của cô giáo là lớp ghép 2+3, có 14 học sinh. Các em đều là dân tộc Mông, do ít va chạm với bên ngoài nên rất nhút nhát. Cô trò ngôn ngữ bất đồng, lại thêm dân trí địa phương còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu, cưới xin, ma chay kéo dài. Việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn.

Để vận động học trò tới lớp, mỗi buổi chiều sau khi hết giờ giảng, cô Thêu đến các nhà dân tìm hiểu phong tục tập quán và động viên gia đình cho con đi học. Vất vả nhất là những ngày xuống chợ phải đi bộ mất một ngày đường leo qua dốc, đi từ sớm đến tối mịt mới về đến nhà.

Bằng tấm lòng của mình, cô Thêu đã chinh phục tình cảm của người dân địa phương. Người dân nơi đây ai cũng quý cô giáo, thường biếu mớ rau, quả trứng và giúp cô chở đồ bằng ngựa. Bà Thò Thị Pó, một phụ huynh học chinh chia sẻ: “Mẹ thương con gái Thêu. Mẹ chỉ có cái rau trong vườn cho con thôi, thế mà mẹ ốm, con gái nấu cháo cho mẹ ăn đấy”.

Hi sinh riêng vì học trò

Cũng tại vùng núi cao Hà Giang, cô đã bén duyên cùng đồng nghiệp và xây dựng gia đình. Cô đã sinh hạ một cậu con trai vào năm 1999. Nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cháu bị suy dinh dưỡng bào thai, dẫn tới việc sức khỏe của cháu rất yếu. Lại thêm thời tiết khắc nghiệt nên cháu phải đi bệnh viện định kỳ, nhưng vẫn bị teo cả hai chân. Cháu mới 3 tuổi, vợ chồng cô giáo phải gửi con về cho ông bà ở quê nuôi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu rơi nước mắt khi nhắc về gia đình. 19 năm chưa khi nào cô nguôi nỗi nhớ nhà và nhớ con.
Cô giáo Nguyễn Thị Thêu rơi nước mắt khi nhắc về gia đình. 19 năm chưa khi nào cô nguôi nỗi nhớ nhà và nhớ con.

“Mọi người hỏi là chị giàu tình cảm với học trò như vậy sao lại có thể xa con mình, nhưng tôi không thể bỏ bê công việc được. Đã theo nghề này rồi mà người dân ở đây cũng yêu quý mình nên mình cũng yêu quý lại. Tôi rất nhớ con nhưng đành nén vào trong, dù sao cháu ở dưới xuôi cũng có điều kiện y tế tốt hơn”, cô giáo chia sẻ.

Với tấm lòng tận tâm ấy, cô Thêu đã gặt hái rất nhiều thành tích trong công tác. Đặc biệt, điểm trường của cô luôn đông đủ học sinh, không còn em nào bỏ học. Nhiều năm liền các lớp do cô chủ nhiệm các em đều đạt giải trong các cuộc thi, năm nào cũng có học sinh đạt giải nhất nhì cấp trường, cấp huyện về cuộc thi chữ đẹp và các cuộc thi giao lưu cụm trong huyện.

Đến nay đã có những học sinh của cô Thêu học đại học ra trường và nhiều em trở thành cán bộ xã. Các lớp học tiểu học ở huyện Đồng Văn, Hà Giang giờ đây đã có nhiều thay đổi, không còn phòng học tạm bợ nữa, cơ sở vật chất đã khang trang hơn. Tuy vậy, cô Thêu vẫn phải sử dụng những chậu... cây cải như là giáo cụ trực quan để dạy học sinh vì thiếu thốn dụng cụ. Chậu cây rau cải ấy sau này cũng sẽ trở thành món ăn cải thiện cho thầy và trò vào bữa trưa.

Mai Châm