Đào tạo theo hệ thống tín chỉ:

Có giải quyết được bất cập về chất lượng giáo dục?

Trong khi có những trường ĐH đã bắt đầu thực hiện tín chỉ được 9-10 năm, thì có nhiều trường lớn, có "thương hiệu" vẫn đứng ngoài cuộc, hoặc mới chỉ dừng lại ở chỗ "nghiên cứu, học hỏi".

Mục tiêu đề ra của Bộ GD-ĐT là năm 2010, tất cả các trường phải chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo hệ thống học chế tín chỉ. Thế nhưng, một câu hỏi đang được đặt ra: Đào tạo tín chỉ có giải quyết được những bất cập về mặt chất lượng?

 

Chọn cách giữ thương hiệu

 

Ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương HN - cho rằng: Không ít người nhầm lẫn, cho rằng đào tạo tín chỉ chính là biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi cho rằng, đó chỉ là một phương thức tạo sự linh hoạt cho người học. Nhưng khi chưa có đủ điều kiện mà đã vội vàng thực hiện đại trà thì có thể chất lượng sẽ đi xuống. Giữa việc giữ chất lượng để duy trì "thương hiệu" và việc chạy theo mục tiêu chung thì nên chọn "thương hiệu", vì đó là sự sống còn của trường ĐH.

 

Trước thời điểm Bộ GDĐT chính thức chỉ đạo các trường triển khai đào tạo tín chỉ và ban hành Quy chế đào tạo ĐH, CĐ theo hệ thống học chế tín chỉ, lãnh đạo nhiều trường ĐH vẫn xem "tín chỉ" là việc chưa nghĩ đến.

 

Theo ông Dương Đức Hồng - Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa HN - thì trường đã thành lập bộ phận nghiên cứu triển khai đào tạo tín chỉ từ hơn một năm qua, nhưng đến thời điểm này vẫn thận trọng đề cập đến lộ trình chuyển đổi. Ông Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông - cho biết, học viện đã tiến hành nghiên cứu về tín chỉ từ năm 2002, nhưng chưa thực hiện.

 

Cả những trường đã triển khai tín chỉ và những trường mới chỉ "ngó nghiêng" vào phương thức này đều thấy, không thể cứ "quyết" là làm được.

 

Ông Sơn lý giải: Phương thức tín chỉ khiến SV phải chủ động tích cực, tự học là chính. Theo đó, chương trình phải mềm dẻo, tài liệu, giáo trình, trang thiết bị thực hành... phải đầy đủ cho mỗi SV có thể thực hiện được lịch học riêng của mình. Nhưng thực tế ý thức tự học của SV Việt Nam không cao, điều kiện không có đủ... Nếu chuyển sang tín chỉ ở diện đại trà, sẽ không thể kiểm soát được chất lượng học tập của SV.

 

Phải có lộ trình để giải quyết những khó khăn

 

Lãnh đạo Trường ĐH Xây dựng HN - nơi có 9 năm thực hiện đào tạo tín chỉ - cũng phát biểu: "Nhiều lúc muốn thôi không "tín chỉ" để quay về niên chế. Vì phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp quá, động chạm đến toàn vấn đề nhạy cảm".

 

Gần 10 trường đã triển khai chuyển đổi phương thức đào tạo trong thời gian qua, thực chất mới chỉ là bán tín chỉ. Chương trình đào tạo cứng nhắc, sự không chủ động về tuyển sinh, sự thiếu thốn kinh phí, diện tích phòng học, giáo trình, tài liệu, thiết bị thực hành thí nghiệm và đội ngũ GV, nhất là tình trạng SV chưa chủ động, tự giác nên đa phần các trường phải khắc phục khó khăn bằng cách thực hiện tín chỉ theo kiểu... VN.

 

Hầu hết các trường chưa đáp ứng được nhu cầu học của mỗi SV (chọn môn học, lớp học, giảng viên) mà vào đầu năm học vẫn phải tư vấn cho SV đăng ký học theo... điều kiện đáp ứng của trường. Phương pháp dạy và học, về cơ bản vẫn chưa được cải thiện.

 

Theo bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH - thì hiện nay có những trường chỉ có khoảng 2-3 giáo trình cho vài chục môn học. Với tình trạng đó, không thể nói là thực hiện được việc đào tạo theo tín chỉ.

 

Dự kiến năm 2008, Bộ GDĐT sẽ đưa 1.000 giáo trình vào thư viện điện tử, bên cạnh đó khuyến khích các trường chia sẻ nguồn giáo trình, tài liệu... Nhưng với cách đó, vẫn không thể khắc phục ngay được khó khăn về giáo trình, tài liệu...

 

Theo ý kiến của nhiều trường ĐH, nếu thực hiện tín chỉ, trường ĐH phải được chủ động tuyển sinh theo hướng tuyên nhiều lần/năm để có điều kiện tổ chức liên tục các môn học. Nhưng việc này chưa có quy định nào cho phép và hướng tổ chức tuyển sinh ĐH sắp tới cũng không đề cập đến việc này.

 

Để giải quyết những khúc mắc, khó khăn trên, việc đặt ra lộ trình là cần thiết. Kiến nghị từ phía các trường ĐH cho rằng nên cho phép các trường chuẩn bị từ nay đến năm 2015. Năm 2010, chỉ nên thí điểm thực hiện, với những trường đã tương đối đủ điều kiện.

 

Theo Kỳ Thanh

Lao Động