Có điểm công tác xã hội, SV mới được xét tốt nghiệp

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bắt buộc SV phải có15 ngày tham gia công tác xã hội mới được xét tốt nghiệp.

Công tác xã hội (CTXH) là một trong những hoạt động thiết thực, giúp sinh viên (SV) tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và công việc sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, hầu hết các trường đều khuyến khích SV tham gia. Riêng tại ĐH Bách khoa TP.HCM, trường quy định SV phải tích lũy từ 15 ngày hoạt động tình nguyện trở lên trong toàn khóa học. Nếu không đủ thời gian này thì xem như SV chưa hoàn tất thủ tục tốt nghiệp.

Từ khuyến khích đến bắt buộc

Theo thầy Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý SV ĐH Bách khoa, trước đây Trường ĐH Bách khoa đã có hướng dẫn việc thực hiện CTXH nhưng chưa rõ ràng, đánh giá SV một cách định tính chứ chưa định lượng. Theo đó, trong sinh hoạt hằng ngày, trong quan hệ với nhân dân và chính quyền địa phương, SV chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, không phiền hà đến mọi người thì được đánh giá là thực hiện tốt.

Năm 2002, trường xây dựng sổ tay rèn luyện trong đó khuyến khích SV thể hiện tinh thần vì cộng đồng thông qua 30 ngày CTXH. Đến năm 2004, hội đồng nhà trường rút ngắn thời gian CTXH còn 15 ngày và vẫn để SV tự nguyện tham gia. Đến năm 2008, nhà trường chính thức ra quy định lấy việc tham gia CTXH là điều kiện xét tốt nghiệp cho những SV từ khóa 2007 trở về sau.

Có điểm công tác xã hội, SV mới được xét tốt nghiệp
SV TP.HCM tham gia ngày hội Hoa hướng dương năm 2011 tại Nhà văn hóa Thanh niên, quyên góp ủng hộ trẻ em bị bệnh ung thư.

“Khi bắt đầu thực hiện, chúng tôi đã báo cáo lên Bộ, thậm chí còn gửi cho các trường để tham khảo. Nội dung của quy định là sự cụ thể hóa quy chế của Bộ cho phù hợp với thực tế của nhà trường. Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị chạy thử nghiệm một chương trình tạm gọi là cơ sở dữ liệu ngoại khóa của SV. Chương trình này sẽ cập nhật giống như một bảng điểm môn học trong suốt quá trình học của SV, sẽ in ra và công nhận cho SV khi tốt nghiệp. Từ đó, SV có thể thể hiện được mình, còn nhà tuyển dụng cũng căn cứ vào đó đánh giá đối tượng một cách khá chính xác và có số liệu bài bản” - thầy Thông cho biết.

CTXH: Chuyện nhỏ

Đó là khẳng định của các bạn SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM khi tiếp xúc chúng tôi. Nguyễn Thanh Hoàng, SV năm nhất, cho biết: “Khi tham gia CTXH, bản thân mình cảm thấy tự tin hơn về giao tiếp, vui vẻ, cởi mở và dễ thích nghi hơn rất nhiều. Lớp mình đa số đều tích lũy được 1-2 ngày trở lên, chỉ có những bạn thụ động mới chưa tích lũy được ngày nào”.

Mới học năm thứ hai nhưng Trương Chí Đức, SV năm hai khoa Công nghệ Vật liệu, đã thực hiện đủ 15 ngày CTXH theo quy định của nhà trường. “Ban đầu chính bản thân mình cũng không hào hứng với các hoạt động xã hội, chỉ khi tham gia mới thấy những hoạt động này là cần thiết, qua đó mà mình cảm thông, biết chia sẻ hơn với mọi người. Nếu SV chú ý và tích cực tham gia thì 15 ngày CTXH để thực hiện trong 4-5 năm học là không có gì quá khó khăn”.

“Đoàn trường hằng năm tổ chức rất nhiều hoạt động CTXH. Trường cũng từng tổ chức hội nghị, mời các tổ chức xã hội tham gia để tìm hiểu nhu cầu của họ, sau đó xây dựng cẩm nang địa chỉ những trung tâm, mái ấm, nhà mở, bệnh viện… để SV có căn cứ thực hiện. Nếu các bạn thực sự nghiêm túc thì không cần đến bốn năm cũng có thể đảm bảo số ngày CTXH theo quy định” - anh Trần Anh Cường, Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa, nói.

Đó là nghĩa vụ của SV

Theo Quy chế HSSV ban hành ngày 13-8-2007 của Bộ GD&ĐT, SV có nghĩa vụ: “Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với năng lực và sức khỏe theo yêu cầu của nhà trường”.

Ngoài ra, trong Quy chế đánh giá kết quả điểm rèn luyện của HSSV ban hành ngày 16-10-2007 của Bộ GD&ĐT, khung điểm đánh giá về phẩm chất công dân và quan hệ cộng đồng trong hệ thống chấm điểm rèn luyện của SV được quy định tối đa 15 điểm. Trong đó, căn cứ để xác định điểm là “kết quả chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tích trong CTXH và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mối quan hệ cộng đồng, tinh thần giúp đỡ bạn bè, cưu mang người gặp khó khăn”.

“Chúng tôi quản lý cùng lúc 17.000 SV nên không thể nói chung chung được. Quy định này cũng vì muốn rèn ý thức cho SV, nhằm đào tạo ra những lứa SV hoàn thiện, giỏi chuyên môn, sáng tạo, năng động, hòa nhập, giỏi giao tiếp... Nói là tự nguyện nhưng nếu không có quy định ràng buộc thì rất khó để SV thực hiện” - thầy Võ Tấn Thông khẳng định.

Chỉ học thôi: Chưa đủ

Ở nhiều trường ĐH trong khu vực và thế giới, tuy không có quy định buộc SV phải tham gia CTXH nhưng SV tự ý thức phải chủ động tham gia các hoạt động này để hoàn thiện mình và dễ dàng tìm được cơ hội việc làm khi tốt nghiệp.

Phạm Hồng Anh, cựu du học sinh ĐH Chungang (Seoul, Hàn Quốc), cho biết: “Ở Việt Nam, SV tham gia CTXH chủ yếu vì yêu thích hoặc ham vui. Còn tại Hàn Quốc, SV chủ động đăng ký tham gia các hoạt động này để chứng tỏ khả năng của mình với nhà tuyển dụng. Thậm chí, SV Hàn Quốc còn được khuyến khích sang nhiều nước: Việt Nam, Mông Cổ, Philippines… để giúp nông dân thu hoạch nông sản, khám chữa bệnh cho người nghèo, xây trường học, thư viện…”.

Từng theo học tại ĐH California State Unieversity Fullerton (Mỹ), Minh Nguyệt - cựu du học sinh cho biết: “Không bị áp lực bởi quy định của nhà trường nhưng để xin học bổng, học lên cao học hoặc tìm việc làm thì bên cạnh điểm số, SV phải tự tích lũy kinh nghiệm qua các hoạt động cộng đồng và hai khía cạnh này được đánh giá ngang nhau, thậm chí nhiều nơi lựa chọn SV nghiêng về kinh nghiệm hoạt động CTXH hơn”.

58 SV chưa đủ điều kiện tốt nghiệp

Trong khoảng 2.000 SV khóa 2007 sẽ tốt nghiệp trong năm 2012 có 58 em chưa tích lũy đủ 15 ngày CTXH nên chưa đủ điều kiện được xét tốt nghiệp. Trong đó, hơn 70% chỉ thiếu 1-3 ngày. Đến ngày 6-4 mới hết thời gian xét tốt nghiệp, các em nếu vẫn cố gắng tham gia các hoạt động thì hoàn toàn có thể được xét tốt nghiệp đúng thời hạn.

Thầy Võ Tấn Thông,Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý SV ĐH Bách khoa TP.HCM

 
Theo Khắc Huy
Pháp luật TPHCM