CNTT giúp "biến không thành có" trong giáo dục

(Dân trí) - "Biến không thành có" là cụm từ được nhắc tới nhiều trong hội nghị tổng kết việc triển khai chương trình dạy học Intel và ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy học trong năm 2010, diễn ra tại Quảng Trị ngày 30/11.

Gần 200 giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục của tỉnh Quảng Trị và các thành phố Hà Nội, Huế và TPHCM đã tham dự hội nghị. 

Công nghệ thông tin (CNTT) vào thuở "sơ khai" từng là một khái niệm mơ hồ trong ngành giáo dục Việt Nam, rồi sau đó đã trải qua nhiều mô hình thử nghiệm mà đa phần là khô cứng, kém hiệu quả. Mãi tới gần đây, khi có những chương trình ứng dụng cụ thể, thiết thực hơn, CNTT mới thực sự phát huy được sức mạnh trong ngành giáo dục, giúp "biến cái không thành có".

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, CNTT tuy là "ảo" nhưng chính nhờ lợi thế "ảo" đó mà mang lại tiềm năng vô biên cho các đối tượng ứng dụng, trong đó có ngành giáo dục, nếu được ứng dụng đúng. Các trường lớp có thể bị hạn chế bởi không gian vật lý nhưng khi đã "kết nối" bằng các công cụ CNTT thì không gian ứng dụng mở ra là vô hạn. Một lớp học nhỏ ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam, nếu được nối mạng và trang bị những công cụ thích hợp, có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với các đồng nghiệp cũng như các học sinh khác trên cả nước và trên cả thế giới, ông Chuẩn nói.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT không chỉ đơn giản là trang bị máy tính, đường truyền Internet hay lập website. Chính vì vậy mà Intel đã triển khai một loạt chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có 78.000 giảng viên, giáo viên, sinh viên sư phạm từ 20 tỉnh, thành trên cả nước và từ 8 trường đại học, cao đẳng sư phạm lớn đã tham dự các khóa đào tạo các kỹ năng CNTT và phương pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức dạy học của giáo viên, cũng như ứng dụng hiệu quả CNTT nhằm nâng cao hiệu quả học tập của học sinh.
CNTT giúp "biến không thành có" trong giáo dục - 1
Một số hoạt động đào tạo kỹ năng CNTT cho các giáo viên ở các địa phương trên cả nước.

Diễn đàn Dayhocintel.net kể từ khi được giới thiệu năm 2008 tới nay đã thu hút gần 16.000 thành viên và hơn 22 triệu lượt truy cập. Diễn đàn là một cộng đồng mở để hỗ trợ giáo viên thay đổi quan điểm, tư tưởng, nhận thức về phương pháp dạy học tích cực bằng các kiến thức và kinh nghiệm chia sẻ để hỗ trợ giáo viên học và ứng dụng CNTT hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp quận Bình Tân, TPHCM, cho biết quận đã triển khai đào tạo cho tất cả các giáo viên từ mầm non cho tới trung học cơ sở trong địa bàn quận, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất để hỗ trợ ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Kết quả là các giáo viên rất hứng thú; chất lượng dạy học trong quận được nâng cao rõ rệt. Một số kỹ năng quan trọng như làm việc theo nhóm, các giáo viên được tiếp cận ngay trong quá trình đào tạo, đã áp dụng lại cho các học sinh của mình, mang lại hiệu quả cao.

Ông Nghĩa tâm sự: "Chương trình gì thì chất lượng học sinh cũng là mục đích cuối cùng. Thực tế ứng dụng tại quận Bình Tân cho thấy, học sinh đạt kết quả học tập tốt hơn sau khi chúng tôi thí điểm việc dạy và học thông qua các dự án, ví dụ như dự án An toàn giao thông là bạn mới đây". Cụ thể, học sinh đã hào hứng và chủ động nghiên cứu, thực hiện các dự án được giao; lượng kiến thức các em thu thập và trình bày đã vượt quá cả mong đợi ban đầu của ngành giáo dục quận.

"Một số câu hỏi các em "đố" trong khi thuyết trình khiến tôi cũng "bó tay"", ông Nghĩa nói vui.

Ông Hà Văn Trường, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận định: "Đây là một sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Sau khi triển khai được một năm, trình độ CNTT nói chung của các giáo viên trong quận đã tăng đáng kể, ảnh hưởng tích cực tới chất lượng dạy và học. Hiện nay chúng tôi đã triển khai bắt buộc với toàn bộ các giáo viên dưới 45 tuổi, còn từ 45 tuổi trở lên thì khuyến khích...".

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Chuẩn, thực tế một số địa phương, một số trường đã có sáng kiến bắt đầu áp dụng chương trình từ một số giáo viên có tuổi, hoặc giáo viên dạy môn xã hội. "Những người này mà ứng dụng thành công CNTT trong giảng dạy thì không có lý gì các giáo viên trẻ hơn hoặc các giáo viên các môn tự nhiên không ứng dụng được tốt hơn nữa", ông Chuẩn nói.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình, ông Chuẩn đề nghị ngành giáo dục các địa phương triển khai hướng tới từng đối tượng cụ thể một cách sâu sát hơn. Ví dụ, giáo viên trường chuyên phải có cách tiếp cận với CNTT khác với giáo viên trường bổ túc văn hóa, hay giáo viên môn Sử phải có cách tiếp cận khác với giáo viên môn Toán...
Tuấn Anh