Chuyện những người “cõng chữ” ra đảo xa

(Dân trí) - Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cô giáo nơi điểm trường Hòn Một nằm trên đảo Hòn Một (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa) vẫn từng ngày âm thầm gieo chữ, giúp học sinh thực hiện mơ ước của mình.

Có lẽ, việc dạy học của các cô giáo ở điểm trường Hòn Một không chỉ bằng những bài giảng mà còn bằng một trái tim yêu thương, bao dung và cảm thông luôn ánh lên trong đôi mắt của mỗi người. Điểm trường Hòn Một là một trong những điểm trường thuộc Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3. 

Chuyện những người “cõng chữ” ra đảo xa - 1
Điểm trường Hòn Một trên đảo Hòn Một (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa).

“Gieo chữ” nơi đảo xa

Từ cảng Cầu Đá đi đò đến đảo Hòn Một mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Các cô giáo ra đảo từ trưa thứ 2 hàng tuần và ở lại trên đảo đến tận trưa thứ 6, sau khi dạy xong các cô mới đi đò về lại đất liền.

Tại điểm trường Hòn Một có 2 lớp tiểu học. Trong đó, có một lớp “3 trong 1” dạy các em học sinh lớp 1, 2, 3 và một lớp “2 trong 1” dạy các em học sinh (HS) lớp 4 và 5.

Lớp “3 trong 1” có 17 học sinh. Trong đó, có 3 em lớp 1, 8 em lớp 2 và 6 em lớp 3. Phụ trách lớp học này là cô giáo Lê Thị Huyền, sinh năm 1984, quê ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐH Vinh, cô Huyền về quê dạy được một thời gian thì vào Nha Trang. Năm 2009, cô Huyền nộp hồ sơ xin việc vào Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 và công tác ở điểm trường Hòn Một từ tháng 10 năm đó.

Vì trong lớp có 3 khối nên cô Huyền phải “phân thân” mới dạy được cho các em cùng lúc. Vừa chỉ cho các em lớp 1 tập đọc xong, cô lại quay sang hướng dẫn một HS lớp 2 viết bài, rồi HS lớp 3 cách làm toán.

Chuyện những người “cõng chữ” ra đảo xa - 2
Cô giáo Lê Thị Huyền và lớp học “3 trong 1” trên đảo Hòn Một.

Cô Huyền cho biết: “Hồi mới đầu dạy ở đảo cũng thấy hơi khó khăn. Nhưng dần dần rồi quen. Mình cũng có những phương pháp dạy học thích hợp để có thể cùng một lúc giảng dạy cho cả 3 khối. Các em HS ở đảo dù thiếu thốn, thiệt thòi nhưng cũng rất ham học, như em Nguyễn Hữu Nghĩa, HS lớp 2, nhà nghèo mà năm nào cũng đạt danh hiệu HS giỏi và được học bổng của nhà trường nữa”.

Phụ trách lớp 4, 5 là cô giáo Hồ Thị Như Ý, sinh năm 1989. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2010, cô Ý về dạy các em học sinh ở đảo luôn. Trong lớp “gộp” với hai khối 4 và 5 thì chỉ có 1 HS lớp 4 là em Huỳnh Thị Thúy Vy, học cũng khá. Lớp 5 có 8 em thì chỉ có 1 HS trung bình, còn lại đều khá, giỏi.

Chị Lan, một người dân trên đảo tâm sự: “Thật thương mấy cô giáo trẻ. Dù trời nắng mưa vẫn đi đò qua đảo để dạy học cho mấy đứa nhỏ...”. 
 
Khó khăn là thế, nhưng các cô vẫn lạc quan: “Dạy học ở đây vẫn là gần, đông dân cư nên vẫn vui, chứ ở các điểm trường như ở Đầm Bấy còn xa hơn, khó khăn hơn nhiều. Ngoài đó chỉ có một giáo viên và 3 em HS”.

Nặng lòng với đảo

Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng các cô giáo vẫn âm thầm với công việc cao cả của mình, với mong muốn cái chữ sẽ đến được với những HS sống trên đảo để bù đắp phần nào sự thiệt thòi của các em, chắp cánh cho các em thực hiện được ước mơ của mình.

Chuyện những người “cõng chữ” ra đảo xa - 3
Bên cạnh lớp học 1, 2, 3 là lớp mẫu giáo với 16 em nhỏ. Người đứng lớp này là cô giáo Hồ Thị Hương, quê ở Nghệ An, đã ra đảo dạy học được 1 năm. 

Hiện nay, trên đảo Hòn Một, trường lớp tuy vẫn còn thiếu thốn nhiều so với đất liền, nhưng cũng đã được xây dựng khang trang hơn. Cư dân trên đảo chủ yếu mưu sinh bằng nghề biển nên HS nơi đây cũng quen với việc đan lưới, câu mực hơn là việc đến trường học chữ. Tuy vậy, ngày càng nhận thấy ý nghĩa của việc học nên các gia đình đều cố gắng cho con cái theo học. Nhiều em dù có hoàn cảnh khó khăn vẫn cố gắng học giỏi, như em Nguyễn Tấn Phi, từ lớp 1 đến lớp 5 đều là HS giỏi; em Vũ Thành cũng nhiều năm đạt HS khá, giỏi…

Em Nguyễn Tấn Phi cho biết: “Các cô giáo rất yêu thương chúng em. Ngoài việc dạy chữ, các cô còn dạy chúng em làm những điều hay lẽ phải. Chúng em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các cô đã ra tận ngoài đảo dạy dỗ chúng em”.

Chuyện những người “cõng chữ” ra đảo xa - 4
Dù khó khăn, nhưng nhiều học sinh như em Nguyễn Tấn Phi, từ lớp 1 đến lớp 5 đều là học sinh giỏi.

Nói về việc dạy và học ở đảo, cô Ý chia sẻ: “Đối với các em ở đảo thì việc dạy và học khó khăn hơn ở đất liền. Cha mẹ lo mưu sinh nên không quan tâm đến các em nhiều, vì thế mà có một số em chỉ học hết lớp 5, không vào bờ theo học tiếp mà ở lại đi biển vì gia đình khó khăn. Cơ sở vật chất cho việc dạy và học còn thiếu thốn cũng thiệt thòi cho các em, nhất là những tiết học cần liên hệ thực tế thì các em ít được tiếp cận. Tại trường cũng không dạy Tiếng Anh và Tin học cho các em được. Các em không được học thêm mà chỉ một buổi học trên lớp và học ở nhà”.

Khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng các cô giáo trẻ như cô Huyền, cô Ý... không ngại khó, quyết tâm mang con chữ, kiến thức đến với những HS trên đảo. Sau giờ lên lớp, các cô lại về căn phòng nhỏ của dãy nhà công vụ, chuẩn bị bữa ăn rồi lại miệt mài soạn bài cho những tiết học ngày hôm sau. 

Cuối tuần, trở về với đất liền là khoảng thời gian các cô giáo trẻ được nghỉ ngơi bên gia đình, người thân. Nhưng nhiều khi các cô còn tranh thủ tìm mua sách vở, đồ dùng học tập giúp các em HS.

Cô Huyền tâm sự: “Dạy học ngoài đảo, điều ấn tượng và vui nhất là sự ngây ngô, ngộ nghĩnh và sự ham học của các em. Chúng tôi cảm nhận được sự khó khăn, thiếu thốn của các em nên cũng mong muốn công việc của mình sẽ bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho học trò nơi này”.

Nguyễn Thành Chung