Kon Tum:

Chuyện học ở Ngã ba Đông Dương

Trong khi nhiều địa phương Tây Nguyên hiện nay, việc duy trì số học sinh trên lớp rất khó khăn, thầy cô phải gõ cửa từng nhà vận động học sinh ra lớp... thì tại xã Đăk Nông, Ngọc Hồi (Kon Tum) tiếng kẻng được dùng làm hiệu lệnh cho học sinh học bài và đi... ngủ.

Học để chống... tảo hôn

Gương mặt Chủ tịch UBND xã Đăk Nông Xiêng Thanh Tý thật hồ hởi. Mỗi ngày tại 9 thôn làng của xã đều hai lần đánh kẻng làm hiệu lệnh để học sinh học bài (lúc 19 giờ) và đi ngủ (lúc 21 giờ), sau đó lãnh đạo xã cùng ban ngành, đoàn thể trong xã đi kiểm tra đột xuất tại các gia đình... Tuy chỉ mới thực hiện hơn một tháng thôi, nhưng đã trở thành thói quen của người dân mỗi ngày.

"Từ ngày chúng tôi có chủ trương đánh kẻng học bài đến nay, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập uống rượu trên địa bàn xã thật sự giảm mạnh. Nếu duy trì tốt tiếng kẻng học bài này, chắc chắn chúng tôi sẽ giảm được nạn tảo hôn, tình trạng bỏ học "bắt chồng, bắt vợ" sớm, tụi học sinh không có nhiều thời gian và cơ hội để "cặp kè" bên nhau vào mỗi buổi tối", ông Tý khẳng định.

Chất lượng nâng lên rõ rệt

Ông Un Nhơn-trưởng thôn Tà Book là người chịu trách nhiệm đánh kẻng học bài vào mỗi ngày, gặp chúng tôi ông bảo rằng rất phấn khởi khi được làm cái việc "chưa từng có" này, nhiều bữa lẽ ra mình ngủ lại trên rẫy luôn, nhưng nhớ trách nhiệm phải đánh kẻng cho tụi nhỏ, nên không thể ở lại hay đi đâu xa được...", ông Nhơn nói.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Nông Huỳnh Thị Tường Vy cho biết, trước tình trạng học sinh về nhà không chịu ôn luyện, học bài cũ mặc cho thầy cô giáo trong trường thường xuyên nhắc nhở , trường đã phối hợp với xã tổ chức đánh kẻng hiệu lệnh, từ đó tình trạng học sinh bỏ học giảm hẳn, chất lượng học tập của các em được nâng lên rõ rệt...

Thích đi học - Ngại đi chơi

Khi màn đêm đen kịt buông xuống chốn biên giới xa xôi, chúng tôi theo chân thầy cô giáo xuống làng Nông Nội, Tà Book... để được "mắt thấy, tai nghe" các em chia thành các tổ, nhóm học tập mỗi nhóm bình quân từ 3 đến 5 em. Gặp chúng tôi em Y Thừa (lớp 9A) cho biết, nhóm của em có 3 bạn gồm: YThừa, YLan và YHôm từ ngày có tiếng kẻng học bài vào mỗi buổi tối, tất cả các bạn trong nhóm đều có ý thức học tập tự giác hơn, trước đó chỉ học được trên lớp thôi chứ về nhà ít khi ngó ngàng đến bài vở... em Y Toản khẳng định, bây giờ chúng em có muốn đi chơi cũng không có bạn đâu chú ơi! Nghe tiếng kẻng thì bạn nào cũng chỉ lo chú tâm vào học bài và làm bài tập thôi. Em trai tên Un Mạc (lớp 8C) tỏ vẻ thích thú bởi, từ khi làng có tiếng kẻng học bài không hiểu sao em lại thấy thích học hơn, ngại đi chơi lắm!

Dùng tiếng kẻng để làm hiệu lệnh cho các em học sinh học bài tại gia đình vào mỗi buổi tối của người Giẻ-Triêng trên biên giới thuộc Ngã ba Đông Dương đang gây phấn chấn cho nhiều buôn làng bên cạnh, người dân rất phấn khởi và ủng hộ. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Kon Tum tổ chức "xã hội hóa" giáo dục một cách mới mẻ, thiết thực.

A-KA